Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lo ngại Trump 'đua' vaccine với Putin
Thứ năm: 08:47 ngày 13/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ lo ngại Trump có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine Covid-19 để bắt kịp thành công của Putin.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8 tuyên bố đã phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ lo ngại Tổng thống Donald Trump cảm thấy buộc phải cạnh tranh trong cuộc đua này, bằng cách nhanh chóng tung ra một loại vaccine trước khi được thử nghiệm đầy đủ.

"Tôi chắc rằng điều này sẽ khiến ông ấy có thêm động lực để thúc đẩy cơ quan nghiên cứu và phát triển, cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đẩy nhanh tốc độ hơn", tiến sĩ Margaret Hamburg, ủy viên FDA dưới thời tổng thống Barack Obama, nói. "Nếu ông ấy tin rằng xét nghiệm làm tăng ca nhiễm, tôi nghi ngờ ông ấy sẽ tin rằng một loại thuốc hoặc vaccine sẽ ổn nếu không qua thử nghiệm".

Thông báo mới của Moskva đã khuấy động nhiệm vụ quốc tế về phát triển vaccine nhằm ngăn đại dịch, mà sau đó đã phát triển thành cuộc đua địa chính trị giữa các cường quốc lớn nhất thế giới.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinki, Phần Lan, tháng 7/2018. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà khoa học Mỹ, vaccine mới "Sputnik V" của Nga, được phê duyệt mà chưa qua giai đoạn thử nghiệm trên quy mô lớn thường được yêu cầu ở phương Tây, có thể hiệu quả. Nhưng nếu không, quá trình "đốt cháy giai đoạn" có thể gây rủi ro cho người dân Nga mà rất nhiều người khác, nếu Tổng thống Trump tìm cách "cạnh tranh" với thành tích của Moskva.

Peter Baker, biên tập viên của NYTimes, nhận định nghiên cứu vaccine đã bị cuốn vào vòng xoáy áp lực khi chính quyền Trump chạy đua phát triển loại thuốc chống nCoV, virus khiến hơn 167.500 người chết ở Mỹ.

Vaccine do hai công ty dược phẩm ở Mỹ phát triển đã chuyển sang thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba, bước cuối cùng trước khi được cấp phép. Nhưng nhiều nhà khoa học lo ngại quy trình sẽ được rút ngắn khi Tổng thống Trump muốn biến đây thành "lá bài quan trọng" cho chiến thắng trước cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.

Nhà Trắng khẳng định dữ liệu, chứ không phải chính trị, sẽ chi phối quyết định phê duyệt vaccine, dù Tổng thống Trump nhiều lần liên kết dự án phát triển vaccine thần tốc Operation Warp Speed với thời hạn của chiến dịch tranh cử. Ông từng cho biết vaccine ngừa nCoV có thể được tung ra thị trường trước ngày bầu cử, dù giới khoa học nhận định phải tới đầu năm sau mới hoàn thành thử nghiệm.

"Chúng tôi đang làm rất tốt mọi thứ gồm cả nCoV, như cách bạn vẫn gọi", Trump nói trong cuộc phỏng vấn ngày 11/8 với người dẫn chương trình phát thanh Hugh Hewitt. "Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng chúng tôi sắp kết thúc. Chúng tôi đang ở rất gần với vaccine và sẵn sàng phân phối".

Trong buổi họp báo cuối ngày 11/8, Tổng thống Mỹ không bình luận gì về thông báo vaccine mới của Nga, nhưng khoe về "tiến bộ vượt bậc" trong phát triển vaccine của Mỹ và khẳng định "chúng tôi đang tới rất gần quá trình phê duyệt".

Ông cũng công bố hợp đồng vaccine Covid-19 mới với công ty Moderna trị giá 1,5 tỷ USD để sản xuất 100 triệu liều. Hợp đồng mới nhất nâng tổng giá trị các thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ với Moderna lên 2,48 tỷ USD. Chính quyền Trump đã phân bổ ít nhất 10,9 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất vaccine Covid-19.

"Operation Warp Speed là hoạt động tiến bộ và lớn nhất trong lĩnh vực này ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử", Trump nói.

Thông báo mới của Nga cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa hai nước. David J. Kramer, học giả về Nga tại Đại học Quốc tế Florida và từng là trợ lý ngoại trưởng dưới thời tổng thống George W. Bush, nói rằng Trump nên tận dụng thời điểm này để xây dựng mối quan hệ tốt với Nga.

"Ngoài kiểm soát vũ khí, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ là vấn đề mà chúng ta và Nga nên hợp tác, chứ không phải cạnh tranh", Kramer nói. "Tuy nhiên, tốc độ mà người Nga phát triển vaccine làm dấy lên nhiều lo ngại và có nguy cơ làm xói mòn niềm tin giữa hai bên, nếu nó không hiệu quả hoặc gây hại".

Cuộc đua vaccine diễn ra giữa lúc Washington đang bước vào cuộc tranh luận mới về cách điều chỉnh quan hệ giữa hai nước sau cuộc bầu cử. Nhóm gồm 103 cựu thư ký nội các, đại sứ và nhiều quan chức khác từ đảng Cộng hòa và Dân chủ tuần trước công bố thư ngỏ trên Politico, tranh luận về nỗ lực "đưa mối quan hệ hai nước theo con đường mang tính xây dựng hơn".

Một nhóm cựu quan chức khác với 33 người do Kramer dẫn đầu hôm 11/8 đăng bài phản hồi, nêu rõ từ chối ý tưởng "thiết lập lại" mối quan hệ và tranh luận rằng chính quyền Putin đặt ra "mối đe dọa cho giá trị và lợi ích Mỹ, cần phải kiên quyết đẩy lùi".

Mối quan hệ giữa hai nước đã bị chi phối bởi hậu quả của cuộc bầu cử năm 2016, khi Nga được cho đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử để giúp Trump, theo các cơ quan tình báo và cuộc điều tra của luật sư đặc biệt. Tuy nhiên, Trump bác bỏ cáo buộc về vai trò của Nga và xem đó là "trò lừa bịp".

Tuần trước, cơ quan tình báo Mỹ báo cáo rằng Nga đang cố can thiệp bầu cử để giúp Trump tái đắc cử, nhưng Tổng thống Mỹ lập tức bác bỏ. "Tôi nghĩ người cuối cùng mà Nga muốn thấy ở Nhà Trắng là Donald Trump, bởi chưa có ai từng cứng rắn với họ hơn tôi", Trump nói.

"Đúng là chính quyền Trump đã có nhiều động thái cứng rắn với Nga, bao gồm lệnh trừng phạt, trục xuất nhân viên ngoại giao và triển khai quân đội tới Đông Âu, nhưng Trump thường để các cuộc nói chuyện khó khăn đó cho cấp dưới và hiếm khi chỉ trích Putin, người mà ông từng ngưỡng mộ và ca ngợi", Baker viết trong bài phân tích trên NYTimes.

David Jolly, cựu nghị sĩ ở Florida, người từng rời đảng Cộng hòa một phần vì phản đối Trump, lo ngại rằng thông báo về vaccine mới của Putin có thể khiến Trump có thêm niềm tin vào cơ sở khoa học chưa kiểm chứng, để đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine trước thềm bầu cử.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục