Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lò đúc gang bị người dân phản ứng
Thứ bảy: 13:20 ngày 20/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một số người dân ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà gửi đơn kiến nghị đến UBND xã Trường Hoà, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND huyện Hoà Thành phản ánh, có một lò đúc gang hoạt động chưa có giấy phép, gây tiếng ồn và gây ô nhiễm môi trường.

Lò đúc gang của ông Lê Thành Vinh.

Nội dung đơn nêu, đầu năm 2017, ông Lê Thành Vinh có sang nhượng một phần đất ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà để xây dựng cơ sở đúc gang trong khu dân cư. Lo lắng khi cơ sở này hoạt động sẽ gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, người dân địa phương đã phản ánh vấn đề này lên UBND xã Trường Hoà.

Nhưng do lò đúc gang chưa hoạt động nên chính quyền địa phương chưa có cơ sở giải quyết. Vào tháng 3, Phòng TN&MT huyện cùng cán bộ địa chính xã Trường Hoà có đến địa phương khảo sát, lấy ý kiến người dân để làm căn cứ cấp giấy phép cho cơ sở này hoạt động. Trong đợt khảo sát này có hộ không đồng ý, có hộ đồng ý cho hoạt động tạm thời, nếu cơ sở gây ra tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi thì đề nghị không cấp giấy phép, di dời cơ sở đi nơi khác. Ngày 20.4, cơ sở hoạt động chính thức, đã gây ra mùi hôi từ kim loại nặng, than đá và gây tiếng ồn trong khu dân cư.

Trước thực tế trên, một số người dân ấp Trường Thiện kiến nghị UBND huyện và ngành chức năng không cấp giấy phép, đồng thời vận động cơ sở này di dời đi nơi khác thích hợp hơn.

Ông Lê Thành Vương- cha của ông Lê Thành Vinh - đưa cho chúng tôi xem đơn xin hoạt động cơ sở đúc gang và chuyển đổi công nghệ, do ông Lê Thành Vinh đứng tên và đã được UBND xã Trường Hoà xác nhận. Ông Vương cho biết thêm, nghề đúc gang là nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, lò xây dựng trong khu dân cư đông đúc, sợ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Trường Hoà, nên từ đầu năm 2017 đến nay, cơ sở di dời ra một nơi ít dân cư.

Hiện nay, cơ sở đang làm thủ tục xin ngành Ðiện lực hạ bình điện để nấu gang theo công nghệ mới, không có khói bụi, làm ô nhiễm môi trường và không có mùi hôi. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn hẹp và cần phải xác định công suất của cơ sở để xin ngành Ðiện lực hạ bình biến thế với mức điện năng phù hợp, nên cơ sở xin hoạt động tạm thời bằng phương pháp thủ công trong ba tháng để tích luỹ thêm tiền và biết công suất chính thức. Vì vậy trong thời gian này, cơ sở chưa thể sử dụng điện nấu gang theo công nghệ mới, và cũng vì thế, chính quyền địa phương chưa cấp giấy phép hoạt động.

Trong đơn xin hoạt động cơ sở đúc gang và chuyển đổi công nghệ, ông Lê Thành Vinh khẳng định: “Tôi xin cam kết, trong thời gian nêu trên, nếu không thực hiện chuyển đổi công nghệ, tôi xin ngưng hoạt động và chuyển đi nơi khác”.

Ðược biết, lò đúc gang này trước đây nằm trong cụm 6 lò đúc gang truyền thống thuộc ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành. Do cơ sở này hoạt động trên đất công đang tranh chấp, chưa được các ngành cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường, chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải, tiếng ồn, mùi đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường nên buộc phải di dời cơ sở trước ngày 1.1.2017. Sau đó, cơ sở đã mua đất, di dời đến địa bàn ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà tại vị trí thửa đất số 496, tờ bản đồ số 10, diện tích 670m2. Hiện trạng nhà xưởng bằng máy tole, cột xi măng, có 1 lò đúc gang có lắp đặt chụp thu bụi bằng tole và đường ống thu bụi từ chụp lên cao khoảng 1m. Vị trí khu vực nhà xưởng nằm trong khu dân cư ấp Trường Thiện tiếp giáp với các hộ dân.

Ông Lâm Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoà Thành xác nhận, cơ sở đúc gang đã đăng ký hộ kinh doanh và được cấp phép, nhưng chưa đăng ký lập kế hoạch bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, tiếng ồn đạt quy chuẩn môi trường và chưa được chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện cho phép hoạt động trong khu dân cư.

Ông Bình cho biết thêm, đến tháng 3, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với UBND xã Trường Hoà tổ chức lấy ý kiến 11 hộ dân sống xung quanh lò đúc gang này với kết quả 9 ý kiến đồng ý cho hoạt động tại chỗ- với điều kiện phải xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn, khắc phục mùi hôi và tiếng ồn. Có 2 hộ không đồng ý và đề nghị di dời ra khỏi khu dân cư. Sau đó, cơ sở này đã có đơn xin hoạt động, chuyển đổi công nghệ và đề nghị được hoạt động 3 tháng để có tiền chuyển đổi nhưng không được ngành chức năng đồng ý. Phòng TN&MT huyện kết hợp với UBND xã Trường Hoà đã kiểm tra cơ sở và lập biên bản đình chỉ hoạt động cho đến khi chuyển đổi công nghệ từ đúc lò truyền thống là than đá sang lò đúc điện trung tần. Việc chuyển đổi phải được ngành chức năng chấp thuận mới được phép hoạt động trở lại.

“Phòng TN&MT đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Trường Hoà thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đình chỉ hoạt động khi chưa chuyển đổi công nghệ sang lò đúc điện trung tần. Nếu trong thời gian này, cơ sở vẫn cố tình hoạt động theo công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường thì phải xử lý theo quy định và buộc di dời ra khỏi khu dân cư”- ông Bình kết luận.

Ðức An - Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục