Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Liên hiệp hữu nghị: '3 tháng không nhận được hồ sơ 20.000 viên thuốc viện trợ'
Thứ năm: 19:50 ngày 11/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 11/5, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM cho biết không nhận được công văn từ Sở Y tế xin phê duyệt nhận viện trợ thuốc Tasigna vào năm 2014.

Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM cho biết suốt 3 tháng kể từ ngày 10/3/2014, nơi này không nhận được công văn nào từ Sở Y tế thành phố đề nghị phê duyệt tiếp nhận lô thuốc Tasigna được viện trợ. Do chờ quá lâu không thấy phía liên hiệp phản hồi, bệnh viện đã chủ động liên hệ để hỏi.

Theo đại diện liên hiệp, ngày 4/6/2014 bệnh viện đã trực tiếp mang đến một bản photo công văn xin nhận thuốc viện trợ. Trong hồ sơ lưu trữ, liên hiệp xác nhận công văn đến vào ngày 4/6/2014. Ngày 12/6/2014 liên hiệp có công văn tham mưu cho UBND TP HCM phê duyệt chương trình. 

"Lúc bệnh viện trình bản photo, theo nguyên tắc liên hiệp không xử lý vì công văn đã quá thời gian 3 tháng. Đáng lẽ phải đề nghị bệnh viện làm lại văn bản mới có đóng dấu đỏ, nhưng trong tình thế cấp bách thuốc đặc trị cần gấp nên chúng tôi đã ưu tiên giải quyết", đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM chia sẻ.

Trong khi đó đại diện Sở Y tế TP HCM khẳng định đã gửi công văn đến UBND thành phố và Liên hiệp vào ngày 10/3/2014 bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. 

Công văn xin nhận viện trợ thuốc Sở Y tế TP HCM gửi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM ký ngày 10/3/2014, còn liên hiệp xác nhận công văn đến ngày 4/6/2014 khi bệnh viện trực tiếp mang qua nộp.

Theo quy định, đầu mối tiếp nhận các chương trình viện trợ không hoàn lại đều phải thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt.

Đại diện liên hiệp cho biết cơ quan này mỗi năm thẩm định các nguồn viện trợ trị giá 35-40 triệu USD, trong đó 70-80% liên quan đến y tế. Các thủ tục đều được giải quyết trong khoảng một tuần. Công văn có đóng dấu đỏ giữa các sở ban ngành và đơn vị liên quan đều được vận chuyển qua đường bưu điện.

Rút kinh nghiệm vụ việc 20.000 viên thuốc ung thư được viện trợ bị hết hạn dùng, để tránh xảy ra chậm trễ thủ tục đáng tiếc vì công văn thất lạc qua đường bưu điện, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM kiến nghị các đơn vị nhận viện trợ nhiều nên cử người chuyên trách để theo dõi, xử lý kịp thời. 

Đầu tháng 5 Thanh tra TP HCM công bố kết quả kiểm tra 19.997 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Lô thuốc này đã trải qua 13 tháng 8 ngày cho thủ tục tiếp nhận và nhập khẩu hàng viện trợ, với quy trình 6 cửa duyệt chính là bệnh viện và nhà tài trợ - Cục Quản lý Dược - Sở Y tế - UBND TP HCM và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị - Sở Tài chính - Hải quan. Đến khi hoàn tất và được đưa vào kho của bệnh viện thì hạn sử dụng của thuốc chỉ còn 8,5 tháng. 

Bệnh viện cho rằng đây là chương trình viện trợ có điều kiện đầu tiên (bệnh nhân đồng chi trả so với các chương trình viện trợ khác miễn phí hoàn toàn) nên thủ tục kéo dài, bệnh nhân dùng thuốc ít hơn một nửa so dự trù lúc mua thuốc. 

Hải quan khẳng định đã cho lô thuốc thông quan sớm chỉ sau một ngày mở tờ đăng ký hải quan. Cục Quản lý Dược trả lời đã duyệt hồ sơ đúng quy định 15 ngày làm việc. Sở Y tế TP HCM ngày 9/5 gửi báo cáo đến Bộ Y tế nhận lỗi vì xử lý hồ sơ kéo dài 21 ngày, chậm 3 ngày, trong khi quy định không quá 18 ngày.

Báo cáo ngày 10/5 của Sở Y tế TP HCM gửi Bộ Y tế cho thấy trong quy trình xin cấp nhận lô thuốc viện trợ này, hồ sơ liên quan đến khâu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố mất hết 3 tháng. 

Người mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng thuốc Glivec cần được điều trị tiếp tục bằng thuốc Tasigna hoặc ghép tế bào gốc tạo máu để duy trì sự sống. Nếu điều trị bằng thuốc Tasigna, bệnh nhân phải trả khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Công ty dược đồng ý viện trợ thuốc theo chương trình Tasigna Copay tức bệnh nhân đồng chi trả 4%, tương đương khoảng 42 triệu đồng và được miễn phí 11,5 tháng thuốc. Khi hoàn tất thủ tục nhận viện trợ, thuốc nhập về kho thì chỉ 26 bệnh nhân có khả năng đồng chi trả để điều trị, không phải 50 như kế hoạch của bệnh viện. 

Nhận thấy khả năng tồn kho, 6 tháng trước khi thuốc hết hạn bệnh viện tổ chức nhiều cuộc họp với nhà tài trợ, đưa ra các giải pháp để tránh lãng phí nguồn thuốc như đề xuất miễn phí luôn 42 triệu đồng cho bệnh nhân, mở rộng chương trình cho các bệnh nhân khác tham gia... nhưng không được nhà tài trợ chấp thuận. Công ty dược chấp nhận hủy thuốc và thiệt hại về phía công ty trị giá hơn 3,86 tỷ đồng thời điểm 2015. Trị giá lô thuốc gần 14 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra TP HCM là căn cứ vào giá thuốc năm 2017.

Ngày 1/1/2015, nhà tài trợ và Bộ Y tế đã mở chương trình viện trợ VIPAP 2 với thuốc Tasigna. Bệnh nhân nếu đã đăng ký bảo hiểm liên tục trên 3 năm sẽ không phải trả 42 triệu đồng nữa mà được sử dụng thuốc Tasigna miễn phí, trong đó bảo hiểm trả 40%, công ty trả 60%. Bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc chưa đủ thời gian đăng ký bảo hiểm 3 năm sẽ chi trả 4% theo chương trình Tasigna Copay. Hiện có 154 bệnh nhân dùng thuốc Tasigna, hiệu quả điều trị tương đương phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu.

Nguồn VNExpress

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh