Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lây lất qua ngày
Thứ bảy: 17:45 ngày 23/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Niềm ước ao lớn nhất của chị bây giờ chỉ là muốn cô con gái nhỏ có thể được đến trường, học hành đến nói đến chốn, không phải khổ cực như chị. Đối với bản thân mình, chị chỉ mong có điều kiện tập vật lý trị liệu để có thể tự ngồi dậy, tự lo mọi sinh hoạt cá nhân. Điều ước của chị có thể thành hiện thực nếu nhận được sự trợ giúp từ những tấm lòng nhân ái.

Hai mẹ con chị Nô Sa Ny và bé My

Trong sân căn nhà nhỏ nằm ven con đường đất đỏ thuộc ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu (người dân Tân Hội hay gọi là xóm Chàm), có một bé gái đang tỉ mỉ rửa từng cái chén, miệng thì ngâm nga “ngày xửa, ngày xưa…”. Chiếc giường kê trước nhà được che bằng mấy tấm bạt đơn sơ, có người phụ nữ với thân hình gầy gò, mỉm cười ngước nhìn khách lạ đến thăm.

Đó là chị Nô Sa Ny, năm nay hơn 30 tuổi và con gái của chị Ma Li Ka, tên thường gọi là My mới lên 7 tuổi. 3 năm trước, chị Ny bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống. Từ đó, chị bị liệt hai chân, không còn đi lại được nữa. Ăn uống, vệ sinh cá nhân của chị phải dựa vào cô con gái bé nhỏ. 

Chị Ny chị sinh ra trong một gia đình đông con, cha là người Việt Nam, mẹ là người Campuchia. Gia đình chị có 5 anh chị em nhưng chỉ có 2 người biết bập bẹ vài chữ tiếng Việt. Khi lớn lên, chị Ny đi làm xí nghiệp ở Đồng Nai rồi lập gia đình với một người tài xế lái container. Hạnh phúc chẳng tày gang, khi bé Ma Li Ka vừa tròn 6 tháng tuổi, người đàn ông ấy bỏ đi không một lời từ biệt.

Ôm con trở về Tây Ninh, chị Ny định cư tại xã Tân Hội. Hằng ngày, chị vừa đi chặt mì thuê, vừa chăm sóc con nhỏ. Tưởng như cuộc sống bình dị cứ thế trôi qua, nhưng ngờ đâu, một ngày trên đường đi làm về, chị bất ngờ bị xe container lấn tuyến hất văng xuống mương. Tai nạn khiến chị bị gãy xương chậu, chấn thương cột sống, chân không thể cử động.  

Chị khóc: “Lúc ở bệnh viện biết mình bị liệt, tôi cảm thấy cuộc sống như bế tắc, tuyệt vọng, nhiều lần muốn chết đi để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Nhưng các y, bác sĩ, người thân động viên, khuyên nhủ, tôi đã gắng gượng sống vì con. Con tôi đã không có cha, nó sẽ trở thành đứa trẻ mồ côi nếu tôi chết đi. Nhờ đó, tôi lấy lại tinh thần, cố gắng dưỡng thương, tập vật lý trị liệu để về với con gái”.

Sau 1 năm trời nằm viện, sức khoẻ chị Ny dần ổn định. Chị được bác sĩ cho xuất viện về nhà. Ngày mới về nhà, chị sống cùng mẹ ruột và con gái. Nhưng mẹ chị bị bệnh tim nặng, không thể làm việc nặng nhọc nên em trai của chị đón về ở cùng để dễ chăm sóc. Từ đó, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống.

Mỗi ngày, bé Ma Li Ka đi mua thức ăn ở tiệm tạp hoá đầu ngõ, nấu cơm, rửa chén rồi giặt quần áo cho mẹ. Tuổi thơ của em thế cứ trôi qua trong cơ cực không kể xiết. Chị Ny cho biết, mấy năm nay, hai mẹ con chị sống nhờ chính quyền địa phương, bà con hàng xóm giúp đỡ. “Ngày nào có tiền thì mua thức ăn, có khi bà con cho mớ rau để luộc chấm nước tương, hôm nào không có thì mẹ con cùng nhịn đói. Sống được ngày nào thì biết ngày đó!”, chị Ny nói.

Hai mẹ con chị Ny cũng quen dần với cuộc sống lay lắt, bữa no bữa đói. Trước đây, khi xuất viện, bác sĩ có dặn dò chị phải tập vật lý trị liệu, để chân không bị teo và có khả năng ngồi dậy được. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, chị không có điều kiện luyện tập, cứ nằm một chỗ. Đến nay, bản thân đã không thể ngồi dậy, chân ngày càng teo hơn.

Nhiều lúc chị quá bế tắc, cảm thấy bản thân thật vô dụng, chợt nghĩ “hay là buông xuôi”? Tuy nhiên, hình ảnh bé Ma Li Ka chăm ngoan và biết nghe lời mẹ, khiến chị không đành lòng để bé sống một mình đơn độc trên cõi đời. Cô con gái bé bỏng chính là nguồn động viên, hy vọng duy nhất giúp chị vượt qua nỗi đau, sự mất mát này để cố gắng sống tiếp. “Tôi thường tự trấn an, bản thân chịu nhiều bất hạnh nhưng phải vượt qua để còn chăm sóc cho con gái, nhìn con bé thành tài. Chút cực nhọc này chẳng sá gì!”, chị Ny bộc bạch.

Việc kiếm ăn hai buổi còn nặng gánh, hụt hơi nên chuyện vui chơi, giải trí, học hành của con gái là điều xa vời. Nằm ôm đứa con gái nhỏ gầy tong teo, chỉ có da bọc xương, chị Ny trải lòng, bản thân giờ đã quen với việc nằm một chỗ, không còn đau khổ như lúc đầu. Chị chỉ hy vọng bé Ma Li Ka được đi học như bao bạn bè đồng trang lứa, biết đọc, biết viết để còn có tương lai. Trước đây, do công việc bận rộn, sau đó bị tai nạn, nằm một chỗ, chị vẫn chưa kịp làm giấy khai sinh cho con. Đối với chị, chuyện bé Ma Li Ka được đi học là một điều xa xỉ và cũng là nguyện vọng lớn nhất của chị lúc này. 

Ma Li Ka giờ đã lớn, đủ để hiểu chuyện, biết quan tâm, chăm sóc cho mẹ. Tuy nhiên, tận sâu trong tâm hồn cháu bé là khát khao biết chữ. “Mỗi ngày nhìn bạn bè cắp sách đến trường, con thèm đi học lắm!”, câu nói ngây thơ của đứa trẻ khiến chúng tôi ngậm ngùi về một phận đời kém may mắn.    

Ông Chàm Quanh Xốt- Tổ trưởng Tổ tự quản tổ 8 cho biết, thời gian trước, khi biết về hoàn cảnh của Nô Sa Ny, ông có đi khắp xóm vận động mọi người giúp đỡ. Mỗi ngày, gia đình nào có lòng, đồ ăn nhiều sẽ dành một phần cho hai mẹ con. Tuy nhiên, hầu hết người dân trong xóm cũng nghèo, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn nên không giúp đỡ được nhiều. Sau này, ông kêu gọi chính quyền địa phương hỗ trợ vận động. Các nhà hảo tâm gần xa biết đến hoàn cảnh nên chị Ny cũng được giúp đỡ ít nhiều.

Niềm ước ao lớn nhất của chị bây giờ chỉ là muốn cô con gái nhỏ có thể được đến trường, học hành đến nói đến chốn, không phải khổ cực như chị. Đối với bản thân mình, chị chỉ mong có điều kiện tập vật lý trị liệu để có thể tự ngồi dậy, tự lo mọi sinh hoạt cá nhân. Điều ước của chị có thể thành hiện thực nếu nhận được sự trợ giúp từ những tấm lòng nhân ái. Mọi đóng góp xin vui lòng gửi đến địa chỉ: số 13, tổ 8, ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu (số điện thoại liên lạc: 0337.599.147 gặp chị Nô Sa Ny) hoặc gửi đến Toà soạn Báo Tây Ninh: số 221, đường 30.4, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Phương Thảo - Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục