Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mọi sự tồn tại trong cuộc sống đều có lý do của nó. Vậy thì mọi sự chấm dứt cũng có lý do. Chọi trâu, dù là di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, cũng không thể là ngoại lệ.
Một cái chết thương tâm vừa xảy ra. Người chủ của chú trâu chọi số 18, người hằng ngày chăm bẵm, tắm rửa, lo cho con trâu từng nắm cỏ đến ca nước, đã bị con vật nuôi yêu quý của mình lao vào tấn công điên cuồng ngay tại sới chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng).
Ông tắt thở 7 tiếng sau đó tại bệnh viện.
Hàng ngàn người đã tận mắt chứng kiến tai nạn thảm khốc đó, hàng triệu người đã chứng kiến lại qua clip được các phương tiện thông tin đại chúng mau mắn đưa tin.
Riêng chọi trâu đã có ít nhất 4 lễ hội: lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (lớn nhất), Hải Lựu - Vĩnh Phúc (lâu đời nhất), Phù Ninh - Phú Thọ và Hàm Yên - Tuyên Quang. Các lễ hội nhiều hình ảnh bạo lực nhất còn phải kể đến hội cướp phết Hiền Quan - Phú Thọ, hội chém lợn Ném Thượng - Bắc Ninh, hội đền Gióng (vốn năm nào cũng xảy ra đánh nhau do tranh cướp hoa tre lấy may)...
Nhiều người đòi cấm lập tức tất cả các lễ hội có cảnh bạo lực, thêm vào đó là các lễ hội có yếu tố phồn thực, giao hoan nam nữ (hội Nõ Nường), mê tín dị đoan (bà Chúa Kho, Phủ Giầy...) với quan điểm: đó là những hủ tục, lạc hậu, của một thời phong kiến đã bị chôn vùi từ lâu, nay lại được khơi ra, không phù hợp với xã hội hiện đại.
Nhiều người khác quyết bảo vệ đến cùng, coi tất cả các hành vi bạo lực không phải là bản chất của lễ hội mà chỉ là hành vi mang tính tự phát của các cá nhân tham dự.
Các nhà quản lý thì lúng túng, không biết nghe hướng nào. Nhiều trường hợp không quản được thì cấm cho an toàn. Một số trường hợp cấm xong bị kêu ca dữ quá (nhất là ban tổ chức lễ hội và các công ty lữ hành kêu trời) lại thả ra cho tổ chức lại.
Nhưng các nhà quản lý lẫn các nhà tổ chức lễ hội đều quên mất người dân sở tại, những người tham gia hành lễ và chịu tác động của những thông tin hình ảnh các lễ hội ấy qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Người dân sở tại tổ chức lễ hội của làng mình, xã mình theo phương thức trao truyền từ hàng trăm năm, ông trao cha, cha truyền con, chỉ người làng người xóm, hoặc cùng lắm làng trên xóm dưới xã bên cạnh sang dự. Quy mô nhỏ, lễ nhỏ, ảnh hưởng đến cộng đồng cũng nhỏ.
Với sự “giúp sức” của chính quyền địa phương và thông tin đại chúng, các lễ hội cứ được thổi mãi lên, to mãi ra, người dự càng đông, giải thưởng càng lớn, cơ hội nổi tiếng càng cao thì tinh thần thượng võ, mục đích cầu “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”, tinh thần yêu thiên nhiên... cứ mai một dần và mọi thứ đều biến tướng.
Hàng ngàn người đã chứng kiến cái chết của người đàn ông nuôi trâu chọi. Phút trước thảm họa, họ đã gào thét thật phấn khích, tiếng gào thét hẳn đã kích động thêm chú trâu đang hăng máu. Chỉ một phút sau, vẫn là tiếng gào thét, nhưng là tiếng gào thét kinh hoàng.
Mọi sự tồn tại trong cuộc sống đều có lý do của nó. Vậy thì mọi sự chấm dứt cũng có lý do. Cái gì phù hợp với cuộc sống, giúp con người ta sống vui hơn, có ích và nhân ái hơn thì nên tồn tại. Còn ngược lại, hoặc nên chấm dứt hoặc muốn tiếp tục tồn tại thì phải thay đổi.
Chọi trâu, dù là di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, cũng không thể là ngoại lệ.
Nguồn TTO