Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sự thật lý do người đàn ông ôm cả chú rắn độc cắn mình vào bệnh viện cấp cứu cho thấy tình yêu thương cha dành cho con không Thái Sơn nào sánh nổi.
Cũng như nhiều người, tôi bị thu hút bởi câu chuyện anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) vào bệnh viện cấp cứu do rắn độc cắn, mang theo cả "thủ phạm" là chú rắn hổ mang chúa nặng gần 5kg vẫn đang quấn quanh khuỷu tay. Tôi và những người xung quanh nức nở khen anh Tâm sáng suốt, hiểu biết và cả "lớn gan" nữa khi làm đúng khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa chống độc lâu nay: Nếu có thể, nạn nhân bị rắn cắn nên mang con rắn tấn công mình tới để bác sĩ biết được thứ nọc độc nào đang ở trong cơ thể họ và có cách giải độc phù hợp.
Nhưng sự thật không phải vậy. Người nhà cho biết, anh Tâm dù đang gặp nguy hiểm vì nọc độc vẫn quyết không buông con rắn ra, đơn giản vì cố giữ nó lại để bán lấy tiền. Và hành vi "thực dụng" đến bán mạng này lại có mục đích cao cả: Kiếm tiền đóng học cho con trong năm học mới, đỡ đần vợ. Mũi tôi cay xè khi biết điều này.
Khi bị rắn hổ mang chúa cắn, người đàn ông mang theo cả "thủ phạm" tới bệnh viện.
Anh Tâm từng làm nghề phụ hồ để nuôi vợ và hai con (đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi). Nhưng tai nạn giao thông xảy ra năm ngoái khiến anh mất khả năng làm việc nặng. Năm học mới sắp đến, cần có tiền lo cho con, anh đang không biết kiếm đâu ra thì được người quen mách cho cách bắt rắn mang bán. Gần nơi anh ở, loài động vật này sinh sống khá nhiều và trước khi phải đi cấp cứu vì rắn cắn, anh cũng vài lần kiếm được tiền nhờ cách này.
Ngày 19/8, khi phát hiện con rắn to, đứa con lớn bảo cha chạy đi nhưng anh Tâm nhất định bắt bằng được vì nghĩ sẽ bán được nhiều tiền. Kể cả khi bị rắn cắn, biết mình đang gặp nguy hiểm nên nhờ người qua đường đưa đi cấp cứu, ông bố này vẫn cố giữ bằng được con rắn. Tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh, điều đầu tiên anh hỏi cũng là "con rắn đâu rồi?".
Chi tiết này có thể khiến nhiều người đánh giá anh ngu ngốc và cố chấp, thứ quý nhất là tính mạng còn không lo, lại tiếc một con rắn mà nếu bán đi cũng chẳng đủ trả một phần tiền thuốc, nếu bản thân anh chết đi hay tàn phế thì lấy ai cùng vợ nuôi con... Những người khác có thể trách anh Tâm vi phạm pháp luật, vì rắn hổ mang chúa được xếp vào loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng, cấm săn bắt, mua bán.
Những nhận xét đó đều đúng. Tuy nhiên, cũng là người làm cha làm mẹ, tôi hiểu anh, thông cảm với anh, và thấy mắt rưng rưng, sống mũi cay xè vì cái tình của người làm cha sao mênh mông quá.
Những người trách anh ngu ngốc có lẽ chưa từng trải qua những ngày chạy ăn từng bữa, chưa phải đau lòng nhìn con cái ăn uống thiếu thốn, chưa trải qua cảm giác bất lực khi con sắp đến ngày tựu trường mà tấm áo, quyển sách cho nó cũng không sắm được. Chắc họ chưa đặt mình vào vị trí người đàn ông từng là trụ cột gia đình, nay phải nhìn vợ đôn đáo khắp nơi vẫn không đủ nuôi con, để thấu hiểu sự bức bối, khó chịu và khổ tâm của anh.
Người đàn ông này vì con mà có thể hy sinh cả tính mạng, không màng nguy hiểm. Với anh ấy, tình yêu không phải cái gì cao xa, chỉ là lo cho con được đến trường, có miếng cơm ăn, tấm áo mặc hằng ngày.
Người đàn ông này có thể thiếu hiểu biết, dại dột, nhưng tình cảm anh dành cho các con thật đáng ngưỡng mộ, đáng nhận được sự thấu hiểu, cảm thông. Hành động của anh đủ khiến những người đàn ông đang bỏ rơi con, hoặc thờ ơ phó mặc gánh nặng gia đình cho vợ phải xấu hổ, xem lại mình, và khiến những đứa con hiểu hơn tấm lòng người làm cha làm mẹ. Người xưa ví "Công cha như núi Thái Sơn", nhưng tình yêu ấy, sự hy sinh ấy, làm gì có ngọn núi nào, kể cả Thái Sơn, có thể sánh nổi!
Tuy nhiên, sau sự việc này, chắc anh Tâm cũng nhận ra việc bắt rắn độc là dại dột, nguy hiểm, vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã và sẽ không dám lặp lại nữa. Mong rằng cũng không có ai khác hành động như vậy.
Nguồn VTC