Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Loạn hàng ngoại gắn mác “made in Vietnam”
Thứ tư: 08:27 ngày 03/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày qua, người tiêu dùng “sốc” khi biết hàng loạt sản phẩm điện tử của Tập đoàn Asanzo được sản xuất ở Trung Quốc nhưng gắn mác Việt, thậm chí còn được vinh danh là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Thực tế, còn nhiều mặt hàng khác dù là nhập khẩu hay đặt gia công tại nước ngoài nhưng vẫn mượn xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng (NTD).


Tem mác các thương hiệu được bày bán công khai tại nhiều chợ TPHCM Ảnh: U.P

Mác nào cũng có

“Thủ phủ phụ liệu” Đại Quang Minh (Q.5) được biết đến là khu chợ cung cấp, phân phối các nguyên phụ liệu may mặc lớn nhất tại TPHCM. Tại một quầy sạp chuyên sỉ lẻ các loại tem, mác, nhân viên chào mời: “Cần tem mác gì chị cứ vào lựa, nội ngoại gì có đủ cả. Giá từ 20.000-50.000 đồng/túi 100 cái tùy loại”. Tuy nhiên, khi thấy khách đắn đo, người này liền tư vấn nếu muốn gia công riêng thì phải đặt số lượng lớn (tối thiểu 1.000 cái), kèm với yêu cầu về mặt chất liệu, kiểu dáng hoặc những đòi hỏi cao như nhãn hai da, nhãn cuốn biên mịn, nhãn copyright… thì đem mẫu đến và báo số lượng. Sau đó chủ quầy sẽ cung cấp giá, tuỳ vào từng đơn hàng cụ thể mà đặt cọc trước.

Tại chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), trong vai chủ xưởng may cần tìm một số mác, gắn logo “Made in Vietnam”, chúng tôi được giới thiệu một loạt các loại mác ngoại của nhiều thương hiệu lớn như Chanel, Zara, Bebe, LV, Mango, H&M, “Made in Vietnam”... Theo chủ một cửa hàng, nhiều shop online, thậm chí cả shop thời trang lớn cũng nhập hàng thời trang Trung Quốc, sau đó đến đây mua mác đính lên quần áo là đã có hàng “Made in Vietnam” xịn. Với giá 200.000 - 250.000 đồng/túi, mỗi túi 1.000 chiếc, người ta có thể biến những chiếc áo hàng chợ hay hàng Trung Quốc thành sản phẩm “Made in Vietnam” và bán với gấp 2-3 lần giá gốc.

Chợ Bình Tây (Q.6) được xem là “đại bản doanh” của hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc khi về đến chợ đa số đều bị người bán thay tem, đổi nhãn thành hàng Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. H, kinh doanh mỹ phẩm cầm một hộp phấn mắt được thiết kế khá bắt mắt, “giá bèo” chỉ 50.000 đồng, tiết lộ: “Nhiều loại mỹ phẩm như thế này không có thông tin gì cả, mình chỉ cần in thông tin đơn giản như thành phần, chức năng, cách dùng rồi dán lên. Có chữ tiếng Việt là thành hàng Việt, bán trên các shop online chạy hàng lắm, quan trọng là rẻ và đẹp là có khách”.

Bên cạnh đó, người này còn giới thiệu thêm nhiều loại mỹ phẩm khác như son, phấn phủ, phấn nước chỉ có lõi (ruột), khách hàng tự đặt hộp (vỏ) mang tên mình rồi cho phần lõi vào là có ngay bộ mỹ phẩm “xịn”, muốn in bao bì có gắn logo Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng bao thầu luôn (?!).

Không chỉ ở các chợ, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt còn có mặt tại các trung tâm thương mại lớn như Saigon Square, Taka (Q.1)…, khách hàng dễ dàng mua được cả hàng sỉ, lẻ có mác “Made in Vietnam”. Bà K, đầu nậu chuyên bỏ sỉ quần áo trẻ em thừa nhận hiện việc giả tem rất công phu, không còn tem giấy như trước mà là tem bằng vải với đường in sắc nét.

Bà K cho biết từng nhận được đề nghị từ một mối cung cấp hàng ở ngoài Bắc, chuyên nhập quần tây nam, nữ từ Trung Quốc về và thay mác thành thương hiệu riêng do họ sản xuất. Lợi nhuận tới 70% tùy lượng hàng bán được, trong khi nếu phân phối hàng Việt Nam sản xuất, mức lời chỉ 30% đổ lại. Ngoài mức lời trên, với mỗi mác thay, bà còn được thêm 5.000 đồng/sản phẩm. Công đoạn đơn giản là cắt bỏ nhãn sườn in thông tin thành phần, thay nhãn cổ áo là xong.

Chặn từ gốc, được không?

Thủ đoạn “bóc - dán” tem nhãn dễ dàng, tiêu thụ trót lọt, lợi nhuận cao của một số đơn vị kinh doanh gian dối khiến không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính chán nản. Không chỉ đội lốt hàng Việt để bán tại Việt Nam, hàng Trung Quốc còn đội lốt hàng Việt xuất đi nước ngoài khiến không ít thương hiệu bị mất uy tín trên thương trường quốc tế.

Ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng cho biết một số công ty may có thương hiệu, hằng ngày có hàng chục container ra vào liên tục, doanh thu mỗi năm rất “khủng” nhưng không hề có nhà xưởng. Họ nhập nhiều container hàng từ Trung Quốc về, đặt “mối” gia cố thành sản phẩm công ty. Người trong ngành biết, báo cơ quan chức năng nhưng cơ quan này “kiểm cho có” rồi thôi.

Thấy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp nản, không muốn sản xuất, chỉ muốn nhập sản phẩm của Trung Quốc về dán nhãn rồi tung ra thị trường kiếm lời. Hiện chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp trong nước mặn mà với thị trường nội địa nhưng đa số phải bù lỗ mới duy trì được, còn lại vẫn tập trung cho xuất khẩu - ông Sinh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên NTD trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietam”. Ngoài ra, khi xử lý các vụ giả mạo xuất xứ, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, mức phạt nhẹ. Ông Hiếu cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm gian lận xuất xứ “made in Vietnam”.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng: “Các mặt hàng giả mạo xuất xứ sản xuất tại nước ngoài phải bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mới hiệu quả. Khi đã lọt vào trong nước, việc kiểm tra mất rất nhiều công sức cho cơ quan chức năng. Việc để hàng giả có xuất xứ nước ngoài đi sâu vào nội địa là do sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, biên phòng, hải quan... thiếu đồng bộ”.

“Made in Vietnam” gắn tràn lan trên quần áo có nguồn gốc ngoại Ảnh: U.P

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm mạo danh “made in Vietnam”

Giữa tháng 6/2019, Cục QLTT TP.HCM kiểm tra một kho hàng lớn tại Q.6 và ghi nhận hàng loạt sai phạm. Phần lớn hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất, nhưng có lô hàng ghi rõ xuất xứ, ngược lại có lô không thể hiện, thậm chí mạo danh xuất xứ Việt Nam.

Chẳng hạn, có tới gần 10.000 sản phẩm cặp lồng, ấm pha trà, tô inox các loại không có hóa đơn chứng từ; hơn 2.000 vỏ micro trôi nổi, hơn 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ nhưng lại ghi trên sản phẩm dòng chữ “Hang Viet Nam”, cùng gần 2 triệu sản phẩm đồ sứ không nhãn hiệu khác… Tại thời điểm kiểm tra, chủ các lô hàng đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của sản phẩm.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục