Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lượng gạo xuất khẩu của Campuchia tăng
Thứ hai: 19:06 ngày 19/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo số liệu mới công bố của Ban Thư ký Dịch vụ xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, nước này đã xuất khẩu gần 260 nghìn tấn gạo trong năm tháng đầu năm nay, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Kho thóc lúa tại một cơ sở xay xát ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: Thời báo Khmer)

Gạo Campuchia được xuất khẩu nhiều nhất là sang Trung Quốc với hơn 88.700 tấn, tiếp đến là Pháp (hơn 33.400 tấn) và Ba Lan (hơn 23.000 tấn)

Nếu tính riêng trong tháng 5 năm nay, Campuchia đã xuất khẩu hơn 45.200 tấn gạo, tăng gần 39% so cùng kỳ năm ngoài.

Năm 2016, nước này đã xuất khẩu hơn 542.000 tấn gạo sang 65 quốc gia trên thế giới, tăng 0,7% so năm 2015. Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất của Campuchia với 130.000 tấn.

Trở về sau chuyến thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, qua trang facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen cho biết, Trung Quốc đã đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Campuchia lên 300 nghìn tấn vào năm 2018, nhiều hơn 100.000 tấn so với năm nay.

Trước đó, vào tháng 10-2016, Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ với Campuchia về việc tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Campuchia lên 200 nghìn tấn vào năm 2017.

Thủ tướng Sandech Hun Sen từng yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu gạo của Campuchia phải coi việc bảo đảm chất lượng và thương hiệu gạo xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu; đồng thời cần hạ giá thành sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng tính cạnh tranh của gạo Campuchia.

Theo Thủ tướng Hun Sen, việc thiếu các cơ sở dự trữ lúa gạo và máy sấy lúa là thách thức chủ yếu đối với Campuchia trong việc mua lúa của nông dân với khối lượng lớn, do vậy cần tăng cường đầu tư để khắc phục hạn chế này, góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu gạo.

Chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) Sok Puthyvuth cho biết, ngành lúa gạo Campuchia cũng đang phải đối mặt với những khó khăn khác như giá điện và chi phí sản xuất cao, hệ thống tưới tiêu, cơ sở hạ tầng vận tải và dịch vụ hậu cần còn yếu kém.

Tháng 10 năm ngoái, đại diện Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và Tập đoàn Quingdao Tian Rui của Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn này đầu tư hơn hai tỷ USD xây dựng một đặc khu nông nghiệp trên diện tích 300ha tại tỉnh Kampong Speu (Campuchia) chuyên về dự trữ, chế biến nông sản.

Theo kế hoạch, đặc khu này sẽ được hoàn thành sau hai năm xây dựng, và dự kiến sẽ có từ 30 - 100 nhà máy hoạt động tại đây trong năm đến mười năm tới.

Campuchia có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Diện tích canh tác lúa mùa mưa của nước này chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng lúa, do hệ thống thủy lợi kém phát triển. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng lúa của nước này đạt khoảng ba triệu ha, chiếm gần 85% diện tích đất canh tác nông nghiệp, cho sản lượng thóc khoảng 9 triệu tấn.

Gần 70% trong tổng số 15 triệu dân nước này là nông dân, trong đó có khoảng 2 triệu nông dân trồng lúa.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục