Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lý do Mỹ nhăm nhe đòi không kích Syria
Thứ ba: 09:11 ngày 11/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cảnh báo trừng phạt Syria bằng cái cớ vũ khí hóa học có thể giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng khi cục diện chiến trường đến hồi kết.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria trong cuộc không kích hồi tháng 4. Ảnh: US Navy.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ gần đây liên tiếp đe dọa sẽ tiếp tục không kích Syria nếu phát hiện quân đội chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch tấn công thành trì cuối cùng của phiến quân ở tỉnh Idlib, thậm chí được cho là đã lên mục tiêu sẵn cho cuộc không kích.

Quân đội Đức hôm qua cũng tuyên bố cân nhắc tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu để thực hiện cuộc không kích nếu phát hiện quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học. Trước đó, Pháp khẳng định sẽ tham gia nếu chiến dịch trừng phạt được phát động. Ủy ban Đối ngoại quốc hội Anh cũng đang xem xét những hậu quả của việc nước này không can thiệp vào tình hình Syria.

Giới quan sát cho rằng những dấu hiệu này cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phát động chiến dịch không kích vào Syria ngay khi có lý do tin rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trên chiến trường Idlib. Tuy nhiên, bình luận viên Alex Lockie của Business Insider nhận định mục tiêu của hành động quân sự này không phải là để "cứu vớt" người dân Syria.

Những tín hiệu đe dọa từ phương Tây liên tiếp được tung ra trong bối cảnh quân đội Syria đang tập hợp lực lượng xung quanh tỉnh Idlib. Đây được coi là cứ điểm cuối cùng của lực lượng nổi dậy được Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, vì khi Idlib được giải phóng, các tay súng chống chính phủ của Tổng thống Basah al-Assad sẽ không còn chỗ nào để rút lui.

Mỹ và châu Âu không có những cảnh báo tương tự khi quân đội Syria khép vòng vây và tiêu diệt phiến quân cùng các nhóm nổi dậy ở miền nam Syria, nơi giáp biên giới với Jordan và Israel, hồi tháng 7. Các nhóm nổi dậy này từng kỳ vọng sẽ được Mỹ hỗ trợ, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với quân đội chính phủ, hạ vũ khí và rút về tỉnh Idlib ở miền bắc.

Bởi vậy, Lockie tin rằng lời đe dọa về "phản ứng chóng vánh" được đưa ra trước thềm chiến dịch Idlib dường như là một thông điệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gửi tới Nga, chứ không phải Syria.

Lockie khẳng định vũ khí hóa học gây ra nỗi đau đớn, kinh hoàng khủng khiếp cho các nạn nhân, nhưng một vụ tấn công hóa học ở Idlib nếu có xảy ra cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với nỗi thống khổ và thiệt hại mà người dân Syria phải hứng chịu trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua.

Tàu hộ vệ Nga phóng tên lửa trong cuộc tập trận mới đây trên Địa Trung Hải. Ảnh: Sputnik.

Chuyên gia này cho rằng nếu thực sự muốn xóa bỏ vũ khí hóa học ở Syria, quân đội Mỹ có thể sử dụng các công cụ tình báo của mình để phát hiện các đơn vị không quân Syria đã ném bom hóa học, tìm ra nơi họ ở và tung đòn tấn công chính xác ngay trong đêm để phát thông điệp răn đe mạnh.

Thay vào đó, trong các cuộc không kích trước đây, Mỹ chỉ nhắm mục tiêu vào các đường băng sân bay quân sự và cơ sở nghiên cứu mà không gây nhiều thiệt hại cho quân đội Syria. Dường như thông điệp duy nhất Washington phát đi sau các cuộc không kích đó là họ muốn khẳng định với Moskva rằng Mỹ sẽ không bị đẩy ra khỏi chiến trường Syria một cách dễ dàng.

Một khi quân đội Syria phát động chiến dịch tấn công Idlib, lực lượng nổi dậy do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở tỉnh này chắc chắn sẽ bị xóa sổ, khiến Mỹ mất đi phần ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia Trung Đông này.

Với việc bám vào lý do "ngăn ngừa vũ khí hóa học" để thực hiện đòn không kích, Mỹ dường như hy vọng vẫn có thể giữ lại phần nào vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng Syria, khi cục diện trên chiến trường đang nghiêng hoàn toàn về phía quân đội chính phủ nước này và Nga.

Pierre Le Corf, công dân Pháp sáng lập tổ chức phi chính phủ "WeAreSuperHeroes" (Chúng ta là những siêu anh hùng) chuyên giúp đỡ trẻ em ở các vùng chiến sự Syria, lo ngại rằng các nhóm phiến quân ở Idlib nhiều khả năng sẽ có những hành động mang tính khiêu khích để tạo cớ cho phương Tây can thiệp vào Syria, theo Sputnik France.

The Le Corf, người đã sống ở tỉnh Aleppo giáp Idlib trong hai năm qua, mục tiêu chính của các nhóm phiến quân tại đây là lôi kéo sự can dự của phương Tây để cứu vãn tình thế đang dần đi đến hồi kết của cuộc xung đột.

Lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy của Syria sau 7 năm nội chiến. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

"Đó không chỉ là trận chiến ở Idlib. Đó còn là cơ hội cuối cùng để các nước như Mỹ, Anh, Pháp can thiệp vào tình hình ở Syria, để tìm một cái cớ bắt đầu cho cuộc xung đột lớn hơn. Ngày Idlib được giải phóng cũng là ngày liên minh quân sự giữa Mỹ và châu Âu thất bại trong cuộc chiến Syria. Đó sẽ là dấu chấm hết với họ", Le Corf nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn ở Idlib do người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra, khẳng định chính phủ của Tổng thống Assad có quyền hợp pháp để giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay các nhóm vũ trang đối lập. Đây dường như là tín hiệu cho thấy cả Nga và Syria sẽ quyết tâm giải phóng tỉnh Idlib bất chấp sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục