Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chuyến trải nghiệm trên sông của tôi cùng các đồng nghiệp Báo Tây Ninh được khởi đầu từ một “ý tưởng tính đột phá” của các vị lãnh đạo huyện Châu Thành. Đó là mở một tuyến du lịch bằng đường thuỷ trên dòng Vàm Cỏ Đông.
Cây me tây cổ thụ trên bến Cây Ổi. Ảnh: Đ.H.T
Trời không nắng, chỉ ui ui, có vẻ không ảnh hưởng gì bởi cơn bão số 9 đang đe doạ nhiều tỉnh, thành khắp nơi trong nước. Và gió. Chỉ nhè nhẹ, phất phơ, đủ rười rượi mát. Con tàu xuất phát từ một bến nước nho nhỏ ở xã Trí Bình, huyện Châu Thành lướt đi êm ru trên mặt sông Vàm lăn tăn sóng gợn, ngược về phía thượng nguồn. Chuyến trải nghiệm trên sông của tôi cùng các đồng nghiệp Báo Tây Ninh được khởi đầu từ một “ý tưởng tính đột phá” của các vị lãnh đạo huyện Châu Thành. Đó là mở một tuyến du lịch bằng đường thuỷ trên dòng Vàm Cỏ Đông.
Chủ tịch UBND huyện Đặng Thanh Hải bày tỏ một cách khiêm tốn: hy vọng sau chuyến khảo sát thực tế này, các nhà báo sẽ có ý kiến hay đóng góp, giúp địa phương hoàn thiện việc phác thảo tuyến du lịch sông trong tương lai. Chuyện hấp dẫn đây! Có vẻ như các vị lãnh đạo Châu Thành đang tính toán việc tạo ra “cú hích” trong cuộc hành trình bứt phá đi lên của huyện nhà- một huyện nông thôn vốn thuộc loại “thua chị kém em” so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, xét về xuất phát điểm.
Bà mẹ thiên nhiên cũng khá công bằng khi ban cho vùng đất biên giới còn nhiều gian khó một dải lụa mềm Vàm Cỏ Đông thiệt hồn hậu, duyên dáng (tuy rằng thỉnh thoảng mẹ cũng... nổi cơn, hại cư dân nhiều nơi, đặc biệt là các xóm ấp ven sông phải xấc bấc xang bang trong mùa mưa lũ). Theo tư liệu, sông Vàm Cỏ Đông dài 280km bắt nguồn từ đất bạn Campuchia, đổ vào Việt Nam qua 11 xã của huyện Châu Thành trước khi xuôi về phía hạ lưu, về tận Long An... Chiều dài sông đoạn chảy qua địa phận Châu Thành hơn 60km tính từ biên giới giáp nước bạn Campuchia cho tới điểm tiếp nối với Cẩm Giang của huyện Gò Dầu.
Sông đã có tự thuở nào mà đến giờ, tôi mới lần đầu tiên được thưởng thức cái cảm giác trôi bềnh bồng trên sóng nước quê hương, suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ngồi trên con tàu vừa rời bến, phăm phăm xé nước ngược lên phía thượng nguồn, tôi háo hức phóng mắt nhìn ra, bên này là Trí Bình, bên kia Hoà Hội, tận hưởng cái khoáng đạt, mênh mông của trời, nước, đồng bãi xung quanh, mờ ảo xa xa bóng núi Bà uy nghi, trầm mặc...
Tôi thấu hiểu vì sao con sông huyền thoại quê mình từ xa xưa cứ lừng lững chảy vào thơ, vào nhạc... Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi. Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng. Nước ngược dòng hò ơ... (Lên ngàn, Hoàng Việt). Hay: Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông... (Vàm Cỏ Đông- thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục). Rồi: phù sa mang hơi ấm áp đất Tây Ninh, nên mãi mãi sáng long lanh ánh lên màu xanh. Dòng sông vui đưa nước mát đến nơi nơi, ai đã biết Suối Mây ơi... (Phù sa nồng nàn- Trần Quang Huy) vv...vv... Hỏi ai mà chẳng từng nghe, từng thuộc?
Anh Phạm Văn Sỹ- Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện đích thân làm hướng dẫn viên, kiêm “ca sĩ chính” giúp vui cho đoàn tỏ ra rất thông thuộc địa bàn. Không có anh thuyết minh, chúng tôi không thể biết mình vừa qua khúc sông nào, xóm nhà nào. Này là Trí Bình, kia là Hoà Hội. Cảnh sắc ven bờ Tây sông thật hoang sơ, thanh bình. Sau những chòm cây lơ thơ là những đồng ruộng trắng loá cánh cò. Tàu ngang qua Bưng Rò, câu chuyện về người anh hùng kháng Pháp Trương Quyền từng in dấu chân trên đất Hoà Hội năm xưa được khơi dậy với bao cảm xúc.
Tiếp tục đi lên, bắt gặp cái nhánh rạch đầu tiên vươn về bên phải có tên là rạch Bến Đá, giống như lằn ranh thiên nhiên phân chia địa giới 2 xã cùng phía bờ Đông: một bên là Hảo Đước, một bên Phước Vinh, sau đó kéo dài tít tắp, lên tận địa đầu xã Hoà Hiệp của huyện Tân Biên. Rời ngã ba rạch Bến Đá đi thêm một quãng, tôi hứng thú khi nhận ra bến Cây Ổi- cái bến nước dân dã, nên thơ mình từng đến đây bằng đường bộ và từng rất ấn tượng bởi... bến Cây Ổi mà chẳng thấy cây ổi nào! Chỉ thấy một cây me tây cổ thụ vươn mình soi bóng bên sông, dáng uy nghi, đường bệ, đẹp đến sững sờ! Nhiều năm qua, những chuyến phà từ bến Cây Ổi vẫn kiên trì làm nhiệm vụ kết nối cư dân 2 xã Phước Vinh và Hoà Thạnh.
Gần đây, đề án xây dựng cầu Cây Ổi đã được tỉnh phê duyệt. Nghe, mừng cho bà con 2 xã và nghĩ thêm: cây cầu mới một khi thành hình, đâu chỉ phục vụ dân sinh! Nó còn phục vụ cho ngành công nghiệp không khói - như một điểm nhấn trên tuyến du lịch sông nữa. Sao lại không chứ? Tôi lẩn thẩn lo: chả biết khi xây cầu, người ta có triệt hạ cây me tây cổ thụ kia không? Lạy trời! Xin đừng làm thế! Để có được một “đại ca cây” hùng tráng, lẫm liệt như vậy phải mất hàng chục năm trời. Tôi còn ước hai bên bờ sông sẽ có thêm thật nhiều cây xanh bóng toả, cho Vàm Cỏ Đông thêm quyến rũ, nên thơ! Thời buổi du lịch xanh lên ngôi, tổ chức tour tham quan mà không tính đến yếu tố tự nhiên hoang dã, thua là cái chắc!
Nhưng thôi tạm gác lại chuyện cây me tây và cầu Cây Ổi, bởi con tàu của chúng tôi vừa chạm một nhánh rẽ bên trái sông. Rạch Nàng Dình đây sao? Nó phân cách địa bàn 2 xã Hoà Thạnh, Biên Giới, kéo dài đến tận cửa khẩu Tà Nông, băng qua luôn đất bạn. Qua khỏi ngả rẽ rạch Nàng Dình, dòng sông phía thượng nguồn lại lượn lờ, uốn khúc giữa những bờ bãi của 2 xã ven biên. Bên Đông thuộc về Phước Vinh- vùng đất đang giấu đâu đó cái địa danh Trảng Còng vẫn còn âm vang trong bài ca “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt, ra đời từ năm Thìn bão lụt.
Bên Tây là xã Biên Giới- nơi của những địa danh dễ thương, ngộ nghĩnh: Lồ Cồ, Ba Chàm, Suối Mây... nay đã đi vào quá khứ. Tất cả như một sự cộng hưởng, tiếp nối của bức tranh liên hoàn no nê cảnh sắc, phong vị hoang sơ, thôn dã. Dòng sông một ngày yên sóng vẫn êm đềm, lặng lờ trôi giữa đôi bờ phất phơ lau sậy, xen kẽ những lùm cây hoang dại vấn vít dây leo, những vạt lúa xanh um trên đồng nước lấp lánh ánh bạc.
Từng bầy cò trắng mải mê tìm mồi, vừa nghe có động lại vỗ cánh tung bay, vẽ lên khoảng không những vệt sáng loá. Thỉnh thoảng ta còn bắt gặp những chòm cây thốt nốt cao vợi, in bóng thâm nghiêm lên bầu trời, trông tựa tranh thuỷ mặc. Một vài chiếc vó cá khổng lồ buông mình hững hờ xuống mặt nước chừng không màng thế sự. Đó đây, từng đàn chim nhỏ- không biết tìm gì cứ chao liệng trên sông.
Rõ ràng, dọc tuyến đường thuỷ chúng tôi vừa qua, thiên nhiên vẫn thênh thang ngự trị. Sức hấp dẫn toát lên từ đó, chẳng cần tiếp thị phô phang. Cứ theo sông mà đi, đến khi dòng nước tự phân đôi nhánh tạo thành hình chữ T ngay tại ngã ba Vàm. Con tàu lang thang rẽ về một phía, thế là bắt đầu lướt đi trên dòng sông chung- biên giới tự nhiên giữa hai nước, phía ta gọi là Vàm Cỏ Đông, phía bạn kêu bằng Prek Kampong Spean.
Cảm xúc mới khó tả làm sao! Ngoái lại bờ bên mình, tôi tự hỏi: không biết cái địa danh Suối Mây được nhắc đến trong ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quang Huy chính xác là ở chỗ nào? Không biết, thôi đành để đó, hỏi lại sau vậy. Bờ bên kia, vài đứa trẻ Campuchia tóc hoe nắng đang thẩn thơ chơi dưới bóng cây, thấy tàu trườn tới, liền dừng lại, giương to mắt tò mò ngó sang. Biên giới thật gần, chưa bao giờ gần thế. Trời xanh, mây trắng, cây cỏ, lau lách, sóng nước, đồng ruộng... hai bên nào khác gì nhau? Nên, bảo vệ bình yên biên giới cũng là bảo vệ tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Tàu đã quay lại ngã ba Vàm, để kết thúc cuộc ngao du ở khu vực chốt dân quân Đồi Thơ, thuộc xã Phước Vinh. Trước khi rời tàu, tôi còn nán lại, nhìn về phía hạ lưu, cố hình dung con nước dưới chân mình đang tuôn chảy miệt mài về phía thăm thẳm hạ lưu. Bao giờ thì nó về tới Bến Kéo, Cẩm Giang, Bến Cầu, Trảng Bàng... xuôi về tận Tân Trụ, Long An, hoà cùng con nước Vàm Cỏ Tây, hợp thành sông Vàm Cỏ rồi đổ vào sông Xoài Rạp trước khi tuôn ra biển lớn? Ngẫm sự mênh mông của đời sông bên cái hữu hạn của đời người, không khỏi có chút chạnh lòng xao xuyến....
Ở chốt Đồi Thơ, Chủ tịch huyện Đặng Thanh Hải cho thêm một thông tin: Bộ Quốc phòng nước ta đã có chủ trương xây dựng cầu Phước Trung, dưới ngã ba Vàm một đoạn, để con đường tuần tra biên giới được thông suốt từ vùng bên này sông thuộc huyện Châu Thành sang bên kia sông của huyện Tân Biên. Quên kể, mai này khi dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi trị giá hơn ngàn tỷ đồng, trong đó có hạng mục công trình cầu máng vượt sông (một đầu đứng chân trên địa bàn xã Hảo Đước), dẫn nước hồ Dầu Tiếng về phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các xã khu vực phía Tây sông được hoàn thành, bà con khu vực này chắc sẽ vui mừng lắm. Công trình hẳn cũng sẽ góp một điểm cộng cho đề án du lịch tương lai mà lãnh đạo huyện Châu Thành đang ấp ủ.
Vó cá trên thượng nguồn sông Vàm, giáp giới nước bạn Campuchia. Ảnh: Đ.H.T
Khơi dậy tiềm năng du lịch, kết hợp lợi thế đường thuỷ với lợi thế sinh thái rừng sẵn có, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển là một giấc mơ có thật, chính đáng và hoàn toàn có khả năng hiện thực hoá của huyện Châu Thành. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Tất cả hãy còn là... ý tưởng! Từ ý tưởng đến hiện thực còn một khoảng cách rất xa. Vấn đề đầu tiên, “hóc” nhất vẫn là đầu tư từ đâu? Kêu gọi nhà đầu tư nào vừa đủ tài lực, trí lực lại đủ tâm để biết làm du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn hướng tới sự phát triển bền vững? Cái này hẳn cần đến ít nhất một vài cuộc hội thảo quy mô và cần sự trợ giúp của các chuyên gia thứ thiệt! Rồi còn phương cách tổ chức, quản lý, điều hành du lịch? Rồi làm thế nào hài hoà được giữa nhu cầu lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch với trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường? Chỉ riêng chuyện thiết kế, xây dựng các điểm dừng chân dọc tuyến cũng đòi hỏi tốn hao không ít chất xám.
Làm gì ở các điểm dừng chân ấy, qua đó giới thiệu, quảng bá nét văn hoá du lịch đặc trưng, độc đáo ở một vùng quê sông nước biên giới Tây Ninh- không bị na ná với một số điểm du lịch vùng miền khác trong nước, dễ khiến người ta nhàm chán? Chưa kể, biết bao vấn nạn phải giải quyết trước khi vận hành tuyến du lịch sông: nào biến đổi khí hậu, nào tình trạng khai thác cát vô tội vạ làm biến dạng bộ mặt dòng sông; nào chuyện các nhà máy, khu dân cư thi nhau xả thải đầu độc nguồn nước vv... vv... Những việc ấy không hề là chuyện nhỏ, muốn giải quyết tới cùng, một địa phương cấp huyện chắc không tự mình làm nổi.
Tôi đã đọc được niềm khát khao cháy bỏng chất chứa trong ý đồ “kích hoạt” tiềm năng kinh tế du lịch địa phương qua những câu chuyện sẻ chia đầy tâm huyết, trách nhiệm của các vị lãnh đạo huyện Châu Thành. Và tôi tin, rằng sẽ có một ngày... Đường xa lắm nhưng đi thì sẽ tới!
Bút ký: Nhất Phượng