Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lao động tự do còn nhiều khó khăn
Thứ sáu: 01:03 ngày 19/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong điều kiện “bình thường mới”, mọi hoạt động dần trở lại. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, nhiều hoạt động gặp khó khăn.

Trước đó, nhiều lao động tự do phải dừng việc, không có thu nhập. Bình thường, những đối tượng này đã gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định thu nhập, bảo đảm đời sống gia đình, nay đối mặt với dịch bệnh Covid-19, họ càng thêm khó.

Chị Hằng soạn hàng hoá chuẩn bị cho buổi chợ.

Tại một phòng trọ trên địa bàn khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành, chị Phan Thị Cẩm Phụng (47 tuổi) cho biết, chị làm nghề bán khăn dạo tại các chợ, chồng là thợ hồ, nhiều tháng qua vợ chồng thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh. Mấy ngày gần đây, chị được đi bán lại nên mừng lắm; còn công việc thợ hồ của chồng chị không thường xuyên.

Chị nói: “Trước đây, mỗi ngày tôi buôn bán được hơn trăm ngàn đồng, tiền công làm hồ của chồng hơn 200 ngàn đồng, đủ chi tiêu và trả tiền trọ”. Thời gian qua, khi thực hiện giãn cách, vợ chồng chị Phụng thất nghiệp, số tiền dành dụm bấy lâu không còn nên sống nhờ vào sự hỗ trợ lương thực, thực phẩm của địa phương và mạnh thường quân. Chị Phụng đã được nhận tiền hỗ trợ. Vợ chồng chị đều tiêm đủ hai mũi vaccine.

Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, công việc, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Chị Phụng nói: “Có những chợ mình không vào bán được vì khác địa bàn, người dân mua sắm ít hơn so với trước đây”.

Cùng dãy trọ với chị Phụng, chị Nguyễn Thuý Hằng (48 tuổi) vừa trở về sau một buổi chợ. Căn phòng nhỏ là nơi trú ngụ của gia đình chị hai năm qua. Chồng chị Hằng bệnh nặng, vừa mất cách đây không lâu, cuộc sống của hai mẹ con chị gặp nhiều khó khăn.

Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, chị Hằng thức dậy chở hàng đi chợ Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) bán. Chị Hằng nói: “Dạo gần đây được đi bán lại, có thu nhập để chi tiêu, tôi mừng lắm, nhưng cũng lo sợ dịch bệnh. Mỗi ngày, khi về tới nhà, tôi phải xịt nước khử khuẩn rồi mới vào, cẩn thận vẫn hơn”.

Theo chị Hằng, việc buôn bán tạm ổn nhưng chậm hơn so với trước đây, mỗi buổi chợ kiếm lời gần 200 ngàn đồng. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được đi bán lại đã mừng rồi, không còn phải chịu cảnh thất nghiệp”- chị Hằng chia sẻ.

Cùng cảnh khó khăn, công việc không thường xuyên, cuộc sống của mẹ con chị Huỳnh Thị Kim Ngân (37 tuổi) khá vất vả. Chị Ngân nói, trước đây làm công cho xưởng kẹo tại xã Trường Tây và bán vé số, thu nhập đủ chi tiêu. Sau mấy tháng thất nghiệp vì giãn cách, số tiền dành dụm trước đó đã tiêu sạch. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công việc của chị không thường xuyên, vài ngày mới có một ngày làm việc.

Vì lo lắng dịch bệnh phức tạp nên chị Ngân chỉ làm tại xưởng kẹo, chưa bán vé số trở lại. Với thu nhập chỉ khoảng 150 ngàn đồng/ngày, lại không có việc thường xuyên, chị Ngân đang “gồng” để lo cho cuộc sống của hai mẹ con.

Theo ông Bùi Văn Cà- Trưởng khu phố Long Tân, người dân sống trên địa bàn thường di chuyển qua nhiều địa phương để làm ăn, buôn bán. Tại khu phố, đối tượng lao động tự do tạm trú khá đông, khu phố đã tiếp nhận và hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP cho khoảng 700 người tại địa phương và người tạm trú.

Trong thời gian qua, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các tổ tự quản tìm hiểu và đề xuất lên trên để hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Long Thành Bắc cho biết, thời điểm dịch bùng phát, Mặt trận thường xuyên vận động mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân thiếu ăn. Sau giãn cách, tính từ đầu tháng 11.2021 đến nay, Mặt trận phường đã vận động và trao tận tay người nghèo, lao động tự do, những người gặp khó khăn đột xuất khoảng 200 phần quà gồm thực phẩm, gạo.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục