Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lý giải thông tin ‘Big 4’ ngân hàng chỉ bán, không mua vàng
Thứ hai: 09:03 ngày 03/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Kể từ chiều 3/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước là: Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.

Vietinbank sẽ bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân.

Chỉ cung ứng vàng miếng, đảm bảo giá hợp lý 

Theo Vietinbank, trước mắt, khách hàng có thể giao dịch trực tiếp tại hệ thống cửa hàng của VietinBank Gold & Jewellery tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, đưa ra lưu ý “VietinBank chỉ bán, không mua vàng từ khách hàng”.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo Agribank cho biết: “Ngay từ đầu, NHNN khẳng định, việc bán vàng thông qua 4 NHTM Nhà nước, nhằm bình ổn giá vàng miếng thương hiệu SJC, từng bước thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng thương hiệu SJC với giá vàng thế giới, chứ không phải kinh doanh. Hoạt động kinh doanh sẽ có cả chiều mua và bán, nhưng chủ trương của NHNN được hiểu là can thiệp một chiều để bình ổn giá vàng”.

Theo Agribank, những địa điểm bán vàng miếng SJC của Agribank nói riêng và của bốn NHTM Nhà nước nói chung chỉ là điểm cung ứng vàng miếng, chứ không phải địa điểm kinh doanh mua – bán vàng miếng.

Đề cập việc một số người băn khoăn: “Tại sao NHTM Nhà nước chỉ bán, không mua vàng? Không mua thì vàng người dân mua của NHTM xong sẽ bán cho ai”? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Sáng lập, kiêm Giám đốc Think Future Consultancy cho rằng: NHNN bán vàng bình ổn để tăng cung, để giảm chênh lệch, không có mục đích mua lại. 

“Ai có nhu cầu mua vàng để tích trữ, cho tặng, có thể đến NHTM Nhà nước mua, rất có thể được giá tốt hơn giá mua ở cửa hàng ngoài. Khi giá bán từ NHTM thấp hơn, bên ngoài tự phải giảm giá. Giảm giá chính là bình ổn, đảm bảo mục đích kéo giảm chênh lệch”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết. 

Ngay sau khi NHNN thông báo phương án mới về bình ổn thị trường vàng, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên 3 phương diện: Thứ nhất, nguồn cung vàng miếng được tăng cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng; thứ hai, đảm bảo giá hợp lý hơn trên cơ sở NHNN căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết; thứ ba, đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thông tin mua - bán vàng được công khai, có hóa đơn điện tử... 

“Cách làm này có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của các NHTM lớn. Việc này cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Giá SJC giảm do giá thế giới “hạ nhiệt”

Trong mấy ngày gần đây, giá vàng SJC trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, thông tin về biện pháp bình ổn mới của NHNN sẽ được áp dụng từ ngày 3/6 cũng góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Đóng cửa phiên chiều 2/6, giá vàng tại DOJI niêm yết 80,95 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 2,1 triệu đồng/lượng mua vào và giảm 2,95 triệu đồng/lượng bán ra so với mở cửa phiên giao dịch ngày 1/6. Khoảng chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng DOJI là 2,05 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch 81 triệu đồng/lượng mua vào và 83,52 triệu đồng/lượng bán ra; tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng SJC mua vào mức tương tự so với Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng SJC giảm cực mạnh là 6,5 triệu đồng/lượng.

Với mức giá dao động ở 83 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC ghi nhận thấp nhất kể từ ngày 9/4, chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 9,6 triệu đồng, giảm khoảng 6,6 triệu đồng so với cuối tuần trước. Về khoảng cách mua - bán vàng miếng, chênh lệch hiện không quá 2,5 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với mức đỉnh của năm tại ngưỡng 4 triệu đồng/lượng trong phiên 31/5.

Giá vàng trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng có xu hướng liên tục giảm. Từ mức giá 2.353 USD/oz đầu tuần qua, đến cuối tuần này, giá vàng thế giới đã giảm 27 USD/oz về mức 2.326 USD/oz. Giá vàng thế giới giảm trong bối cảnh chỉ số USD tăng 0,4% khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua giữ tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng.

Bên cạnh đó, giá vàng trong nước giảm mạnh còn xuất phát từ động thái của NHNN, khi có thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế. Theo Phó Thống đốc NHNN, NHNN bán vàng trực tiếp cho các NHTM Nhà nước nhằm sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững. Các ngân hàng này có mạng lưới rộng khắp và đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.

“Bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng. Do đó, đơn vị này đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Phía NHNN sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật nếu có”, lãnh đạo NHNN cho biết.  

Một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Trong bối cảnh giá vàng trong nước còn chưa ổn định, các nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch; đồng thời thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.

TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này chính là cơ chế giá. Phương án này cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là: NHTM nhận uỷ thác vàng từ NHNN và bán ra thị trường theo giá NHNN quy định. Không đặt ra yêu cầu để các NHTM kiếm lời trong nghiệp vụ uỷ thác này. 

Chẳng hạn giá thị trường 88 triệu đồng/lượng vàng trong khi giá nhập khẩu 72 triệu đồng/lượng, chênh lệch 16 triệu đồng/lượng. NHNN quy định giá bán ra thị trường là 86 triệu đồng/lượng, các NHTM mua vàng từ NHNN với giá 85,90 triệu đồng/lượng, tức hưởng phí hoa hồng uỷ thác 100.000 đồng/lượng. Mỗi lần bán can thiệp, thu hẹp chênh lệch giá xuống khoảng 2 triệu đồng/lượng. 

Nguồn Minh Phương/Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục