Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, tại không gian mở của Hội quán Gia Bình (phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng), một sân khấu nhỏ được tái hiện với bàn thờ tổ thiêng liêng, không gian của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu.
Các em thiếu nhi biểu diễn tại buổi tổng kết.
Đây là hoạt động do Hội đồng Đội phường Gia Bình tổ chức để tổng kết lớp đờn ca tài tử thiếu nhi năm 2024 - Đồng ấu Gia Bình với chủ đề “Mang niềm tự hào văn hoá dân tộc lên sân khấu”.
Ươm mầm để lưu giữ truyền thống
Lớp Đồng ấu Gia Bình là một trong các hoạt động trong mô hình “Đưa văn hoá dân gian vào phong trào thanh thiếu nhi” được Hội đồng Đội phường Gia Bình thực hiện. Đây là năm thứ 2, lớp Đồng ấu Gia Bình được tổ chức miễn phí vào dịp hè cho trẻ em yêu thích âm nhạc, nghệ thuật đờn ca tài tử tại địa phương.
Tại lớp học, các em thiếu nhi được học về đờn ca tài tử, bài bản cải lương, các điệu lý, câu hò. Năm nay, các em còn được Nghệ nhân dân gian Út Đội giảng dạy và hướng dẫn về đàn tranh. Sau khoá học có 8 em được cấp giấy chứng nhận.
Sau 2 lớp học được tổ chức, các em thiếu nhi lớp đồng ấu Gia Bình đã trở thành những sứ giả mang niềm tự hào văn hoá dân tộc lên sân khấu. Các em đã tham gia biểu diễn trong nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các em cũng thổi làn gió mới khi mang đờn ca tài tử đến hội thi Tiếng hát Vành khuyên lần thứ XXII, năm 2024 của tỉnh.
Các nghệ nhân biểu diễn chập cải lương “Địa Nàng”.
Em Lê Hà Bảo Tiên, 12 tuổi, học viên lớp Đồng ấu Gia Bình cho biết, sau hai lần tham gia lớp học em học được các bài bản đờn ca tài tử, vọng cổ. Năm nay, em còn được học đàn tranh. Suốt thời gian hè, Bảo Tiên tham gia lớp học, em thấy vui và ý nghĩa vì biết thêm về văn hoá dân tộc. Từ khi tham gia lớp đồng ấu Gia Bình, Bảo Tiên thường được tạo điều kiện để biểu diễn những tiết mục đờn ca tài tử ở trường. Em chia sẻ: “Được biểu diễn những bản đờn ca tài tử con rất thích và tự hào vì góp phần gìn giữ văn hoá dân tộc mình”.
Anh Điền Quốc Bảo- Phó Chủ tịch Hội LHTN phường Gia Bình, người tham gia dạy lớp đồng ấu và đồng hành xuyên suốt với các em cho biết: “Năm nay các bé đã phát triển hơn. Từ nền tảng những bài bản đã vững từ năm trước thì năm nay các bé còn học được các bài mới và tiếp cận được đàn tranh. Đó là điều tôi thấy mừng. Tôi mong những năm sau lớp sẽ duy trì, tiếp tục khơi dậy niềm đam mê ở các bạn trẻ khác”.
Nghệ nhân Út Đội, người dạy chính của lớp năm nay đánh giá, qua lớp học, dù các em chỉ đang ở mức khởi điểm với môn nghệ thuật này, nhưng điều đó mang lại ý nghĩa lớn khi các em góp phần phát huy và bảo tồn nét văn hoá của đờn ca tài tử Nam bộ.
Trao giấy chứng nhận hoàn thành khoá học cho các em.
Người trẻ giúp lan toả
Anh Phí Thành Phát- Chủ tịch Hội đồng Đội phường Gia Bình, đơn vị tổ chức lớp học cho biết: “Mô hình “Đưa văn hoá dân gian vào phong trào thanh thiếu nhi” đang được đoàn phường thực hiện. Hằng năm, mô hình có hai hoạt động lớn là tổ chức lớp Đồng ấu Gia Bình và Ngày hội văn hoá dân gian. Lớp Đồng ấu Gia Bình sau 2 lần tổ chức đã mang lại hiệu quả với sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng. Tôi mong muốn có điều kiện tiếp tục duy trì và phát triển lớp học này”.
Anh Phát chia sẻ thêm, hiện tại, lớp học mới triển khai cho đối tượng thiếu nhi mà chưa triển khai tới thanh niên. Theo anh Phát, thanh niên có điều kiện tiếp xúc nhiều luồng văn hoá khác, do đó, để các bạn tiếp cận được văn hoá dân tộc, Đoàn phường chọn cách "mưa dầm thấm lâu". Trong các hoạt động, Hội đồng Đội phường tổ chức đưa văn hoá dân gian vào phong trào thanh thiếu nhi, thu hút số lượng đoàn viên, thanh niên tham dự ngày càng đông hơn. Từ đó có thể thấy sự lan toả của các hoạt động về văn hoá dân gian, tăng thêm sự quan tâm của các bạn đoàn viên, thanh niên.
Để văn hoá truyền thống tiếp cận giới trẻ, anh Nguyễn Thanh Long, công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết: “Tôi thấy rằng việc làm mới nghệ thuật truyền thống để tiếp cận giới trẻ là điều thiết thực. Thực tế thời gian qua có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống được kết hợp với âm nhạc đương đại đã tạo ra những xu hướng mới trong giới trẻ, mang đến làn gió mới. Có thể thấy việc kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu truyền thống như cải lương hay các bộ môn khác đang tạo nên một sự thích thú với giới trẻ. Nhờ đó thu hút giới trẻ đến với âm nhạc dân tộc, truyền cảm hứng để các bạn hiểu, yêu và thương hơn những giá trị truyền thống của người Việt mình”.
Niềm vui của các em nhỏ khi hoàn thành khoá học.
Cũng theo anh Long, hiện nay, với nhiều tiện ích từ mạng xã hội thì việc tiếp cận nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ rất thuận tiện. “Khi tìm đến để thưởng thức nghệ thuật dân tộc, các bạn trẻ có thể thể hiện tình yêu nước, yêu văn hoá dân tộc bằng cách truyền tai cùng nhau thưởng thức hay tìm hiểu và lan truyền những giá trị đó đến những người trẻ và xa hơn nữa là đến bạn bè quốc tế”.
Đam mê văn hoá dân gian, đờn ca tài tử từ nhỏ đã thôi thúc anh Điền Quốc Bảo- Phó Chủ tịch Hội LHTN phường Gia Bình tự trau dồi, tìm hiểu và học hỏi. Đến giờ, anh nói mình có thể hoà nhập được một phần với bộ môn đờn ca tài tử nói riêng và nghệ thuật dân gian Việt Nam nói chung.
Từ khi làm công tác Đoàn tại địa phương, ngoài việc tham gia tổ chức các chương trình văn hoá dân gian, đờn ca tài tử, dạy lớp Đồng ấu, anh Bảo còn tích cực chia sẻ niềm đam mê cùng các bạn đoàn viên, thanh niên, bạn bè. Anh nói: “Tôi đã chia sẻ những thành quả gặt hái từ niềm đam mê của mình đến các bạn trẻ. Từ đó, tôi mong muốn khơi dậy lòng đam mê của các bạn trẻ tại địa phương với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung”.
Vi Xuân