Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lời cảnh tỉnh cán bộ sợ sai không làm
Thứ ba: 11:26 ngày 11/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.

Quy định nêu cụ thể những căn cứ để tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, trong đó có nội dung: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ công tác (ảnh minh họa).

Trước hết, có thể nói, việc tạm đình chỉ có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với những người sợ sai, đùn đẩy, né tránh công việc, ngồi im không dám làm gì. Đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhiệm vụ đối với nhiều người khác trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó.

Việc cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc có nhiều nguyên nhân, song tựu chung đều dẫn đến việc giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực trạng này xảy ra khá phổ biến, thể hiện rõ nhất trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân…

Thực tế cho thấy, việc né tránh có khi rơi vào những cán bộ không biết gì nên không làm, không chịu khó nâng cao trình độ để làm tốt nhiệm vụ. Tiếp đó là những cán bộ biết nhưng không làm, bởi không có lợi ích cho mình. Loại thứ ba là cán bộ biết nhưng không làm vì sợ trách nhiệm nên đùn đẩy.

Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.

Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề cán bộ né trách nhiệm, không làm vì sợ sai hoặc sợ trách nhiệm đã không ít lần được đề cập. Điều đó dẫn tới trì trệ và chậm trễ nền công vụ, bào mòn niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, cản trở nguồn lực và động lực phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Thời gian qua, có tình trạng không ít cán bộ, công chức quen nghĩ "không làm thì không sai". Đó là điều nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý sợ sai, trong đó năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; người đứng đầu một số đơn vị chưa nêu gương nghiêm túc; thể chế về kinh tế - xã hội còn bất cập, chồng chéo hoặc có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được sửa kịp thời. Nhất là khi công cuộc "đốt lò" ngày càng đẩy mạnh, dẫn đến không ít người chọn cách "ngồi im".

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào đi nữa, việc cán bộ không làm, không dám làm theo chức trách của mình là không thể chấp nhận. Không thể ngụy biện, đổ lỗi cho điều này hay điều khác.

Bởi cùng một quy định, cùng cơ chế nhưng nhiều nơi thực hiện tốt, một số nơi lại trì trệ. Vậy rõ ràng, nơi trì trệ có vấn đề.

Chúng ta đã có khá nhiều quy định và lần này có thêm quy định tạm đình chỉ, mong rằng sẽ là lời cảnh tỉnh cho những người có lối suy nghĩ "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Nguồn baogiaothong

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh