Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Thứ tư: 22:27 ngày 05/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 4.4, tại Tây Ninh, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng của Australia (ACCC) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)”.

Ông Ngô Đức Minh phát biểu tại buổi  hội thảo.

Ông Ngô Đức Minh- Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011 và trong hơn 10 năm thực thi đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Bên cạnh các kết quả tích cực, một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Dự thảo đã được Quốc hội khoá XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, vào tháng 2.2023, gồm 7 chương, 80 điều. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp thời gian qua, dự thảo hiện còn 7 chương, 79 điều với rất nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi mới. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, dự thảo bổ sung mới 29 điều, khoản, sửa đổi 49 điều, khoản và giữ nguyên 2 điều, khoản.

Ông Ngô Đức Minh cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng xã hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có việc học hỏi, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải liên tục được duy trì, thông qua đó giúp hoàn thiện dự thảo Luật một cách tốt nhất trước khi trình Quốc hội khoá XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (5.2023) tới đây.

Tại hội thảo, đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng về vai trò của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trên không gian mạng, tạo cơ chế thuận lợi nhất để người tiêu dùng thụ hưởng quyền lợi của người tiêu dùng; trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; chế tài xử lý các hành vi nghiêm cấm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Các đại biểu đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo luật. Vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại. Bên cạnh đó, quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít. Ngoài ra, người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp. Đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo luật quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, doanh nghiệp đối với dự thảo luật, ông Ngô Đức Minh cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là văn bản có liên quan tới nhiều chủ thể, có phạm vi tác động rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, vì vậy, các ý kiến tham gia đóng góp, hoàn thiện dự thảo luật là dữ liệu quan trọng, góp phần giúp các cơ quan liên quan có cái nhìn sâu rộng, đa dạng hơn đối với các vấn đề được quy định trong dự thảo.

Chính vì vậy, những ý kiến, đề xuất của dự án luật của các đại biểu sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại kỳ họp thứ 5 tới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục