Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lỗi quảng cáo trên YouTube: trách nhiệm không của riêng ai
Thứ tư: 15:18 ngày 08/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa ra thông báo việc hàng chục video được phát trên kênh YouTube có nội dung sai phạm và điều đặc biệt là các nội dung này lại có chèn các video hoặc gắn banner quảng cáo của một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam.

YouTube là kênh chia sẻ video khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam với khoảng 1 tỷ người dùng và mỗi ngày mọi người xem có thể xem hàng triệu giờ trên đó. Từ năm 2010, YouTube được coi là một trong những kênh đăng phát quảng cáo nhanh, hiệu quả và với số lượng người xem cũng như buộc phải xem khá lớn.

Nếu là người xem, chỉ cần kích vào một video chứa nội dung quan tâm, ngay lập tức bạn buộc phải xem một đoạn video quảng cáo tối thiểu là trong 05 giây đầu. Đây là một dạng cơ chế thiết lập quảng cáo do YouTube tạo ra. Và với hình thức buộc người xem quảng cáo như vậy, YouTube là kênh đã thu hút các thương hiệu, doanh nghiệp mong muốn hợp tác quảng bá sản phẩm trên đó.

Một điều cũng cần phải nói ở đây, là chi phí dành cho quảng cáo trên YouTube rất rẻ so với các loại hình quảng cáo khác như báo giấy, báo mạng hay truyền hình, doanh nghiệp chỉ phải trả tiền theo lượt xem video cho Youtube khi có khách hàng click vào và mở lên video và hiện ở Việt Nam có nhiều đơn vị trung gian đứng ra nhận là đối tác triển khai bắn nội dung quảng cáo lên YouTube.

Đã từ lâu, với nhiều doanh nghiệp Việt, YouTube cũng là một trong những kênh quảng cáo mà họ quan tâm và sử dụng. Rất nhiều các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, Vietnam Airlines, Mead Johnson, Nutrition Việt Nam… thường xuyên hợp tác quảng cáo trên YouTube.

Tuy nhiên, mới đây, cơ quan Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) tiến hành rà soát và phát hiện hàng chục video chứa nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, như: Bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn chia rẽ dân tộc, bôi nhọ đội ngũ Cán bộ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước...

Trước và trong khi các video này được phát, nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam cũng xuất hiện, gây tổn hại không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Một điều đáng nói nữa là, khi người xem kích vào một video có nội dung lành mạnh, thì trên giao diện của kênh này còn xuất hiện, gợi ý một số video có nội dung sai trái, có thể khiến người xem tò mò và truy cập vào xem. Theo đại diện của Cục PTTH & TTĐT, việc YouTube cho phép các nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm thuần phong mỹ tục… tiếp tồn tại và cung cấp đến người dùng Việt Nam là hoàn toàn sai trái.

Trước những nội dung thông tin mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra, một số doanh nghiệp trong nước đều cho rằng họ không hề hay biết và không nắm được về mặt kỹ thuật khi các video, banner quảng cáo sản phẩm,dịch vụ của mình lại bị gắn vào những nội dung sai phạm như thế.

Còn về phía Google, cơ quan chủ quản của YouTube khẳng định, hiện nay việc đẩy các video lên website hoặc các nội dung quảng cáo hiện trên đó được thiết lập hoàn toàn tự động, nhưng nếu người dùng hay doanh nghiệp phát hiện ra những nội dung không phù hợp, có dấu hiệu sai phạm thì đều có quyền gửi cảnh báo (report) cho đội ngũ kỹ thuật của YouTube để xử lý, gỡ bỏ.

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra sự việc đáng tiếc này trách nhiệm không của riêng ai. Cả những công ty cung cấp dịch vụ đa quốc gia như Google, Facebook… cũng như các doanh nghiệp trong nước đều phải tìm hiểu, xem xét, kiểm tra về sản phẩm, cũng như dịch vụ của mình khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Nhận được thông báo của Cục PTTH & TTĐT, các doanh nghiệp lớn trong nước đã dừng các hoạt động quảng cáo trên YouTube dưới mọi hình thức. Hiện chỉ còn những doanh nghiệp tư nhân, các thương hiệu nhỏ lẻ là chưa dừng các hình thức quảng cáo này. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đang gấp rút triển khai một loạt biện pháp để chấn chỉnh xử lý, đồng thời triệu tập các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo sai phạm phải có văn bản giải trình.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo theo đúng quy định của nhà nước. Phía Bộ cũng sẽ cử đại diện tổ chức các cuộc gặp với các nhà cung cấp dịch vụ như YouTube và Google để yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm luật pháp, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc sự thật… như thời gian vừa qua.

Nguồn XHTT

Tin cùng chuyên mục