Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 17.9, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo Luật. Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, thường trực HĐND một số địa phương và đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh, Công ty Luật Bảo Nguyên Minh.
Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tây Ninh chủ trì hội nghị.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một số ý kiến đề nghị bỏ thi nâng ngạch công chức; quy định rõ hơn thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh trong việc ban hành chính sách đối với người có tài năng; cần có nguồn kinh phí của tỉnh trong thực hiện đào tạo, bồi dưỡng viên chức.
Về quy định các loại hợp đồng làm việc tại Điều 25 của Luật Viên chức, đề nghị chọn phương án 2. Lý do chọn phương án 2 vì phù hợp với nguyên tắc bảo vệ người lao động theo quy định của Luật hiện hành, không gây xáo trộn trong thực hiện, tăng khả năng thu hút lao động và phù hợp với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và nhiều ý kiến tại hội nghị thống nhất nên giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh vì khối lượng công việc của HĐND tỉnh qua mỗi kỳ họp nhiều, đối tượng giám sát của HĐND tỉnh cũng rất lớn. Đối với HĐND cấp huyện, chỉ cần 1 phó Chủ tịch HĐND.
Đại biểu đóng góp ý kiến cho các dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp cũng nêu thực tế hiện nay việc bố trí các trưởng, phó ban HĐND cấp huyện là công chức các phòng thuộc UBND huyện gây khó khăn cho việc giám sát. Do vậy, đề nghị Luật phải quy định rõ “người phụ trách các ban của HĐND không đồng thời là công chức hoặc thành viên thuộc UBND”. Bên cạnh đó, đề nghị có hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm cho lãnh đạo các ban HĐND cấp xã để phù hợp với thực tế; đảm bảo tỉ lệ cán bộ nữ là đại biểu HĐND đạt ít nhất 35% tổng số đại biểu HĐND.
Bà Phan Thị Điệp cũng đề nghị cân nhắc lại số lượng thành viên UBND vì cơ cấu như hiện nay là quá nhiều. Đối với việc sáp nhập 3 văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND tỉnh như đang thí điểm có nhiều điểm chưa hợp lý. Nếu sáp nhập chỉ nên thực hiện đối với 2 văn phòng cơ quan dân cử là văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND, văn phòng UBND tỉnh nên để độc lập.
Kết luận hội nghị, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý cho các dự thảo Luật tại hội nghị. Toàn bộ ý kiến sẽ được Văn phòng Đoàn ĐBQH- HĐND và UBND tỉnh tổng hợp, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và làm tài liệu, cơ sở để ĐBQH phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Phương Thuý