Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đền Hùng hội mở, hành hương về non thiêng Nghĩa Lĩnh thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức Vua Tổ và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mỗi con Lạc cháu Hồng lắng đọng trong tâm khảm niềm tự hào nguồn cội, tự tôn dân tộc...
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2022.
Như lời hẹn ước thiêng liêng, tháng Ba về, triệu triệu trái tim con dân đất Việt lại cùng chung nhịp đập hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh chờ đón nhịp trống đồng khai hội Đền Hùng, tìm về nơi phát tích cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính, tri ân công đức tổ tiên khai sơn, phá thạch, gây dựng nền móng giang sơn gấm vóc trao truyền cho cháu con xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử…
Tri ân công đức tổ tiên, ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng bậc Tổ chung của mình - các Vua Hùng tại non thiêng Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã quanh khu vực. Từ đỉnh Nghĩa Lĩnh- trung tâm thờ tự các vua Hùng đầu tiên, theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan toả tới các địa phương khác.
Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), đình làng Cả (Tiên Kiên)… sau đó lan toả khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có những ngôi đền thờ Hùng Vương, vợ con tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, rồi lan toả ra các tỉnh, thành trong cả nước, tập trung ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và tiến sâu vào đất phương Nam theo dấu chân mở cõi của người Việt.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 249 di tích đang thờ tự.
Phú Thọ là tâm điểm của thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với những hoạt động lễ - hội diễn ra trang nghiêm, thành kính tại các ngôi đền trên núi Hùng và các di tích thờ Hùng Vương ở tỉnh, thu hút hàng triệu đồng bào cả nước và kiều bào tham gia trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hằng năm.
Ngày 6.12.2012, tại kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, với sự đồng thuận của 24/24 nước trong Uỷ ban liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - ông Tổ chung của cả dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh.
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hoá - du lịch đất Tổ năm 2023 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì diễn ra từ ngày 20.4 đến ngày 29.4.2023 (tức từ ngày 1.3 đến hết ngày 10.3 năm Quý Mão) trên không gian trải rộng từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần lễ bảo đảm trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; gắn các hoạt động Hội phong phú nhằm tôn vinh di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát xoan Phú Thọ" với các hoạt động vui tươi, lành mạnh, giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn, văn minh, tiết kiệm; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại tạo sức lan toả rộng rãi.
Theo đó, phần Lễ bao gồm: Lễ giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ ngày 25.4.2023 (ngày 6.3 năm Quý Mão); Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 29.4.2023 (ngày 10.3 năm Quý Mão); Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng của các huyện, thành, thị trong tỉnh Phú Thọ, các địa phương, các tổ chức và của cộng đồng từ ngày 20.4 – 29.4.2023 (từ ngày 1.3 – 10.3 năm Quý Mão).
Phần Hội gồm nhiều hoạt động đặc sắc, độc đáo với trọng tâm là Tuần Văn hoá- Du lịch đất Tổ: Khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hoá - du lịch đất Tổ năm 2023” và “Tuần lễ di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh” vào ngày 21.4.2023 (ngày 2.3 âm lịch) tại Quảng trường Hùng Vương - thành phố Việt Trì với chương trình nghệ thuật chào mừng cùng các hoạt động trình diễn di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh; hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hoá, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam” tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ; giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; giải bóng đá Cúp Hùng Vương; giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ du lịch Tây Bắc năm 2023 tại khu vực ngã 5 đền Giếng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Hội chợ triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ năm 2023 tại khuôn viên sân vận động Bảo Đà - thành phố Việt Trì; Liên hoan văn hoá ẩm thực Đất Tổ tại khu dịch vụ ngã 5 đền Giếng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Hội trại văn hoá và Liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu núi Phú Bùng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng…
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm “Di sản văn hoá, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam”; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và Tín ngưỡng thời đại Hùng Vương; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ”; chương trình “Hát xoan làng cổ” phục vụ khách du lịch; biểu diễn Múa rối nước; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng; Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giày; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội”; trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam; thi đấu các môn thể thao truyền thống; giải đua xe đạp phong trào các câu lạc bộ Việt Trì mở rộng; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”…
Thi giã bánh giày trong lễ hội Đền Hùng.
Tự hào là “con trưởng tạo lệ”, nơi Vua Tổ chọn đất đóng đô, tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho lễ hội.
Trung tâm kinh tế chính trị, văn hoá của tỉnh, đồng thời là không gian chính diễn ra Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hoá - du lịch đất Tổ năm 2023, những ngày này, khắp các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì đang nhộn nhịp các hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ trọng. Bà Nguyễn Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì khẳng định: “Thiết thực quảng bá hình ảnh thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, chúng tôi đã tập trung huy động sự vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và đông đảo người dân trên địa bàn”.
Cùng với các hoạt động do tỉnh tổ chức, trong phần Lễ, thành phố Việt Trì tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào ngày mùng 1 tháng 3 năm Quý Mão, tổ chức Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh tướng thời Hùng Vương vào ngày mùng 10.3 năm Quý Mão tại các phường, xã nơi có di tích thờ Hùng Vương và các danh tướng thời Hùng Vương. Cùng với đó, thành phố tiếp tục vận động các gia đình làm “Mâm cỗ tri ân” trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương Quý Mão 2023.
Trong phần Hội, Thành phố tổ chức giải bơi chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang; Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic”; Trình diễn hát xoan làng cổ tại các di tích đình An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô. Đặc biệt, trong dịp lễ hội năm nay, Thành phố tổ chức trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục "Non sông gấm vóc" với nội dung: Trình diễn bộ sưu tập áo dài và xác lập các kỷ lục Guinness Việt Nam: Áo dài "Non sông gấm vóc" dài nhất Việt Nam với chiều dài 178m bằng chiều dài cầu đi bộ; Cung đường trình diễn dài nhất Việt Nam hơn 500m; Số lượng người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hoá, nghệ thuật đông nhất Việt Nam (dự kiến khoảng 4.000 người), vào ngày 22.4.2023 (ngày mùng 3 tháng 3 năm Quý Mão) tại hồ Công viên Văn Lang…”.
Hát xoan phục vụ du khách ở Đình cổ Hùng Lô.
Với quyết tâm xây dựng Lễ hội Đền Hùng là lễ hội mẫu mực của cả nước, ông Hồ Đại Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Sau ba năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị thu hẹp, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay đang gấp rút được triển khai với nhiều điểm mới hấp dẫn, qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hành hương về nguồn cội của đồng bào trên mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Với mục tiêu tổ chức ngày càng tốt hơn các hoạt động của lễ hội, nhằm gìn giữ bản sắc truyền thống, tạo ấn tượng đẹp với đồng bào, du khách về với đất Tổ, tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ, hữu hiệu nhiều hoạt động bảo đảm phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, văn minh, tiết kiệm, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn.
Các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần văn hoá - du lịch, thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hoá Phú Thọ. Tỉnh đã huy động cao nhất các nguồn lực xã hội hoá đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách thập phương…”.
Đền Hùng hội mở, hành hương về non thiêng Nghĩa Lĩnh thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức Vua Tổ và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mỗi con Lạc cháu Hồng lắng đọng trong tâm khảm niềm tự hào nguồn cội, tự tôn dân tộc để thêm niềm tin, trách nhiệm với di sản cha ông đã trao truyền…
Vũ Thanh