Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiến tới kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6.1925 - 21.6.2022
Lửa đam mê nghề nghiệp
Thứ tư: 09:11 ngày 15/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi với các phóng viên Báo Tây Ninh, Đài PT-TH Tây Ninh xung quanh vấn đề tác nghiệp.

Làm nghề gì muốn giỏi cũng phải đam mê, nghề báo cũng vậy. Có đam mê mới tận tâm với nghề, mới không ngại hiểm nguy xông vào những nơi khó khăn, gian khổ để có những tác phẩm báo chí chất lượng, phản ánh đúng hơi thở của cuộc sống. Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi với các phóng viên Báo Tây Ninh, Đài PT-TH Tây Ninh xung quanh vấn đề tác nghiệp.

Hỏi: Là 1 phóng viên truyền hình có nhiều tác phẩm đạt các giải báo chí, xin anh chia sẻ những kinh nghiệm của mình?

Phóng viên Triệu Quang Khải:

Đối với tôi, để có những tác phẩm truyền hình hay, yếu tố quan trọng là nhà báo phải hết lòng, đủ đam mê với những đề tài độc đáo, mới lạ, có tính phát hiện và không ngừng trau dồi và nâng cao kỹ năng tác nghiệp. Quá tình tác nghiệp, triển khai thực hiện đề tài phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, bám sát cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Đặc biệt, muốn có một tác phẩm hay, người phóng viên cần có sự dấn thân, đi sâu vào thực tế, tìm kiếm những thông tin “đắt nhất” mà khán giả, thính giả cần. Việc thể hiện tác phẩm phải gần gũi, giúp người dân dễ nghe, dễ theo dõi.

Phóng viên Triệu Quang Khải tại buổi lễ trao hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2021.

Hỏi: Các tác phẩm đạt giải của anh chủ yếu tập trung về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện rõ bản lĩnh, sự dấn thân vào những nơi gian khó, nguy hiểm. Xin anh cho biết những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp?

Phóng viên Triệu Quang Khải:

Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả người dân đều phải “xung trận”, đặc biệt là những người làm báo. Khi đưa tin về dịch Covid-19, tôi không chỉ cố gắng đưa những thông tin nhanh, nóng mà còn có tính chính xác cao, bảo đảm tính khách quan, trung thực để người dân hiểu rõ, chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng cũng như không chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Trong quá trình tác nghiệp, điều làm tôi cảm động là khi thực hiện tác phẩm “Những quyết sách chiến lược trong công tác chống dịch Covid-19 tại Tây Ninh”, tác phẩm sau đó đoạt giải Nhất Liên hoan truyền hình tỉnh Tây Ninh lần thứ 2 năm 2021.

Để thực hiện được tác phẩm này, tôi đã phải dành ra khá nhiều thời gian để đến các trung tâm y tế, các bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ghi lại hình ảnh chân thực nhất của đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ chạy đua với thời gian giành lại sự sống cho người bệnh.

Hình ảnh đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh là một thanh niên 26 tuổi, điều trị tại khu ICU của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh khi rơi vào trạng thái hôn mê, phải thở hắt ra từng hơi. Tình trạng của bệnh nhân khi đó bị tổn thương phổi khá sâu, tiên lượng tử vong cao.

Để giành lại sự sống cho bệnh nhân này, đội ngũ 8 bác sĩ và điều dưỡng đã gấp rút đặt nội khí quản, lọc máu cho bệnh nhân, nhờ đó mà bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch. Cũng trong phóng sự này, tôi đã phỏng vấn rất nhiều y, bác sĩ về cảm xúc của họ khi làm việc tại những khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, mọi người đều xúc động và kìm nén để những giọt nước mắt không rơi xuống. Đối với tôi, những ngày tác nghiệp trong tâm dịch không chỉ để lại cho bản thân những kỷ niệm đẹp mà còn giúp mình có thêm kinh nghiệm và sự trưởng thành trong nghề làm báo.

Hỏi: Những tác phẩm đoạt giải của anh trong năm qua chủ yếu là loại hình phát thanh, xin anh cho biết thế mạnh và kinh nghiệm của mình về loại hình báo nói này?

Phóng viên Lâm Sơn Vương:

Đối với tôi, mỗi thể loại báo chí có một sức hút riêng, một điều thú vị riêng; và để chinh phục được khán, thính giả và độc giả, đòi hỏi người làm báo phải cháy hết mình, cũng như dành trọn tâm huyết.

Riêng đối với thể loại phát thanh, tôi may mắn khi được đào tạo bài bản và khá chuyên sâu ngay từ khi còn là sinh viên báo chí tại Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II (trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam). Ngoài ra, tôi có hơn 5 năm công tác tại Phòng Phát thanh (Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh), trước khi Đài thực hiện sáp nhập các phòng. Trong khoảng thời gian này, tôi đã dành trọn tình cảm, tâm trí và thời gian cho thể loại báo nói. Đồng thời, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đài, lãnh đạo phòng, bản thân đã có thể thoả sức sáng tạo, đề xuất thực hiện nhiều chương trình phát thanh theo format mới, trong đó, có nhiều chương trình sản xuất theo hình thức trực tiếp.

Phóng viên Lâm Sơn Vương đang tác nghiệp,

Đối với tôi, để có được một sản phẩm phát thanh có chất lượng, điều đầu tiên là phải luôn trau chuốt trong từng câu từng chữ, chú trọng sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình, các câu ca dao, tục ngữ, những câu từ thường dùng trong cuộc sống hằng ngày và diễn đạt sao cho gần nhất với văn nói. Trong phỏng vấn nhân vật cũng vậy, tôi cố gắng đặt câu hỏi và tạo không khí để nhân vật có thể trả lời câu hỏi một cách tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu nhất, không đọc văn bản, cũng như không sử dụng các câu từ khó gần, khó hiểu với người nghe. Ngoài ra, tôi còn chú trọng các chất xúc tác khác như: tiếng động hiện trường, âm nhạc… và phát huy các thế mạnh của phát thanh, như: kết nối điện thoại, tương tác trực tiếp, cầu phát thanh trực tiếp… qua đó đã góp phần nâng cao tính thời sự, tính kịp thời và tính sinh động cho các tác phẩm phát thanh.

Tôi ấn tượng với câu nói “Khi một sự kiện diễn ra: Phát thanh đưa tin, Truyền hình minh hoạ và Báo in phân tích chúng”, do đó, tôi luôn sản xuất các tác phẩm phát thanh theo hướng nhanh, ngắn gọn, súc tích.

Hỏi: Nhiều người vẫn mê làm truyền hình, xem nhẹ phát thanh, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Phóng viên Lâm Sơn Vương:

Thực sự, bản thân tôi đã từng rất tự ti và tủi thân rất nhiều khi là một phóng viên phát thanh. Thời điểm đó, tôi không được cơ sở chào đón. Khi liên hệ công tác, biết mình chỉ thực hiện phát thanh mà không ghi hình, nhiều đơn vị đã từ chối khéo, hoặc tiếp nhưng qua loa, không nhiệt tình. Không ít lần khi đi công tác chung với các cơ quan, đơn vị, phóng viên phát thanh luôn là người bị bỏ lại hoặc ngậm ngùi ra về chỉ vì lý do “xe đã đầy chỗ”.

“Xem nhẹ phát thanh” là có, nhưng điều này là hoàn toàn không đúng. Qua các chương trình phát thanh trực tiếp đã thực hiện trong thời gian qua, bản thân tôi nhận ra một điều, khán giả của phát thanh là rất đông và rất tích cực. Họ đón nghe các chương trình một cách thường xuyên và đăng ký tham gia tương tác cùng chương trình thông qua kết nối điện thoại. Trong đó, đa phần là tài xế, người già, người khiếm thị, học sinh, sinh viên… do đó, chúng ta cần có nhiều chương trình hơn nữa hướng về các nhóm thính giả này và làm sao để thính giả phải là những người đóng vai trò quan trọng trong nội dung của các chương trình phát thanh.

Hỏi: Là một phóng viên viết về nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng với chị, đề tài nào là tâm đắc nhất, vì sao?

Phóng viên Nguyễn Ngọc Hồng Thắm:

Là một phóng viên, tuy có thể viết nhiều mảng đề tài nhưng tôi thường viết về một góc đời sống của xã hội. “Góc sống” đó là những mảnh đời bất hạnh, người khó khăn, cuộc sống của những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, hay viết về những câu chuyện “có một không hai”, những công việc thầm lặng ít ai biết đến, trong đó còn có những cuộc điều tra báo chí. Khi viết về mảng này, tôi không những được nhìn, quan sát bằng mắt thấy, tai nghe trực tiếp, mà còn có thể gửi cảm xúc, tình cảm của mình vào những câu chuyện của nhân vật. Bởi vì, chính câu chuyện trong “góc sống” đó đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui, những trải nghiệm trong cuộc sống, giúp tôi nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội.

Phóng viên Nguyễn Ngọc Hồng Thắm.

Hỏi: Xin chị cho biết những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp?

Phóng viên Nguyễn Ngọc Hồng Thắm:

Có lẽ, trong hành trình làm báo của mình, chưa bao giờ tôi quên được quá trình tác nghiệp trong khu ICU- khu điều trị, hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Dù vừa được phân công viết về mảng y tế cộng đồng được vài tháng, đó cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Tây Ninh, với nhiều ca bệnh nặng và tử vong. Ẩp ủ đề tài viết về các y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đã lâu, nhưng vì nhiều lý do cá nhân nên tôi chưa thể thực hiện được. Mặt khác, anh em đồng nghiệp, các y, bác sĩ cũng “cản”, cho rằng đó là nơi nguy hiểm nhất mà không một ai muốn bước vào.

Nhưng tôi đăng ký đề tài viết về sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh ICU quả cảm. Để được vào khu ICU, tôi phải trải qua 3 lần “test tâm lý” của bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực. Cuối cùng, tôi cũng được vào bên trong, với bộ đồ bảo hộ cấp 4, kín từ trên xuống dưới, không hở một sợi tóc. Suốt 3 giờ đồng hồ, tận mắt chứng kiến những công việc khó khăn, vất vả, chịu nhiều áp lực của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, cùng những cảnh tượng “ngạt thở” khi họ dồn mọi sức lực để kịp thời cứu bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vượt qua cửa tử.

Chỉ 3 giờ ngắn ngủi, tôi vừa thu thập thông tin từ các bác sĩ, vừa khai thác đề tài, ghi tất cả vào trong bộ nhớ của mình. Những ảnh chụp, shots phim quay vào thời điểm đó đối với tôi thật vô giá. Trong thời gian cách ly, tác phẩm “Những chiến binh ICU quả cảm” của tôi được đăng trên ấn phẩm Báo Tây Ninh Xuân Nhâm Dần 2022.

Tôi nghĩ, với mỗi nhà báo, mỗi một tác phẩm báo chí chính là một lần dấn thân, thử sức, để từ đó trưởng thành hơn với nghề, có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng làm hành trang để từng bước nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí.

Nguyễn Thế

Tin cùng chuyên mục