Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
'Lửa và thịnh nộ' Mỹ - Triều có thể bùng phát năm 2020
Thứ sáu: 20:10 ngày 27/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Triều Tiên không gửi "món quà" cho Mỹ vào Giáng sinh như đe dọa, nhưng hai bên đang hết dần lựa chọn, có thể khiến căng thẳng tái bùng phát.

Thế giới trong những ngày qua "nín thở" theo dõi diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ gửi "món quà Giáng sinh" cho Washington nếu đàm phán phi hạt nhân hóa không đạt được đột phá.

Dù không có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào được Triều Tiên phóng lên hôm qua, giới quan sát cho rằng Mỹ - Triều đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong lập trường của mình. Khi hạn chót cuối năm nay qua đi mà không một thỏa thuận mới nào được ký, Triều Tiên có thể sẽ áp dụng chiến lược giống năm 2017 hơn là 2018.

Khi thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao từ đầu năm 2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết mang lại thịnh vượng kinh tế cho đất nước, nhưng điều đó đến nay chưa trở thành hiện thực. Đàm phán phi hạt nhân hóa vẫn lâm vào bế tắc, trong khi các lệnh trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên chưa được dỡ bỏ.

Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.

Năm 2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân có sức công phá gấp 6 sáu lần quả bom được thả xuống Hiroshima năm 1945. Bình Nhưỡng cùng năm đó tiến hành 17 vụ thử tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới lục địa Mỹ. Mỹ - Triều tưởng như đã trên bờ vực chiến tranh khi hai bên liên tục khẩu chiến gay gắt. Trump dọa trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên, ám chỉ thực hiện phương án quân sự.

Căng thẳng chỉ giảm nhiệt vào năm ngoái, khi Kim Jong-un tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ chuyển từ chiến lược phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế sang tập trung vào kinh tế.

Cuộc gặp Trump - Kim tại Singapore vào tháng 6 dường như là một cơ hội giải quyết vấn đề thực sự: Nếu Bình Nhưỡng kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ chấm dứt trừng phạt và giúp Triều Tiên xây dựng nền kinh tế.

Nhưng cuộc họp Trump - Kim thứ hai tại Hà Nội không đạt được kết quả và các lệnh trừng phạt tiếp tục bóp nghẹt nguồn thu từ xuất khẩu của Bình Nhưỡng bằng cách cấm các nước nhập hải sản, sắt và quặng sắt của Triều Tiên. Cuộc gặp Trump – Kim thứ ba tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) vào tháng 6 cũng không làm thay đổi tình hình.

Cuối tuần trước, Triều Tiên ám chỉ họ sẽ trở lại cách tiếp cận khiêu khích trước đây để gây thêm áp lực với Mỹ và Hàn Quốc. Trong cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim và các quan chức "thảo luận những bước tăng cường lực lượng vũ trang cả về mặt quân sự lẫn chính trị".

"Các quan chức ở Seoul cho rằng Kim Jong-un thất vọng vì không có đột phá. Sự thất vọng đó có thể được thể hiện bằng các hành động thù địch", Mark Tokola, cựu quan chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc, nói. "Các lệnh trừng phạt dường như có tác động lớn đến Triều Tiên".

Kinh tế Triều Tiên dự kiến xấu đi vào năm tới, vì các lao động Triều Tiên ở nước ngoài, vốn là nguồn cung ngoại tệ ổn định, đã phải về nước trước hạn cuối 22/12. Truyền thông Hàn Quốc ước tính khoảng 100.000 người Triều Tiên làm việc tại khoảng 40 quốc gia trong năm nay, 80% trong đó ở Trung Quốc và Nga. Những lao động này mang về cho chính quyền Triều Tiên 300 triệu USD mỗi năm.

Khi các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt, "ông Kim không còn phương án nào ngoài khiêu khích quân sự", một nhà ngoại giao cấp cao Hàn Quốc giấu tên nói. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tránh 'lửa và thịnh nộ' quay lại".

Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington, cho rằng rất khó để bán đảo Triều Tiên tránh leo thang căng thẳng. "Quên các cuộc đàm phán đi. Triều Tiên giờ nghĩ rằng phô diễn sức mạnh là điều cần thiết để khiến Mỹ nhượng bộ. Triều Tiên có thể muốn cho thế giới thấy rằng chương trình tên lửa của họ có thể đánh vào Mỹ", ông nói.

"Bình Nhưỡng sẽ leo thang căng thẳng từ từ để được nhượng bộ trước khi trở lại đàm phán ngoại giao. Các lựa chọn của họ bao gồm phóng tên lửa tầm trung hoặc tên lửa mang vệ tinh, trước khi vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Trump là thử hạt nhân và ICBM", Bruce Klingner, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói.

Soo Kim, từng là nhà phân tích cho CIA, nói rằng nếu trong năm tới những sự kiện như vậy xảy ra, căng thẳng sẽ lan rộng khắp vùng Đông Bắc Á. "Ông Kim có một loạt công cụ khiêu khích, từ các vụ thử tên lửa đến các hành động khiêu khích quân sự chống lại Seoul. Chúng ta không thể loại trừ bất kỳ phương án nào".

Giới phân tích cho rằng Kim Jong-un sẽ tìm kiếm thêm viện trợ kinh tế từ Trung Quốc vào năm 2020. "Tôi chắc chắn ông Kim hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ hỗ trợ nhiều hơn trên con đường mới của mình", Kazianis nói.

Ông Kim đã nhiều lần nhấn mạnh ý định phát triển nhiều khu du lịch như thành phố Samjiyon và vùng Wonsan-Kalma nhằm thu hút du khách Trung Quốc. Du lịch dường như là lĩnh vực duy nhất còn lại giúp Triều Tiên kiếm thu nhập từ nước ngoài mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, cho biết các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ khiến Triều Tiên thêm phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc.

"Đơn giản là Bình Nhưỡng chẳng còn lựa chọn nào khác", Zhang nói. "Du khách cung cấp cho Triều Tiên nguồn ngoại tệ mà họ rất cần. Trung Quốc cũng có thể xuất khẩu năng lượng và nhiên liệu đến Triều Tiên trong giới hạn cho phép của Liên Hợp Quốc với giá rẻ".

Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên khi nước này lâm vào chiến tranh thương mại với Mỹ. Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng có thể được Bắc Kinh sử dụng như đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Washington.

Kristine Lee, từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cũng cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng yếu tố kinh tế để tăng cường ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên vào năm tới. "Trung Quốc muốn đảm bảo Bình Nhưỡng không xa rời Bắc Kinh và xích lại gần Washington, Seoul cả về mặt ngoại giao và kinh tế".

Theo báo cáo từ Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc hồi tháng 7, sự phụ thuộc thương mại của Triều Tiên vào Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, khi Trung Quốc chiếm 95,8% tổng giao dịch ngoại thương của Triều Tiên (80,2% xuất khẩu và 97,2% nhập khẩu).

Đầu năm nay, Trung - Triều mở một cây cầu biên giới, kết nối thành phố Cát An của Trung Quốc với Manpo của Triều Tiên. Hải sản Triều Tiên, vốn nằm trong số những mặt hàng chịu lệnh trừng phạt quốc tế, có thể dễ dàng được tìm thấy ở bên kia biên giới, tại thành phố Hồn Xuân ở đông bắc Trung Quốc.

Trong khi đó, giới quân sự Mỹ đang ngày càng đề cập nhiều hơn đến khả năng tấn công quân sự phủ đầu vào năm tới. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuối tuần trước rằng quân đội Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì để đối phó với các hành động của Triều Tiên.

Nhưng giới phân tích cho rằng hành động quân sự là điều không cần thiết và vẫn còn các phương pháp ngoại giao để gây áp lực với Bình Nhưỡng. "Mỹ nên thận trọng trước mọi lời công kích của Triều Tiên. Họ không nên quay trở lại với những lời đe dọa 'trút lửa và thịnh nộ'", Klingner nói.

Washington có nhiều cách để gây sức ép với Bình Nhưỡng, trong đó có nối lại các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn và trừng phạt bất kỳ tổ chức Trung Quốc nào bị cáo buộc rửa tiền cho Bình Nhưỡng.

Washington năm nay đã sử dụng các biện pháp pháp lý và tài chính để ép Bắc Kinh tuân thủ đầy đủ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Một thẩm phán liên bang yêu cầu ba ngân hàng Trung Quốc bàn giao hồ sơ liên quan đến các giao dịch với Triều Tiên cho các nhà điều tra Mỹ để kiểm tra xem có vi phạm hay không.

Tokola nói rằng Mỹ đang theo dõi xem Trung Quốc và Nga có nghiêm túc thực hiện lệnh trừng phạt hay không. Một vấn đề được chú ý nhiều là liệu Bắc Kinh có đảm bảo tất cả lao động Triều Tiên ở nước họ đã về nước theo hạn chót 22/12 hay không.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tới thăm Bắc Kinh hồi tuần trước, khi Trung Quốc và Nga đề xuất dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhiệm vụ chính của Biegun là nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì lập trường quốc tế thống nhất trong vấn đề Triều Tiên.

Soo Kim đánh giá lựa chọn chính của Mỹ vào năm tới là siết chặt lệnh trừng phạt, đồng thời mạnh tay với các doanh nghiệp, thực thể và những người vi phạm khi giao dịch với chính quyền Triều Tiên.

Trong khi đó, Kristine Lee cho rằng Washington sẽ cố gắng để giữ cánh cả ngoại giao rộng mở. "Tôi đoán các nhà đàm phán Mỹ sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giữ cho các đường dây liên lạc được thông suốt".

"Washington nên tìm cách tận dụng sáng tạo và thúc đẩy liên minh với Nhật - Hàn để giải quyết các thách thức kép mà Triều Tiên và Trung Quốc đặt ra cho lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á", Lee nói.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục