Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không rõ là quyền lực của Lệnh ông Chúa Tàu và Thất vị nương nương, hay lòng tín ngưỡng thuần hậu của người dân An Thạnh mà những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ấy vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Và chắc chắn sẽ còn mãi mãi cho các thế hệ mai sau của làng quê An Thạnh.
Bàu nước trước dinh Ông.
Rằm tháng hai (âm lịch) An Thạnh có lễ Kỳ yên ở đình Bà, một tháng sau là tế điện dinh Ông. Hai lễ hội này có quan hệ mật thiết, bởi hai ngôi thờ tự nhưng chỉ có chung 1 ban cúng tế, gọi là Ban cúng tế dinh Ông đình Bà xã An Thạnh.
Và, nghi thức đầu tiên bao giờ cũng là “thỉnh linh vị” Ông hoặc Bà về đình (hoặc dinh) để cùng phối hưởng việc cúng tế của bà con địa phương. Nghi lễ này thường giản dị, được giao cho 2 vị chức sắc phục trang nghiêm túc khăn đóng áo dài thực hiện.
Linh vị là một tấm giấy đỏ dán lên thẻ tre, trên viết chữ mực đen. Từ dinh Ông rước đi, là chữ: Lệnh ông Chúa Tàu Chứng minh; còn từ đình Bà thỉnh về, là hàng chữ: Thất vị nương nương.
Sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh, đến đầu năm 2022 thì nghi lễ cúng Kỳ yên và lễ tế đã trở lại gần như bình thường ở các ngôi đình Bà và dinh Ông An Thạnh. “Gần như” là bởi vẫn chưa có phần hội với các tốp múa lân sư rồng, chiêng trống tưng bừng. Cũng không có mời các đoàn hát bội lên biểu diễn “xây chầu đại bội” hoặc diễn các vở tuồng truyền thống như: Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Ngọc kỳ lân xuất thế (ở dinh Ông).
Bên đình Bà cũng vắng đi các tiết mục bóng rỗi múa mâm vàng, chập hát múa Địa Nàng hoặc các tiết mục đờn ca tài tử. Tuy vậy, các lễ nghi quan trọng nhất như tế lễ trong cúng Kỳ yên đình Bà, hay tế điện tại dinh Ông đều được diễn ra nghiêm trang, chu tất vào buổi sáng ngày rằm. Các món dâng cúng đều là món chay. Đến hôm sau, ngày 16 âm lịch lại có nghi thức tế thần với các món mặn được dâng lên.
Sáng rằm tháng 3 năm Nhâm Dần- 2022 tại dinh Ông, dù khách đến viếng hoặc tham dự lễ còn chưa đông nhưng cũng đủ đầy các vị chức sắc trong Ban Cúng tế. Các ông và học trò lễ áo dài thụng xanh khăn đóng. Các bà, các chị đều đồng phục áo dài rất mực nghiêm trang. Mõ và chuông trống từng hồi vang lên rền rã. Tiếp theo là nhạc lễ ngân nga. Từng tốp người bước vào quỳ trước ngai thờ chính điện, “cúc cung bái” lạy. Sau đó là các màn dâng hương, dâng rượu, dâng trà.
Trên tất cả các ban thờ, người ta đã bày sẵn các món ăn dâng cúng. Nào trái cây rực rỡ tươi ngon. Rồi các loại mâm xôi và món chay cầu kỳ, đẹp mắt, trong đó không thể thiếu món bánh trôi nước, viên lớn, nước một màu vàng sóng sánh.
Quan sát nghi lễ này, lại nhớ tới câu văn mô tả của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục. Đấy là: “Ở Nam kỳ, khi hiến rượu, hiến đồ ăn, thường có 2 người đóng tuồng, mặc đồ nhung trang cầm nến đi trước, kế đến mỗi bên ba bốn con hát áo mũ rực rỡ, mỗi ả cầm vài nén hương, vừa đi vừa đọc câu chúc hổ rồi mới đến các người hiến rượu, hiến đồ ăn đi sau. Mà cách đi thì rất ngộ: người nào mắt cũng nhâng nhâng, nháo nháo, nghiêng đầu nghiêng cổ, chân bên nọ đá chân kia, làm cho ai lạ mắt cũng phải phì cười, mà họ thì cho thế mới là đi kiểu”.
Loại bỏ đi những “thiên kiến” của tác giả về cách đi đứng, dâng hiến đồ cúng. Thực chất là các Học trò lễ và Đào thài thực hiện nghi lễ này tại dinh Ông cũng như các ngôi thờ tự khác đều rất mực nghiêm trang, thành kính, chứ không “nhâng nhâng, nháo nháo”, cho thấy một thực tế là nghi lễ tế điện tại dinh Ông vẫn giữ gần như nguyên vẹn được truyền thống cúng kiếng từ xa xưa của cư dân Nam bộ.
Đến khi lễ hoàn tất sau 2 ngày, Ban Cúng tế sẽ đem “hoá” con thuyền giấy đã được chuẩn bị rất cầu kỳ chi tiết và trưng bày trong gian chính điện suốt kỳ lễ hội. Những con thuyền này rất đáng để ý đây, thưa quý bạn! Như tại lễ Kỳ yên đình Bà vào năm 2020 thì đấy là con thuyền có hình như một chiếc phà, được trang trí đèn kết hoa, cắm cờ Tổ quốc.
Cũng tương tự là con thuyền bày tại dinh Ông vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch) năm 2022. Thuyền ở đình Bà có hình vẽ Bà Thiên Hậu ngự trên ghế cùng hai cô hầu cầm quạt ở hai bên. Còn thuyền tại dinh Ông lại nổi bật hình tượng Quan Công mặt đỏ, râu dài, tay cầm đại đao đứng trên boong.
Chỉ có một điều khác lạ này thôi! Có lẽ để cho phù hợp với thời đại phát triển hôm nay. Là ở thuyền dinh Bà có thêm các hình nhân là tượng búp bê các cô mặt hoa da phấn được bán trong các tiệm đồ chơi. Còn thuyền ở dinh Ông, đấy lại là các tượng búp bê siêu nhân các loại. Ý nghĩa của các con thuyền này cũng khác xa với loại hình thuyền tống ôn của các ngôi đình Việt ven sông Vàm Cỏ Đông.
Thuyền tống ôn là để thả đi theo sông, nhằm “tống tiễn” những tà ma gây nên mọi điều xấu và xui xẻo của làng xóm trong năm. Còn các thuyền ở dinh Ông và đình Bà là đem đốt như một món đồ hàng mã, chắc là để gửi cho Lệnh ông chúa Tàu và Thất vị nương nương.
Bến đình Bà.
Ngay cả với những người vốn xa lạ với tín ngưỡng dân gian cũng không thể dửng dưng trước hai lễ hội này diễn ra trên quê hương An Thạnh. Không phải ngẫu nhiên mà cả hai ngôi thờ tự đều ở những vị trí thuộc hàng “giang sơn cẩm tú” nhất của miền đất này.
Đình Bà ở ngay trước một bến sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng. Lễ Kỳ yên lại đúng vào dịp các cánh đồng ven sông vào mùa thu hoạch lúa Đông Xuân. Vì thế bến sông trở nên tấp nập thuyền đến, thuyền đi.
Có thuyền thì chở những chiếc máy gặt đập đến các cánh đồng; thuyền lại đầy những bao lúa chật căng về bán buôn ngay trên bến. Xa xa, những chiếc ghe bầu chở khẳm thóc vàng, xăm xăm rẽ sóng xuôi dòng.
Còn ở dinh Ông? Ngay liền kề với dinh là vườn duối với toàn cây cổ thụ. Cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên cảnh tượng mà tác giả Huỳnh Minh đã tả khi đến đây vào năm 1971. Đấy là: “Một cuộc đất rộng trên một mẫu chung quanh có nhiều cây đại thọ, da, bằng lăng giao đầu phủ lá khít nhau mát rượi cả một khu vườn u tịch. Những loại dây rừng, lâu đời mọc quấn theo thân cây tủa xuống có tòng, có tuội, quang cảnh rất nên thơ trầm lặng”.
Cho đến nay, rừng duối vẫn thênh thang toả bóng và dây rừng vẫn còn như một đàn trăn khổng lồ bện vào nhau. Cảnh quan nay còn đẹp hơn xưa nhờ ở phía Nam gò có thêm một hồ nước lớn, khi đầy vịt bơi, lúc sôi tăm cá. Và trên bờ hồ, những pho tượng Phật trầm tư dưới các tàn cây cổ thụ, ngó ra phía mặt hồ mênh mông.
Không rõ là quyền lực của Lệnh ông Chúa Tàu và Thất vị nương nương, hay lòng tín ngưỡng thuần hậu của người dân An Thạnh mà những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ấy vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Và chắc chắn sẽ còn mãi mãi cho các thế hệ mai sau của làng quê An Thạnh.
Trần Vũ