Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lễ hội chùa Keo là 'Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia'
Thứ tư: 11:45 ngày 01/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tối 29/10, tại Khu di tích lịch sử chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Vũ Thư tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo và đón nhận Bằng công nhận "Lễ hội chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia".

Chùa Keo Thái Bình. Ảnh: Báo Thái Bình.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, gồm hai cụm kiến trúc: Chùa thờ Phật và đền thờ Thánh Dương Không Lộ. Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới. Ông đi tu từ năm 29 tuổi. Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật.

 

Tương truyền, ngài từng chữa bệnh cho vua Lý nên được phong làm Quốc sư. Sau đó, vua Lý đổi tên chùa thành Thần Quang tự. Ngày nay, chùa vẫn giữ tên Thần Quang tự, nhưng dân gian quen gọi là chùa Keo vì chùa ở trên đất thôn Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư, Thái Bình).

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Hiện nay, chùa Keo có 17 công trình với 128 gian, công trình kiến trúc chính như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, hành lang, khu tăng xá, tháp chuông…

Kiến trúc tiêu biểu nhất là tòa gác chuông bằng gỗ cao 11,04 m có ba tầng mái với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, mềm mại. Ở tầng một treo khánh đá cao 1,2 m; tầng hai treo quả chuông đồng đúc năm 1686 cao 1,3 m, đường kính 1 m và tầng trên cùng treo hai quả chuông nhỏ đúc năm 1796. Năm 2012, chùa Keo đã được Nhà nước xếp hạng Di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Hằng năm, chùa Keo tổ chức hai kỳ lễ hội. Hội xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch và hội thu từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội chùa Keo vừa mang tính chất lễ hội nông nghiệp, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử. Trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo, đáng chú ý là lễ rước kiệu Thánh nhằm biểu thị tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao đối với thánh thần và tổ tiên làng xã. Qua các nghi lễ đó, dân làng cầu mong thánh thần phù hộ độ trì, che chở cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc.

Bên cạnh phần lễ là hoạt động vui hội, như: thi bơi chải, rước thuyền, bắt ếch, tung lưới, thổi cơm, bắt vịt, đập niêu… tạo nên không khí sôi nổi, thấm đượm nét văn hóa đồng quê Bắc Bộ. Cuối lễ hội còn có nghi lễ chầu thánh, nghi lễ đặc biệt chỉ có ở lễ hội chùa Keo. Điệu múa chầu thánh là điệu múa cổ diễn tả bằng điệu chèo cạn và múa ếch vồ. Những động tác khỏe mạnh, dứt khoát hướng về phía thờ thánh, như muốn thể hiện cho thần thánh biết lòng biết ơn vô bờ bến của dân làng đối với ngài.

Đặc biệt, tại lễ khai mạc hội thu năm nay có chương trình nghệ thuật sử thi “Diệu huyền chùa Keo Thái Bình” với sự tham gia biểu diễn của 200 diễn viên, quần chúng, tái hiện tích sử về thiền sư Dương Không Lộ. Lễ hội chùa Keo sẽ diễn ra đến hết ngày 3/11.


Đại diện Bộ VHTT&DL trao Bằng công nhận Lễ hội chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền địa phương. Ảnh: Báo Thái Bình

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, ngày 23/1, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định công nhận Lễ hội chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Như vậy, đến nay tỉnh Thái Bình có 6 lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội đền Trần, Lễ hội đền Tiên La, Lễ hội đền Đồng Bằng, Lễ hội đền A Sào, Lễ hội đền Lộng Khê và Lễ hội chùa Keo.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục