Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lợi bất cập hại?
Thứ ba: 21:35 ngày 06/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 5-11, các biện pháp trừng phạt nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực, theo đó có 700 cá nhân và thực thể bị liệt vào danh sách bị trừng phạt liên quan đến Iran.

Đây được xem là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với quốc gia Hồi giáo này, đặc biệt có thể tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới, cho dù Mỹ đã trao quyền miễn trừ tạm thời cho 8 nước. Giới quan sát cho rằng, các biện pháp trừng phạt này có nguy cơ đe dọa sự cân bằng của thị trường dầu thô thế giới vốn bất ổn và đẩy giá dầu tăng, bởi Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). 

Ông Sergei Prikhodko - Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga cho biết cùng với các thành viên khác, Nga đã tăng sản lượng khai thác thêm vài trăm ngàn thùng mỗi ngày nhằm làm giảm giá dầu. Tuy nhiên, các bước đi của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho việc thực thi đầy đủ thỏa thuận OPEC+.

Mặc dù giới chức Iran đã nhiều lần lên tiếng trấn an người dân, nhưng đây chắc chắn vẫn là “đòn chí mạng” nhằm tiêu diệt toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu. Dự báo lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể sẽ sụt giảm tới 2/3. Iran khó tránh khỏi những khó khăn trong trung và dài hạn như đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, thất nghiệp tăng cao… Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), nền kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm nay và 4% vào năm 2019.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới đã tuyên bố có thể bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran, nhưng một số ý kiến lo ngại vương quốc này có thể phải khai thác cạn kiệt. Hiện tại Saudi Arabia chỉ sản xuất được dưới 11 triệu thùng/ngày, nếu cố gắng có thể tăng lên 12 triệu thùng. Cho nên, Saudi Arabia và một số đồng minh của Riyadh không đủ khả năng bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran, ước tính có thể cung cấp 2,5 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ có biến động trong thời gian tới, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau nếu cung không đủ cầu. Khi ấy, Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Dù lượng dầu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm sút nhưng Iran vẫn có thể duy trì ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không loại trừ Iran có thể thông qua nước láng giềng Iraq để tiếp tục bán dầu.

Việc Mỹ miễn trừ trừng phạt ít nhất 8 nước mua dầu mỏ của Iran cho thấy Mỹ không đủ khả năng để gây sức ép hay cùng lúc “tuyên chiến” với nhiều đối thủ vì điều này dễ gây ra những tác động ngược, thậm chí là bất lợi cho chính nước Mỹ. Nhà phân tích Riccardo Fabiani thuộc Công ty Enery Aspects nhận định rằng nếu giá dầu bắt đầu tăng trở lại và các nhà sản xuất dầu mỏ khác gặp khó khăn, Washington có thể phải áp dụng thêm các trường hợp miễn trừ.

Chuyên gia năng lượng của hãng EIU (Anh) Peter Kiernan còn cho rằng, trong một chừng mực nào đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Những khách hàng mua dầu mỏ của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ không chấp nhận cắt đứt quan hệ với Tehran, mà nhiều khả năng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục