PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Thứ sáu: 16:39 ngày 25/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài...

Sáng 21-10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc.

Thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong thành tựu chung của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng. Hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với 3 chức năng quan trọng: Lập pháp; giám sát tối cao và ban hành kịp thời nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối ngoại Quốc hội được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, được bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn lớn và uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những hạn chế phải khắc phục ngay. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; còn tình trạng chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp…

Những hạn chế này kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. "Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Ảnh: Hồ Long

Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Từ những vấn đề nêu trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh 3 vấn đề.

Yêu cầu đầu tiên là phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng yêu cầu đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm".

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải "đúng vai, thuộc bài"; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. 

ĐBQH NGUYỄN HẢI DŨNG

ĐBQH NGUYỄN HẢI DŨNG (đoàn Nam Định): Luật phải ngắn gọn, tuổi thọ cao

Kỳ họp thứ 8 diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10 nên có nhiều điểm đổi mới, trong đó có sự đổi mới về xây dựng pháp luật. Quan điểm của chúng ta hiện nay rất rõ ràng, đó là xây dựng các luật ngắn gọn, tuổi thọ cao. Đặc biệt không đưa vào luật những nội dung đã được quy định ở cấp nghị định, thông tư. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thế giới.

Với tinh thần đổi mới đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn trong sản xuất, kinh doanh.


ĐBQH PHẠM VĂN HÒA

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp): Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực.

Để làm được điều này, Quốc hội, Chính phủ phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ để đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách đã ban hành. Đồng thời phải thường xuyên rà soát những chính sách đã ban hành có hợp lòng dân, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không, để kịp thời điều chỉnh những bất cập, vướng mắc nhằm giảm thiểu thất thoát và lãng phí nguồn lực. Đây là vấn đề căn cơ, cốt lõi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nói tới việc chống "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật - tức là từ việc xây dựng các luật, nghị định đến các thông tư. Tôi nghĩ rằng phải có chế tài, để làm sao những chủ thể liên quan không muốn và không dám "cài cắm lợi ích nhóm" trong đó.

V.Duẩn ghi

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục