Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lý do cho thôi, bãi nhiệm với 12 đại biểu Quốc hội
Chủ nhật: 22:17 ngày 19/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong 12 đại biểu được cho thôi, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay, có ba người bị khởi tố, bắt giam.

Tại buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 19-5, Phó Trưởng ban Thường trực Ban công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cho hay vừa qua Quốc hội đã tiến hành cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với một số đại biểu Quốc hội.

Ông Tuấn Anh cho biết Quốc hội khoá XV đã bầu 500 đại biểu. Hội đồng bầu cử quốc gia xác nhận tư cách 499 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, một đại biểu không xác nhận tư cách đại biểu. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã bãi nhiệm ba đại biểu, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chín đại biểu. Đến thời điểm hiện tại còn 487 đại biểu.

Bãi miễn sau khi bị khởi tố
Theo đó, ba nhân sự bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội gồm ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Dương Văn Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Ông Nguyễn Thanh Long.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, bắt giam do đã trợ giúp Công ty Việt Á của Nguyễn Quốc Việt cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho test xét nghiệm trái quy định của pháp luật, hiệp thương giá, công khai giá để tạo mặt bằng giá… Việc này đã giúp Công ty Việt Á thu lời bất chính số tiền cả ngàn tỉ đồng.

Trong quá trình giúp đỡ Công ty Việt Á, ông Long được Phan Quốc Việt đưa hối lộ 4 lần, với số tiền 2,25 triệu USD. Tại phiên phúc thẩm mới đây, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long 17 năm tù (giảm 1 năm so với bản án phiên sơ thẩm).

Ông bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội hồi tháng 6-2022.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Bà Hoàng Thị Thuý Lan, bị khởi tố, tạm giam hồi đầu tháng 3-2024 về tội nhận hối lộ do liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra.

Đến ngày 21-3, tại họp kỳ bất thường lần thứ 6, Quốc hội đã thực hiện quy trình bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Một ngày trước đó, Trung ương cũng đã khai trừ bà Lan ra khỏi Đảng.

Ông Dương Văn Thái.

Ông Dương Văn Thái bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hôm 1-5 để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV hôm 2-5, ông Dương Văn Thái bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Đến ngày 16-5, ông bị Trung ương khai trừ Đảng.

Cho thôi theo nguyện vọng
Cho thôi đại biểu Quốc hội với chín người gồm ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng thường trực, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu; ông Lê Minh Chuẩn, đoàn Quảng Ninh; ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, đoàn TP.HCM; ông Nguyễn Phú Cường, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đoàn Đồng Nai;

Ông Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang, đoàn An Giang; ông Trần Tuấn Anh, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đoàn Khánh Hòa; ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước, đoàn Đà Nẵng; ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, đoàn Hải Phòng; bà Trương Thị Mai, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, đoàn Hòa Bình.

Những người trên được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội theo nguyện vọng cá nhân, xin thôi giữ tất các chức vụ được giao...

Ông Nguyễn Văn Thạnh là một trong những cán bộ của tỉnh An Giang có liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về một số vi phạm của VKSND tỉnh An Giang và bị kỷ luật cảnh cáo, hồi tháng 11-2022.

Ngày 21-2-2023, VKSND Tối cao ban hành quyết định về việc đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thạnh thôi giữ chức Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang kể từ ngày 1-3-2023.

Đến ngày 9-1-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục