Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lễ hội bên bờ Quang Hoá
Thứ tư: 09:40 ngày 03/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những niềm vui dù lớn hay nhỏ, cũng theo tiếng trống mõ Kỳ yên râm ran, lan toả khắp một triền sông.

Như vậy là chúng ta đã cùng khảo sát cả 3 tổng của huyện Quang Hoá kéo dài từ triều Nguyễn đến những năm Pháp thuộc. Bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông là Giai Hoá, từ Long Vĩnh đến Tiên Thuận. Tả ngạn sông là Triêm Hoá, từ Phước Trạch tới Trường Hoà, nay là xã Trường Tây của thị xã Hoà Thành. Và cuối cùng là tổng Mỹ Ninh, vắt ngang sông từ Phước Thạnh, Thanh Phước qua An Thạnh, Phước Lưu, Long Thuận. Tất cả những làng quê ấy đều có điểm chung là gắn bó với dòng sông Vàm Cỏ Đông miệt mài chảy xuôi từ phía thượng nguồn.

Thỉnh sắc về đình Trung Cẩm Giang.

Sông Vàm Cỏ Đông xưa có tên là Quang Hoá.

Tây Ninh ngày nay, đã có nhiều lễ hội được công nhận di tích LS-VH phi vật thể quốc gia. Như lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, Trảng Bàng, hay lễ cúng Quan lớn Trà Vong ở khu mộ ngài trên đất Tân Biên. Trên núi Bà Đen cũng có lễ vía Bà Linh Sơn thánh mẫu dịp tết mùng 5 âm lịch…

Dù vậy, muốn chứng kiến lại lễ hội truyền thống đông vui nhất trong dịp mùa xuân, thì cứ phải về các làng xã dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông. Sớm nhất là các lễ cúng: Kỳ yên đình Trường Đông, thị xã Hoà Thành, rồi lễ cúng dinh Quan lớn Vàm Bảo (Huỳnh Công Nghệ).

Và thêm, lễ cúng Kỳ yên đình Tiên Thuận, Bến Cầu. Cả ba lễ hội này đều vào ngày 16 tháng Giêng. Còn muộn nhất, khi trời đã sang hè thì có lễ cúng dinh Quan lớn Đại thần tại ấp Cẩm Thắng ngay trung tâm của xã Cẩm Giang. Như một câu ca dao xưa của vùng đất này, là: “Dù ai xuôi ngược bộn bề/ Tháng tư mùng sáu nhớ về Cẩm Giang”.

Về Cẩm Giang! Vùng đất được coi như “tỉnh lỵ” đầu tiên ở đất Tây Ninh. Là bởi ngay sau khi chúa Nguyễn cho lập đạo Quang Phong thì đã chọn Cẩm Giang làm đạo sở đạo Quang Phong (Đại Nam nhất thống chí). Sách này cũng chép về ngôi thành bảo ở đây.

Là: “thành huyện Quang Hoá, chu vi 147 trượng 7 thước, 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 1 trượng sâu 5 thước, mở 3 cửa… Năm Minh Mạng thứ 5 đắp bảo Quang Hoá ở địa phận thôn Cẩm Giang…”. Vậy nên, ai muốn vừa xem hội, vừa muốn tìm hiểu về ngôi thành cũ, thì cứ phải về lễ cúng dinh Quan lớn Đại thần. Tương truyền, ông là Huỳnh (hoặc Trần) Công Thắng, một trong những vị quan đứng đầu đạo sở.

Là bởi cũng theo các bậc tiền bối cao niên ở đây, ngôi dinh nằm trên ngay trên chính một đoạn bờ thành xưa. Có thể đấy cũng chính là một trong các cổng thành, bởi ngay phía trước là con đường dài hơn 200 mét thẳng đến bờ sông Vàm Cỏ Đông, nơi ngày trước vẫn còn dấu vết của một bến thuyền với gạch đá, trụ xây. Ngôi thành cũ, quả thật đã không còn gì cả, từ bờ thành đắp đất cho đến các cổng, hào thành.

Ban quý tế dinh thờ đành cho đắp thêm một mô hình thành nhỏ ở bên sân, cùng vài gò đụn đắp đất, đá chồng cùng những mô hình chúa sơn lâm, làm quà cho du khách hiếu kỳ cùng các bạn nhỏ. Để các bạn ấy làm nơi đứng ngồi xem múa lân sư rồng mỗi dịp cúng dinh.

Sử Đại Nam cũng viết, cái thành bảo Quang Hoá ở Cẩm Giang này: “Năm thứ 17 đổi thành của huyện. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đắp bảo Định Liêu; năm Tự Đức thứ 3 lại lấy bảo Định Liêu làm thành của huyện, mà Quang Hoá vẫn để làm bảo như cũ”. Năm thứ 17 ấy (1836) là năm vua Minh Mạng đã lên ngôi 17 năm. Ông cho lập mới phủ Tây Ninh gồm 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá. Lúc ấy Cẩm Giang chính là thành huyện Quang Hoá.

Cho đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì có một quyết định quan trọng đối với vùng đất này là chuyển thành huyện Quang Hoá sang bảo Định Liêu. Theo những nghiên cứu bước đầu, bảo Định Liêu chính là ở bên hữu ngạn sông, nay thuộc về ấp B, Bến Đình- xã Tiên Thuận. Cách nay trên 10 năm, đi tới đình Tiên Thuận- xã Tiên Thuận hiện nay vẫn còn thấy một đoạn bờ thành. Nay muốn thấy phải vào tận nhà ông Hai Nhang. Vườn đất nhà ông vẫn lưu giữ được một đoạn bờ thành cũ làm nơi cho cây tầm vông chằng chịt bờ rào.

Ngẫu nhiên hay cố tình đây, mà ngôi đình xưa của làng Tiên Thuận lại tựa vào bờ tường đất của ngôi thành cũ. Vùng này chiến tranh ác liệt, bom pháo đã huỷ hoại đình xưa. Ngôi hiện tại mới được dân ấp góp tài lực phục hồi khoảng mươi năm trở lại đây. Dù vậy, vào ngày lễ Kỳ yên 16 tháng Giêng đều có rất đông người đến cúng.

Thế mới biết, người Việt mình rất tôn trọng những gì có ngọn nguồn từ gốc rễ xa xưa. Như ở một nơi khác là xã Long Chữ. Dù con đường từ trục ĐT 786 ra dinh Vàm Bảo còn 2 cây số đường bờ ruộng rất khó đi. Nhưng luôn có những nhóm người tìm đến trong ngày cúng dinh 16 tháng Giêng.

Thả thuyền tống ôn đình Trường Đông.

Nhưng nói gì thì nói, chắc không ai không rõ lễ hội mùa xuân có không khí thật hội hè, náo nức phải là các ngôi đình miếu bên thềm sông. Mà nhất là ở hai ngôi đình Trường Đông và Trường Tây ở sát bờ sông. Đình Trường Tây còn đủ cả, những “cây đa, bến nước, sân đình” như ca dao Việt cổ từng ghi nhận.

Đình Trường Đông, trước mặt là thênh thang bến nước, tàu bè cập bờ hay thong thả lại qua. Đình Trường Đông cúng Kỳ yên cùng ngày 16 tháng Giêng, một ngày nắng gió tràn trề. Ba gian đình mái ngói thâm nâu, phấp phới cờ hội tung bay trên mặt nước.

Gần 1 tháng sau, ngày 11 tháng 2 là đến lễ Kỳ yên đình Trường Tây có “cây đa bến nước”. Ở cả hai lễ hội ấy đều có không khí tưng bừng và hân hoan màu sắc. Sắc đỏ vàng của đội lân sư rồng cùng các tiết mục uyển chuyển, hùng tráng và dũng mãnh. Và cả những gương mặt trẻ em bừng sáng háo hức đợi chờ rồng lân sư giương oai diễu võ trên sân…

Người ta cũng sẽ gặp các không gian lễ hội tưng bừng ấy ở các ngôi đình dọc hai bên tả, hữu dòng sông của miền đất mang tên Quang Hoá. Bên tả ngạn là các đình: Cẩm An, đình Trung Cẩm Giang, đình Thạnh Đức, đình Phước Trạch, đình Thanh Phước vào trung tuần tháng 2 âm lịch.

Cũng dịp này, bên hữu ngạn sông là các đình Long Chữ, Long Thuận và Lợi Thuận. Ở đâu cũng sẽ gặp lại những nét đặc sắc của văn hoá làng xã truyền thống. Từ ẩm thực, đến trưng bày sắp đặt bông trái, nghi thức dâng cúng.

Và con người quây quần bên nhau đầm ấm, hài hoà. Các ngôi đình Cẩm An, Trường Đông, Trường Tây vẫn giữ được nghi thức thả thuyền tống ôn trên sông Vàm Cỏ Đông. Để tống tiễn đi mọi xui rủi, tai ương, dịch bệnh từng có ở thôn làng trong năm cũ. Thêm một hình ảnh rất đẹp nữa ở đình Trường Đông. Là sau khi lễ dâng cúng thần đã xong, Ban quý tế đem các mâm xôi cúng, trái cây ra chia khắp lượt cho trẻ em và cả người lớn…

Cứ thế, những niềm vui dù lớn hay nhỏ, cũng theo tiếng trống mõ Kỳ yên râm ran, lan toả khắp một triền sông.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục