Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thị trường khoai mì ngày càng đòi hỏi cao, nhất là về chất lượng tinh bột khoai mì, các sản phẩm có giá trị cao. Do đó rất cần sự liên kết giữa người trồng mì và doanh nghiệp để ngành khoai mì phát triển bền vững.
Tây Ninh được xem là thủ phủ khoai mì trong nước với nhiều nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột khoai mì. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu khoai mì được trồng tại các vùng nguyên liệu ở tỉnh không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy, vì thế có một phần lớn khoai mì phải nhập khẩu từ Campuchia. Hiện nay, đa phần nông dân trồng khoai mì đều chọn giải pháp bán qua thương lái mà chưa có sự liên kết với các nhà máy chế biến tinh bột mì.
Thương lái thao túng thị trường khoai mì
Theo các tuyến đường tại khu vực chuyên trồng khoai mì các xã Phước Ninh, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), có rất nhiều điểm tập kết, thu mua khoai mì do thương lái đứng ra thu mua tập kết, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các nhà máy.
Vì sao nông dân canh tác khoai mì không thu hoạch và trực tiếp đưa đi nhà máy bán mà phải qua trung gian thương lái để bị ép giá, thu lợi nhuận thấp. Một số nông dân cho biết, nông dân gặp khó khăn trong việc thu hoạch từ việc tìm kiếm nhân công nhổ mì, phương tiện vận chuyển… trong khi đó, các thương lái lại có đủ các điều kiện này.
Khi đến mùa thu hoạch, chỉ cần gọi thương lái đến, thoả thuận giá cả xong, thương lái sẽ lo mọi việc từ nhân công đến vận chuyển… người trồng mì chỉ cần biết tổng số lượng khoai mì được thu hoạch để tính tiền với thương lái theo giá thoả thuận ban đầu. Bên cạnh đó, giữa nông dân và các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì chưa có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm. Chỉ một số ít nông dân diện tích lớn, có đủ nguồn lực mới thu hoạch, vận chuyển khoai mì bán trực tiếp cho nhà máy.
Ngược lại, các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì hiện nay phần lớn cũng chưa “mặn mà” liên kết với nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm, lý do là việc thu mua đã có thương lái, còn nếu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhà máy phải có đội ngũ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật… cùng những phát sinh khác.
Tuy nhiên, thị trường khoai mì ngày càng đòi hỏi cao, nhất là về chất lượng tinh bột khoai mì, các sản phẩm có giá trị cao như mạch nha, bột biến tính…cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm từ khâu trồng cho đến chế biến, tiêu thụ. Do đó, trong tương lai rất cần sự liên kết giữa người trồng mì và doanh nghiệp để ngành khoai mì phát triển bền vững.
Doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch liên kết với nông dân
Theo Công ty cổ phần khoai mì Tây Ninh thuộc Tập đoàn Thai Wah, với tầm nhìn là tạo ra sự đổi mới và bền vững từ nông trại đến kệ hàng, Tập đoàn Thai Wah đã tích cực hợp tác với nông dân và cộng đồng nông nghiệp tại Thái Lan và Campuchia trong 4 năm qua để chuyển đổi sang các phương pháp canh tác phục hồi, chống chịu khí hậu.
Tập đoàn Thai Wah đang tích cực lên kế hoạch hợp tác với nông dân địa phương để trồng sắn (khoai mì) chất lượng cao. Tại Việt Nam, mục tiêu của Công ty cổ phần khoai mì Tây Ninh là bảo đảm khoai mì được trồng tuân thủ theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tập trung vào các phương pháp nông nghiệp tốt nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn này, đơn vị mong muốn cải thiện an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao tính bền vững tổng thể của chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, trong vài năm tới, Công ty có kế hoạch hỗ trợ cộng đồng nhằm nâng cao đời sống của nông dân xung quanh các nhà máy của Công ty tại Việt Nam thông qua các tiêu chuẩn được công nhận quốc tế, để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Để giúp nông dân đạt năng suất cao và duy trì sinh kế bền vững, công ty khuyến nghị nông dân sử dụng các giống sắn chất lượng cao, kháng bệnh, bảo đảm chuẩn bị đất, chăm sóc đất và tưới tiêu đúng cách, thu hoạch đúng thời điểm và kỹ thuật.
Ngoài ra, Công ty sẽ bắt đầu hỗ trợ nông dân thông qua đào tạo về các phương pháp tốt nhất, cung cấp đầu vào chất lượng và tạo điều kiện tiếp cận thị trường để bán sản phẩm với giá cả công bằng hợp lý, từ đó nâng cao năng suất và ổn định thu nhập. Quá trình này sẽ là sự hợp tác giữa công ty và nông dân. Công ty đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu để mang lại lợi ích cho cả cộng đồng và công ty.
Tấn Hưng