Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia châu Á, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường nhật của người dân.
Ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ trung bình trên thế giới trong khoảng 1 năm, các nước bị ô nhiễm nhất ở châu Á từ 1,5 đến 2 năm. Khu vực châu Á còn được cho là nơi sản sinh phân nửa lượng ô nhiễm khí thủy ngân trong bầu khí quyển. Hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) sinh ra từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng là vấn đề nghiêm trọng tại khu vực này.
Gần đây, châu Á còn là khu vực sử dụng amiang lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng tiêu thụ amiang toàn cầu, tương đương 1 triệu tấn/năm. Bụi không khí (PM10) cũng là vấn đề nghiêm trọng tại các đô thị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Riêng ở khu vực Nam Á, không khí bẩn thậm chí còn nguy hiểm hơn tất cả các loại bệnh ung thư gộp lại. Tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng cho thấy, châu Á đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng kinh tế nhanh, đô thị hóa với tốc độ cao.
Trước tình trạng ô nhiễm gia tăng, châu Á được xác định là mặt trận trọng tâm trong cuộc chiến chống ô nhiễm toàn cầu. Theo báo cáo “Ô nhiễm không khí tại châu Á - Thái Bình Dương: Những giải pháp dựa trên khoa học” vừa được Liên hiệp quốc (LHQ) công bố, ô nhiễm không khí đặt ra nguy cơ sức khỏe đối với 4 tỷ người tại châu Á, với khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm.
Những nỗ lực mà một số nước thực hiện để giải quyết ô nhiễm môi trường đang đi đúng hướng, nhưng để đạt được những bước tiến lớn hơn thì cần có thêm giải pháp triệt để. Báo cáo đã đưa ra 25 khuyến cáo, trong đó có việc kiểm soát quá trình tách khí CO2 bằng công nghệ sau đốt (là quá trình tách khí CO2 từ hỗn hợp khí thải thông qua quá trình hấp thụ và chưng cất) nhằm cắt giảm lượng khí phát thải từ các nhà máy điện; áp các tiêu chuẩn cao hơn đối với việc vận chuyển nhiên liệu, chất đốt; ngừng việc đốt bỏ khí đồng hành (khí tự nhiên được tìm thấy cùng dầu thô khi khai thác dầu mỏ) từ các giếng dầu; áp các tiêu chuẩn khai thác và sử dụng năng lượng hiệu quả đối với ngành công nghiệp và các hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện.
Những lợi ích lớn nhất đạt được sẽ đến từ quy trình chế biến thức ăn sạch, giảm chất thải công nghiệp, sử dụng các nhiên liệu tái chế cho việc sản xuất điện năng và sử dụng phân bón hiệu quả hơn.
Chi phí để thực hiện những khuyến cáo trên được cho là mất khoảng 300 đến 600 tỷ USD mỗi năm. Ước tính sẽ giúp cắt giảm 20% lượng khí CO2 so với dự báo đã đề ra hiện nay và có thể khiến nhiệt độ Trái đất giảm 1/3 độ C vào năm 2050, qua đó góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, với việc thực hiện những khuyến cáo trên, 1 tỷ người sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành hơn, trong khi số người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm sẽ giảm 80%, xuống còn 430 triệu người. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ tử vong sớm cũng sẽ giảm 1/3, tuổi thọ của người dân cũng được kéo dài. Sản lượng cây trồng cũng được lợi nhờ việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone.
Nguồn SGGPO