Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lợi dụng dịch Covid-19 găm hàng, mua vét hàng hóa, bán lại thu lợi bất chính có thể xử lý hình sự
Chủ nhật: 12:40 ngày 05/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số cá nhân, tổ chức đã có hành vi găm hàng hoặc mua gom các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đem bán lại với giá cao, dẫn đến việc một số mặt hàng khan hiếm, giá cả biến động mặc dù Chính phủ và chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn giá.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng bị nghiêm cấm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người có hành vi đầu cơ hàng hóa bị phạt tiền, mức thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất đến 100 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Đối với người có hành vi găm hàng thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng; tùy hành vi vi phạm mà có thể bị tịch thu tang vật vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 tháng đến 6 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Trường hợp hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền trên.

Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người phạm tội đầu cơ bị phạt tiền, mức thấp nhất là 30.000.000 đồng, cao nhất đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù, mức thấp nhất là 6 tháng, cao nhất đến 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội đầu cơ, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng; ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Anh Tuyết

Tin cùng chuyên mục