Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Luật sư của người nghèo
Thứ tư: 12:53 ngày 11/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những nụ cười, cái bắt tay và lời cảm ơn chân thành của những người nghèo không may vướng vào kiện tụng, sau phiên tòa đã lấy lại được công bằng chính là động lực để luật sư Nguyễn Thế Tân (thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh) sẵn sàng tham gia bào chữa miễn phí cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Luật sư Nguyễn Thế Tân trao tiền hỗ trợ cho vợ bị cáo, nhằm giúp bị cáo khắc phục hậu quả.

Nhắc đến vai trò của luật sư, mọi người đều định nghĩa luật sư là người bào chữa, tranh tụng trong mỗi phiên tòa và có chi phí, thù lao để bào chữa.

Tuy nhiên, không ít người biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ theo yêu cầu và thỏa thuận chi phí để thực hiện, các luật sư nói chung và luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cũng tham gia bào chữa miễn phí cho những trường hợp khó khăn, những trường hợp bắt buộc phải có luật sư theo quy định của pháp luật, cụ thể như những bị cáo dưới 18 tuổi hay những bị cáo có khung hình phạt lên đến tử hình.

Luật sư Nguyễn Thế Tân dường như là người “có duyên” với những thân chủ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Với anh, tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân không chỉ là công việc mưu sinh và còn là trách nhiệm, lòng nhiệt tình để tuyên truyền, giúp đỡ mọi người dân hiểu đúng, đầy đủ những quy định của pháp luật để chấp hành và thực hiện đúng.

Trong lần đi tranh tụng bảo vệ miễn phí ở một tòa án cấp huyện trong tỉnh, luật sư Tân mất khá nhiều thời gian cho vụ án có nội dung đơn giản. Thân chủ của anh là một bà cụ đã 80 tuổi, khởi kiện đòi lại tài sản đã tặng cho người con trai ruột.

Do người này cam kết sẽ nuôi dưỡng bà đến lúc mất, nhưng khi phân chia tài sản xong thì người con đã không thực hiện lời hứa, bức xúc, bà cụ mới khởi kiện.

Để theo đuổi vụ kiện này, luật sư tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để xác minh thực tế, nhưng không vì vậy mà anh bỏ cuộc. Anh bảo, phải giúp cho bà bằng hết khả năng nhưng theo đúng quy định pháp luật để bà có thể an vui trong những ngày còn lại trong đời.

Cuối cùng, công lý đã chiến thắng, mang lại niềm an ủi tuổi xế chiều cho bà cụ. Đây là phần thưởng lớn nhất anh có được trong quá trình hành nghề.

Một vụ án nữa cũng khiến tôi nhớ mãi về anh là trợ giúp miễn phí cho hai vợ chồng nọ ở một huyện biên giới trong tỉnh. Họ phải khởi kiện để giành lại tài sản của mình, vì lỡ vay mượn tiền bằng hình thức “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Do khó khăn trong cuộc sống dẫn đến phải vay mượn, nhưng không hiểu về pháp luật, vợ chồng nghèo này suýt mất luôn cả phần đất là nơi sinh sống cho cả gia đình. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, luật sư Tân đồng ý nhận bào chữa miễn phí.

Thậm chí, để đi đến phiên tòa cho đúng giờ, luật sư phải đến tận nhà đưa rước thân chủ để bảo đảm sự có mặt cho phiên tòa, vì vợ chồng thân chủ của anh chỉ có mỗi chiếc xe đạp cà tàng để đi lại.

Trong lần nhận bào chữa miễn phí cho một bị cáo trong vụ án về lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản tại một huyện biên giới khác trong tỉnh, khi gặp thân chủ của mình ở trại tạm giam, luật sư Tân đã trăn trở về hoàn cảnh phạm tội của thân chủ mình.

Sau đó, anh quyết tâm đi tìm hiểu thêm về hoàn cảnh thật sự của thân chủ qua những lời tâm sự trong lần đầu gặp gỡ, giúp anh hiểu thêm về những chuyện xung quanh thân chủ của mình.

Ngày tham dự bào chữa cho bị cáo này, anh suy nghĩ nhiều, dẫu rõ ràng hành vi phạm tội là sai trái, là đúng theo cáo trạng quy kết, nhưng thấy rằng hoàn cảnh của bị cáo rất đáng thương.

Không chút chần chừ, khi nói lời bào chữa cho bị cáo, luật sư Tân quyết định hỗ trợ gia đình bị cáo 35 triệu đồng để bị cáo có thể khắc phục một phần hậu quả cho bị hại. Số tiền này được luật sư giải thích, để bị cáo thấy được rằng xung quanh mình cũng có nhiều người cảm thông, chia sẻ, từ đó động viên bị cáo có hướng cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình.

Những câu chuyện nhỏ nhưng đã khắc họa được phần nào về hình ảnh của anh, người luật sư của những người nghèo, chỉ với mong muốn giúp họ có cơ hội hiểu đúng, đủ về pháp luật; và pháp luật phải đúng người đúng tội, không để người nghèo phải thua thiệt.

Đức An

Tin liên quan