Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lung linh nơi đất thánh họ đạo Tha La
Thứ sáu: 11:03 ngày 03/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thờ Tha La (Trảng Bàng) là minh chứng lịch sử cho những tín đồ Công giáo đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh và đặt nền tảng cho việc phát triển Công giáo nơi mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trảng Bàng là một trong những cái nôi của Công giáo (Thiên Chúa giáo) ở miền Đông Nam bộ và là nơi có những tín đồ Công giáo đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh. Nhắc về Trảng Bàng, có người còn biết đến xóm đạo Tha La do từng được đến thăm, từng đọc trong những trang sách, hay nhiều hơn hết là trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tiêu biểu là bài thơ “Tha La xóm đạo” của nhà thơ Vũ Anh Khanh, sau này được các nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ nhạc, soạn giả Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý của bài thơ để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La xóm đạo”.

Lung linh nơi đất thánh họ đạo Tha La.

“Đây Tha La xóm đạo

Có trái ngọt, cây lành

Tôi về thăm một dạo

Giữa mùa nắng vàng hanh…”

Về sau nhà thơ Trần Nhã My (Tây Ninh) sử dụng nhiều thi ảnh trong bài thơ “Tha La xóm đạo” của nhà thơ Vũ Anh Khanh để viết nên bài thơ “Tha La ngày mới”, trong đó có khổ:

“…Nay anh về Tha La đã đổi mới

Không còn “bụi đùn quanh ngõ vắng”

Không còn “khói đùn quanh nóc tranh”

Con đường đỏ giờ phẳng phiu trải nhựa

Nâng gót giày lữ khách mau về với xóm đạo

Có người em gái nhỏ mong ngày khách trở về…”.

Đức tin Công giáo với sự hiện diện của giáo hữu tại Tây Ninh đã có từ lâu đời, năm 1837, ông Côximô Nguyễn Hữu Trí (tự Liêm) là một giáo dân xuôi ghe từ Huế vào Nam, sau dừng chân tại Tha La, khi đó nơi đây còn là rừng cây hoang vu, nhiều bàu bưng sình lầy, có vài gia đình Công giáo sống bên sông, họ nhận ra nhau là đồng đạo khi trước bữa ăn làm dấu Thánh giá. Ông Trí liền quy tụ họ lại tổ chức đọc kinh chung, năm 1840, ông Trí cùng với ông Paulus Nguyễn Văn Viên mời các linh mục đến Tha La làm lễ, giải tội, an ủi giáo hữu. Ông Côximô Nguyễn Hữu Trí là người đứng đầu giáo dân thuở sơ khai và được họ đạo Tha La xem là người khai lập nên xứ đạo này.

Năm 1860, cha Besombes Hạnh là vị linh mục đầu tiên đến phục vụ tại Tha La, cất nhà thờ mái tranh vách lá. Năm 1862, cha Errard Y cất nhà thờ tạm. Năm 1868, cha Vincent Sơn cất nhà thờ dài lợp tranh, một đầu làm nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo, một đầu làm nhà cho cha ở. Từ năm 1883-1885, cha Laurenso Bính xây mới nhà thờ, đến năm 1888 xây dựng tháp với 3 chuông đúc từ Pháp cùng hãng Bolee với nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Năm 1957, cha Gioan Hồ Văn Vui về Tha La, trong giai đoạn làm linh mục, cha đã cho xây cất nhà thờ nằm gần con đường đất đỏ, mở trường học, xây dựng núi đức Mẹ Lộ Đức nhân kỷ niệm 100 năm đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và tiến hành lễ khánh thành trang trọng từ ngày 5-9.12.1957.

Từ năm 1967, cha Gioakim Nguyễn Văn Nghị tiến hành quyên góp tiền của trong giáo dân, kêu gọi hằng ngày mỗi giáo dân tiết kiệm 2 đồng để đóng góp cho công việc xây dựng nhà thờ, nên giai đoạn này nhà thờ Tha La còn được dân gian gọi là nhà thờ “Hai Đồng”.

Nhà thờ mới được xây dựng lùi sâu vào bên trong so với nhà thờ cũ, sau gần 3 năm xây dựng, nhà thờ hoàn thành vào năm 1970. Theo nhà nghiên cứu Dương Công Đức, nhà thờ Tha La sau khi xây mới trở thành một trong những nhà thờ lớn nhất tại miền Nam khi đó.

Nhà thờ Tha La được các cha sở nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nay đã có diện mạo khang trang, toạ lạc tại xóm Tha La, nay là khu phố An Hội, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Đây là nơi nuôi dưỡng đức tin của người Công giáo và là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Trảng Bàng.

Bên cạnh nhà thờ Tha La có khu đất thánh (nghĩa trang) khoảng 2 mẫu dành an táng tín đồ Công giáo trong xóm đạo qua đời. Nơi đất thánh họ đạo Tha La có hàng ngàn ngôi mộ hằng năm diễn ra thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, trong đạo gọi là lễ các đẳng, dân gian vẫn quen gọi là lễ thắp nến. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của người Công giáo ở Tha La xóm đạo tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời.

Chương trình lễ diễn ra từ ngày 1.11 (tây lịch) với lễ các thánh nam nữ, nghi thức thánh lễ vào lúc 17 giờ tại nhà thờ, 18 giờ 30 phút cầu lễ cho các đẳng nơi đất thánh, 20 giờ canh thức cầu nguyện nơi đất thánh. Ngày 2.11 với lễ cầu cho các linh hồn vào lúc 4 giờ 45 phút và 17 giờ thánh lễ nơi đất thánh.

Từ đêm 1.11 đến rạng sáng 2.11, các gia đình người Công giáo đến thắp nến, dâng hoa lên mộ phần tổ tiên, người thân quá cố và hướng về Thánh giá và tượng Chúa cùng cầu nguyện cho các linh hồn. Từ ngày 2-6.11 vào lúc 4 giờ 45 phút đều có thánh lễ sáng nơi đất thánh, nếu trùng vào chủ nhật thì cử hành thánh lễ tại nhà thờ.

Trên mỗi phần mộ được thắp một hay nhiều ngọn nến tuỳ vào từng gia đình, chủ yếu là nến màu trắng, trên nến có hình Thánh giá hoặc những câu kinh Thánh. Các gia đình thường đặt hoa cúc trắng, hoa lan trắng và nhiều loại hoa lên phần mộ, một số nến to cháy chưa hết được gia đình đem về nhà hay cũng có người đặt lại ở mộ. Giáo dân Tha La còn thắp nến trên những ngôi mộ không có người chăm sóc, thể hiện tình thương và tấm lòng bác ái của người Công giáo.

Các gia đình người Công giáo thắp nến trên phần mộ tổ tiên. Ảnh: Minh Trí

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Tâm (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, nghi thức cầu nguyện này biểu hiện tinh thần thông công, kết hợp giữa thế giới hữu hình và vô hình, một sắc thái truyền thống Ki-tô giáo đồng hành với văn hoá tín ngưỡng tôn kính tổ tiên, trong chiều hướng cõi lòng người Công giáo Việt Nam mở rộng, hiệp thông với Thiên Chúa, với tổ tiên và đồng bào mọi giới.

Nhà thờ Tha La (Trảng Bàng) là minh chứng lịch sử cho những tín đồ Công giáo đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh và đặt nền tảng cho việc phát triển Công giáo nơi mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Trong không gian linh thiêng, những ngọn nến lung linh trên các phần mộ nơi đất thánh thể hiện lòng hiếu thảo, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Công giáo họ đạo Tha La.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục