Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng: Chiêu cũ, vẫn có nạn nhân mới
Thứ năm: 08:40 ngày 28/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên địa bàn tỉnh gần đây xảy ra nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Người dân nên cẩn trọng với các trang Facebook giả mạo, không rõ thông tin để tránh bị lừa đảo.

Chat “sex”, tống tiền, cưỡng đoạt tài sản

Tại Thông báo số 88/CA-TB, Công an tỉnh đã cảnh báo một số thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng. Theo đó, đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) kết bạn, nhắn tin cho các bị hại để “tâm sự”, tạo mối quan hệ tình cảm.

Một thời gian sau, các đối tượng nhắn tin, dẫn dụ bị hại “chat sex” (nhắn tin qua lại có nội dung- bằng lời nói hoặc hình ảnh, video- liên quan đến tình dục- BT). Quá trình “chat sex”, các đối tượng dụ dỗ bị hại khoả thân, làm các động tác có tính chất kích dục rồi bí mật quay phim màn hình toàn bộ cuộc gọi và lưu lại.

Kết thúc cuộc gọi, các đối tượng gửi cho bị hại một đường link (liên kết trang web), yêu cầu truy cập vào để “lần sau gọi video qua ứng dụng này”. Thực chất, đường link do các đối tượng gửi có chứa các mã độc, được bị hại cấp quyền, đối tượng sẽ lấy thông tin cá nhân của bị hại như: danh bạ, hình ảnh, video trong điện thoại...

Các đối tượng gửi video trong quá trình chat sex cho bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền, nếu không chúng sẽ gửi những nội dung này cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp của bị hại. Không dừng lại ở đó, nếu bị hại chuyển tiền, chúng chỉ để yên một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục yêu cầu chuyển tiền nhiều lần, với số tiền ngày cảng lớn, đến khi nào bị hại không còn khả năng tài chính.

Xu hướng ngày càng gia tăng

Ngày 5.7.2024, Công an Tây Ninh ban hành Công văn số 881/CAT-CSHS thông báo phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên gửi lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, số lượng vụ việc không giảm mà còn có xu hướng tăng với số tiền thiệt hại ngày càng lớn, có trường hợp lên đến hàng tỷ đồng.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam- VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến nghị người dân cảnh giác trước những lời mời vay tiền qua tin nhắn, cuộc gọi không rõ nguồn gốc; kiểm tra kỹ thông tin của công ty tài chính trước khi vay tiền; không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền trước khi được giải ngân khoản vay. Cục An toàn thông tin nhận định tình trạng lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh trên không gian mạng Việt Nam.

Cục An toàn thông tin này đã cảnh báo tới cộng đồng 2 chiêu lừa đảo phổ biến qua điện thoại. Theo đó, các đối tượng mạo danh nhân viên công ty điện lực gọi điện cho người dân hỗ trợ liên kết ngân hàng vào ứng dụng để thanh toán tiền điện. Người dân được yêu cầu bấm vào đường link do đối tượng cung cấp để tải ứng dụng, điền thông tin cá nhân và chuyển khoản tiền điện qua mã QR. Đối với chiêu lừa gọi điện thông báo nợ tiền cước viễn thông, dù không mới, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”.

Theo Công an tỉnh, tình hình tội phạm lừa đảo diễn biến rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng. Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 68 vụ, tăng 57 vụ so cùng kỳ, điều tra làm rõ 7 vụ, 20 đối tượng.

Công an Tây Ninh tiếp nhận phản ánh của người dân về vụ lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Hoài Lâm

Thời gian qua, cử tri Tây Ninh phản ánh tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra phức tạp, với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo mất số tiền rất lớn, kiến nghị ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.

Để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh cập nhật phương thức, thủ đoạn, tình hình kết quả công tác đấu tranh, xử lý đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để tuyên truyền và thông báo trên các phương tiện truyền thông; tăng cường tuyên truyền trên Zalo, Facebook và trên các loa phát thanh cấp huyện, xã về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác.

Đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử cho công dân- được xem là căn cước trên không gian mạng- để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo; ứng dụng kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài sản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản ảo, làm sạch thuê bao di động, loại bỏ sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, triệt để, nhanh chóng, đúng pháp luật, đưa ra xét xử công khai các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Khuyến cáo của cơ quan công an

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tối đa hậu quả xảy ra, Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo:

Không tham gia “chat sex” dưới mọi hình thức.

Nâng cao cảnh giác, đề phòng với lời mời kết bạn qua mạng xã hội từ người lạ.

Tuyệt đối không truy cập vào đường link do người lạ gửi khi chưa tìm hiểu kỹ hoặc có hiểu biết hạn chế về công nghệ thông tin.

Trường hợp đã tham gia “chat sex” hoặc bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh để tống tiền, phải giữ bình tĩnh và liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

Ghi nhớ và thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không”: không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản và “2 phải”: phải thường xuyên cảnh giác, phải liên hệ Công an khi có nghi ngờ.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh