Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lập nghiệp trên vùng biên giới
Thứ sáu: 19:58 ngày 20/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khu dân cư Chàng Riệc thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên nằm giáp biên giới Campuchia về phía Bắc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng từ năm 2008.

Tháng 4.2012, những hộ đầu tiên của hai huyện Tân Biên và Tân Châu đã lên đây định cư. Thực hiện Đề án, khu dân cư Chàng Riệc chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2008-2016) khu dân cư đã hình thành và cấp 300 căn nhà; giai đoạn 2 (2017-2019) triển khai xây dựng hoàn thành 75 căn. Mỗi hộ dân đến đây được cấp 1 căn nhà 42m2, đất ở 1.000m2 và 1 ha đất sản xuất.

Khu vực biên giới Chàng Riệc trước đây thưa thớt, hoang vu, thì nay, trên những vuông đất màu nâu đỏ trù phú là những công trình dân sinh khang trang với trường, chợ, trạm y tế. Bên những ngôi nhà, thấp thoáng màu xanh của những cây xoài, cây dừa, hàng ớt, luống rau lang tươi tốt; xa xa là những mẫu đất xanh rì của mì, mía, tiêu.

Đó là thành quả lao động miệt mài suốt gần 10 năm qua của những con người đầy quyết tâm và nghị lực nơi vùng biên này. Bởi khi họ đến đây, gần như trong tay không có gì ngoài sức lao động.

Anh Tắc Chum (bìa phải) thăm vườn tiêu.

Anh Tắc Chum, người dân tộc Khmer, là một trong những người đầu tiên lên lập nghiệp ở KDC Chàng Riệc này. Khác với những hộ dân khác ở đây trồng mía, trồng mì, anh Tắc Chum lại trồng tiêu.

Anh Chum cho biết, trước kia nhà anh ở thị trấn Tân Biên. Khi đó, anh có hơn một mẫu đất trồng hơn 2.000 nọc tiêu.

Nhưng, năm 2000, sau một trận lụt, vườn tiêu của anh chết sạch. Tiêu chết, nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng đến kỳ phải trả, anh Chum đành bán đất trả nợ.

Cứ nghĩ sẽ không bao giờ có được mảnh đất để gầy dựng lại vườn tiêu, vậy mà bây giờ ước mơ đó có thật. Khi được nhà nước cấp cho 1 ha đất tại KDC Chàng Riệc, anh Chum tiếp tục gầy dựng lại vườn tiêu.

Năm 2013, lần đầu chúng tôi đến thăm nhà anh Tắc Chum. Từ xa, giữa những mẫu đất ngổn ngang thân mì đang thu hoạch là đám chuối xứ xanh um, mướt rượt của anh. Lại gần mới biết, chen giữa hàng trăm bụi chuối đó là những nọc tiêu mới trồng.

Anh Tắc Chum là người đầu tiên ở KDC Chàng Riệc trồng tiêu. “Tôi phải làm theo cách lấy ngắn nuôi dài. Trong thời gian chờ tiêu lớn, có nguồn thu, tôi phải trồng thêm chuối để lấy vốn đầu tư tiếp cho vườn tiêu. Mình lên đây tay trắng, chỉ chạy vạy được ít tiền mua tiêu giống, còn nọc tiêu tôi phải tìm vào rừng, tìm cây xà cừ con mang về ươm”, anh Chum cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vào thời điểm đó là nguồn nước. Anh Tắc Chum nhớ lại, đất ở đây tốt nhưng do cao, nước tưới khan hiếm. Anh Chum đã phải đào tay lần lượt 2 cái giếng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước.

Anh phải mướn thợ khoan gần 1 tuần lễ để tìm mạch. Cuối cùng, sự kiên trì của anh đã chiến thắng. Những dòng nước đầu tiên đã tưới mát những nọc tiêu, bụi chuối và gần 400 gốc xà cừ làm nọc tiêu.

Vợ chồng anh Tắc Chum thăm vườn tiêu.

Không phụ công khó nhọc của anh Chum, nhờ có chuối, trung bình mỗi tháng anh thu về trên 3 triệu đồng. Có tiền, anh tiếp tục mua tiêu giống nhân rộng ra. Từ 280 nọc tiêu những năm đầu giờ đã lên 1.700 nọc tiêu, phủ xanh 1 ha đất.

“Giờ 3 đứa con của tôi đều đã lập gia đình, cuộc sống ổn định. Tôi ngoài việc chăm sóc 1 ha tiêu này, thời gian rảnh tôi đi làm thêm ở ngoài. So ra với ngày trước, cuộc sống đã bề thế hơn, cũng gọi là có tài sản trong tay”, anh Tắc Chum cười nói.

Trong những hộ dân lên KDC Chàng Riệc, nếu nói về cần cù và biết cách làm ăn phải kể đến vợ chồng anh Đoàn Văn Lương và chị Huỳnh Thị Tranh. Anh chị Tranh trước kia ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu.

Anh Lương nhớ về một thời gian khó, nhà có 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con đang tuổi ăn học. Cả nhà không có đất làm, phải đi mướn để trồng hàng bông. Nhưng, mùa vụ thất nhiều hơn đặng. “Khó khăn đang chồng chất thì được địa phương thông báo cho lên KDC Chàng Riệc. Lúc nghe mừng lắm, nhưng lên tới nơi mới thấy lo. KDC nằm ở vùng biên giới, thưa người, vắng vẻ, không biết làm ăn như thế nào”, chị Tranh kể lại những ngày đầu đặt chân lên KDC Chàng Riệc.

Anh Lương, chị Tranh đổ cột hàng rào theo đặt hàng của khách.

“Đã nghèo còn sợ thì làm sao sống. Tôi nói với vợ, lên đây là đường cùng rồi, không còn đi đâu được nữa. Mình phải cố gắng nghĩ cách làm ăn”, anh Lương tiếp lời vợ. Rồi cũng như những hộ khác, vợ chồng bắt tay trồng mì trên phần đất được cấp. Nhưng vì không có kinh nghiệm nên làm 2 năm thì cả 2 năm đều không có lời. Trong thời gian này, anh Lương tranh thủ lúc rảnh đi nhặt từng viên đá vương vãi ở các nhà, các công trình trong KDC mang về nhà. Rồi anh mua thêm cát, ximăng để đổ cột hàng rào bán. Cứ tích cóp, nhặt nhạnh mỗi ngày, dần dà nhà anh trở thành điểm bán trụ hàng rào duy nhất ở KDC.

Nhận thấy KDC chưa có cửa hàng vật tư xây dựng, anh chị Tranh quyết định cho thuê đất sản xuất để lấy vốn, mở điểm kinh doanh từ năm 2015. Xuất phát từ những ngày đầu chỉ đổ trụ xi măng làm cột hàng rào, giờ đây, anh đã có một cửa hàng vật tư nho nhỏ, cung ứng đủ mọi vật liệu: từ cát, đá, xi măng đến gạch lót nền, sắt, thép, tôn… Trước đây việc giao hàng chủ yếu phải dùng xe rùa hay xe máy, thì giờ đây, anh đã mua được xe máy cày để vận chuyển. Dần dà, anh còn sắm thêm bộ giàn giáo, máy trộn để cho thuê, xây dựng được kho chứa vật tư rộng rãi.

“Tất cả mọi thứ bây giờ vợ chồng tôi đều tự làm hết. Cứ có ai kêu cát, đá hay gạch là vợ chồng tôi tự bốc vác, tự khuân xúc lên xe máy cày rồi chồng tôi chở đi giao cho người ta. Ngày nào làm tới chiều tối cũng rã rời cả người, nhưng mình chưa có nhiều tiền để mua máy xúc, cũng chẳng có lời lóm bao nhiêu để mướn người phụ. Thôi thì cứ động viên nhau, cố gắng bỏ công làm lời mà ăn chắc mặc bền”, chị Tranh tâm sự.

Cửa hàng vật tư của anh Lương cung cấp đủ mọi vật liệu dành cho xây dựng.

Vốn dĩ là người làm nông, nên dù bận rộn với việc mua bán, chị Tranh còn dành thời gian dọn phần đất trống trước nhà, trồng mấy luống hoa huệ trắng. Chị bộc bạch, lúc đầu trồng để có hoa chưng, không phải đi chợ mua. Nhưng càng trồng, càng chăm sóc thì chúng càng tốt tươi. Nhiều nhà hàng xóm thấy hoa đẹp sang mua.

“Thấy bán được, tôi mở rộng thêm diện tích ra, trồng thêm vài chục gốc huệ nữa. Huệ này thơm, thích hợp cho việc thờ cúng nên mọi người ở đây hay mua chưng vào mấy ngày mùng Một, ngày Rằm. Tính ra, mỗi tháng tôi cũng kiếm được khoảng 2 triệu tiền bông huệ. Đủ tiền chợ búa”, chị Tranh hồ hởi nói.

Nhờ những năm tháng lên đây, cuộc sống ổn định, anh chị đã nuôi dạy con cái ăn học tới nơi tới chốn. Giờ đây, đứa con gái lớn của anh đã có việc làm ổn định, cậu con trai út đang tham gia nghĩa vụ quân sự Trung đoàn Bộ binh 4, thuộc Sư đoàn Bộ binh 5. “Cuộc sống bây giờ hơn cả những gì chúng tôi mong ước. Những ngày khó khăn đã qua. Chúng tôi có cuộc sống mới ở đây, và sẽ gắn bó suốt đời mình, đời con cháu chúng tôi trên mảnh đất biên giới này”, chị Tranh khẳng định.   

Có những người đầy nghị lực và quyết tâm như anh Tắc Chum, chị Tranh, anh Lương, biên giới sẽ mãi mãi một màu xanh. Một vùng biên cằn cỗi, hoang vu ngày nào giờ đã nở hoa. Những đoá hoa từ sự cần lao, bền chí.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục