Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2017)
Lòng tin - Di sản quý giá, sức mạnh nền tảng của Đảng
Thứ sáu: 12:11 ngày 03/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
GS. TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 87 năm thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2017).

GS. TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP/Phương Liên

Củng cố lòng tin

GS. Vũ Minh Giang bắt đầu cuộc trò chuyện từ câu chuyện lịch sử của Đảng. Nếu chúng ta phân tích trong toàn bộ chiều dài hình thành và phát triển của Đảng, có thể nói lòng tin là một di sản quý giá nhưng đồng thời là một sức mạnh có tính nền tảng của Đảng.

Đảng ra đời trong bí mật, không có gì ngoài hình ảnh là một đội tiên phong của dân tộc trong lòng mỗi người dân, chính vì thế mà dân mới che chở, dân mới giúp đỡ, dân mới ủng hộ, dân mới trở thành lực lượng đi theo Đảng. Tất cả những cái đó phải bắt đầu và đặt trên lòng tin.

Nếu mất lòng tin thì Đảng sẽ mất tất cả. Chúng ta đã nhìn trong lịch sử rất nhiều chính quyền có trong tay một lực lượng vật chất khổng lồ, tiền bạc không thiếu nhưng chỉ đánh trận mấy ngày là thua. Vì họ không có dân.

Thực tế thế giới cũng cho thấy, nhiều quốc gia dồi dào về tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng khi dân mất lòng tin thì cũng có thể tan rã như không. Đảng Cộng sản Việt Nam đặt nguyên lý của mình là dựa vào quần chúng, nếu mất lòng tin là mất hết, không có lý do gì để tồn tại cả. Lúc nào lãnh đạo để cho lòng dân bị sứt mẻ thì lúc đó cách mạng gặp khó khăn.

Trong suốt 87 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua muôn vàn thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được những thành tựu vẻ vang ấy, trước hết và chủ yếu là do Đảng đã nhập thân vào dân tộc, hy sinh vì lợi ích dân tộc và đem lại độc lập, thống nhất đất nước.

Lực lượng vũ trang của chúng ta thành lập tháng 12/1944 chỉ có 34 chiến sĩ, vũ khí thì thô sơ nhưng vẫn cùng quần chúng nhân dân tạo nên bạo lực cách mạng. Vậy đâu là nguyên nhân? Vì nhân dân tin Đảng là đại diện cho lợi ích của họ. Chính quyền trao về tay Đảng là người dân có lợi ích. Sau khi vùng lên như “trào dâng, nước cuốn” tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử, là hoàn cảnh hiểm nghèo của 9 năm kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần nói chuyện rằng chúng ta cứ hay trình bày lịch sử theo cách mà mọi người đọc rồi hiểu rằng tướng lĩnh của Pháp kém nên thua trận. Đại tướng khẳng định rằng họ không hề kém một tí nào, họ phân tích, lập luận từ góc độ quân sự là đúng hết. Duy có điều mà họ không lường được là chúng ta đã thực hiện trận đánh từ lòng chảo Điện Biên Phủ ấy, ngoài bộ đội ta tiếp cận lên đó với con số hàng chục nghìn người thì số người đi theo hậu cần còn nhiều hơn thế. Những việc đó không có sách vở nào dạy và thực dân Pháp không thể hình dung được. Đó chính là nhân dân, chính là lòng tin của dân với thắng lợi, với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng.

Chúng ta có tướng giỏi, có bộ đội anh dũng, hy sinh, đó là những người trực tiếp ở chiến trường. Nhưng nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi là hậu phương, là triệu triệu người dân. Không có tướng lĩnh nào trên thế giới tính được điều đó cả.

Tuy nhiên, trong lịch sử cách mạng, không phải không có lúc Đảng mắc sai lầm. Đó là biểu hiện tả khuynh trong phát động phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhất là khi nêu ra khẩu hiệu “Trí-Phú-Địa-Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đó là sai lầm trong cải cách ruộng đất mà rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra trước quốc dân, đồng bào xin lỗi, hậu quả nặng nề mới dần được khắc phục.

Rồi sau đó, cũng với lòng tin của nhân dân dành cho Đảng, chúng ta đã giải phóng miền Nam. Nếu đối sánh lực lượng thì không ai tin chúng ta có thể chiến thắng được trong cuộc chiến chênh lệch như thế. Phải nói rằng nhờ có lòng tin sắt đá chúng ta mới thắng lợi được.

Tuy nhiên sau đó, vì sự nôn nóng chủ quan, duy ý chí muốn đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp, chúng ta phải trả giá là cả nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước: Lạm phát phi mã, cái gì cũng thiếu... Lúc đó có thể nói là lòng tin xuống ở mức độ rất thấp. 

Công cuộc đổi mới 30 năm qua đã vãn hồi lòng tin, tạo một sức sống rất mới cho nhân dân không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Nhưng cùng với những thành tựu của đổi mới thì những vấn đề mới lại xuất hiện. Khi điều kiện vật chất tăng lên, điều kiện làm ăn kinh tế nhiều thành phần phát triển thì cũng xuất hiện hiện tượng tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, lợi ích nhóm. Những biểu hiện rất xa với tôn chỉ mục đích và bản chất của Đảng, khiến cho người dân giảm sút lòng tin.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI phát động cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng với quyết tâm cao độ và niềm tin mãnh liệt chính là một trong những biện pháp để Đảng tích cực giữ gìn và bồi đắp lòng tin chính trị trong lòng dân tộc.

Sau Đại hội XII được tổ chức đầu năm 2016, nhân dân đang dõi theo năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Và kết quả, như chúng ta đã biết, mọi quyết định đưa ra đều cụ thể, dám giải quyết những vấn đề nhức nhối.

Chẳng hạn như nói đến chuyện tham nhũng, là phanh phui đưa ra những nhân vật, tổ chức, không chừa ai; những vấn đề xưa nay gọi là nhạy cảm như chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu, chạy huân chương… cũng lần đầu tiên được đưa ra. Người dân thấy rằng Đảng thực sự muốn đáp ứng những yêu cầu của nhân dân, nhưng đồng thời cũng xuất phát từ nhu cầu của chính Đảng, phải làm trong sạch mình, lành mạnh hóa quan hệ tổ chức của mình.

Đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu

Lợi ích của dân tộc luôn phải được đặt lên hàng đầu dường như là một chân lý không có gì phải bàn cãi, vậy mà trong thực tế lịch sử, không phải không có nơi, có lúc nguyên tắc tối thượng chi phối hoạt động thực tiễn của một quốc gia lại là lợi ích giai cấp và lý tưởng quốc tế. Khi ấy lợi ích quốc gia trong một chừng mực nhất định phải hy sinh để bảo vệ “những lợi ích lớn hơn”.

Đã có không ít người bị quy kết nặng nề và bị phê phán là sai lập trường, lệch lạc về tư tưởng khi đề cao lợi ích dân tộc. Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, ngay cả lãnh tụ cách mạng kiên trung, hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, cũng từng bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ là người theo chủ nghĩa dân tộc, không có lập trường quốc tế vững vàng.

Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá học thuyết Marx-Lenin và chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, nhưng con đường đưa Người đến với Quốc tế Cộng sản lại là ý thức dân tộc và lòng yêu nước. Lý do Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười và Lenin đơn giản vì đây là những lực lượng bênh vực các dân tộc thuộc địa.

Đại hội Đảng lần thứ XII, mở ra thời kỳ mới của phát triển đất nước, hơn bao giờ hết vấn đề đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu đã được coi là một nguyên tắc căn bản của Đảng. Điều đáng mừng khi tư tưởng này được quán triệt sâu sắc trong quá trình chuẩn bị các văn kiện trình đại hội. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu đã trở thành một nguyên tắc.

Theo GS. Vũ Minh Giang, Đại hội XII đã nói rất đúng xu thế, phải đưa lợi ích dân tộc lên hàng đầu và Đảng hơn bao giờ hết phải cho thấy mình là đội tiên phong, đại diện cho lợi ích của dân tộc. Điều đó đã tạo được niềm tin hết sức ấn tượng, hết sức quan trọng với toàn dân.

Đối với nước ta hiện nay, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết có ý nghĩa rất thiết thực, là cơ sở cho sự ổn định, phát triển. Sức mạnh to lớn nhất, nguồn lực chủ yếu nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sức mạnh toàn dân tộc.

Mặt khác, trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, hội nhập quốc tế, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc mới là tiêu điểm chung để đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp của dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguồn baochinhphu.vn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục