Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hơn 7 năm sau khi từ chức Thủ tướng Anh, ông David Cameron bất ngờ trở lại chính trường với vai trò Ngoại trưởng trong cuộc cải tổ nội các của chính quyền Thủ tướng Rishi Sunak.
Ông David Cameron trở lại chính trường với vai trò Ngoại trưởng
Quyết định bổ nhiệm hiếm gặp
Trong cuộc cải tổ nội các quy mô lớn đầu tiên sau gần 13 tháng cầm quyền, ngày 13-11 Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron làm Ngoại trưởng. “Mặc dù tôi đã không tham gia chính trường trực tiếp trong 7 năm qua, nhưng tôi hy vọng rằng, kinh nghiệm của tôi với tư cách là lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong 11 năm và Thủ tướng trong 6 năm sẽ hỗ trợ tôi trong việc giúp Thủ tướng giải quyết những thách thức quan trọng này” - ông David Cameron tuyên bố.
Thủ tướng Sunak trước đó đã cách chức Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman vì phát ngôn gây tranh cãi rằng, cảnh sát Anh quá nương tay với những người biểu tình ủng hộ Palestine. Ngoại trưởng James Cleverly thay thế bà Braverman, trong khi ông Cameron được bổ nhiệm chức Ngoại trưởng.
Tốt nghiệp đại học Oxford, ông Cameron đã lãnh đạo đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền vào năm 2010 sau 13 năm quyền lực rơi vào tay phe đối lập. Ông Cameron trở thành lãnh đạo Văn phòng số 10 phố Downing ở tuổi 43 với tư cách là một trong những Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh. Tuy nhiên, ông đã buộc phải từ chức Thủ tướng sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2016 và hầu như không có hoạt động chính trị nào kể từ đó.
Cho đến nay, di sản của cựu Thủ tướng Cameron đối với Brexit và các quyết định chính trị khác vẫn còn gây tranh cãi sâu sắc. Dưới thời Thủ tướng Cameron, Chính phủ Anh đã cắt giảm sâu phúc lợi xã hội và các chi tiêu công khác cho y tế và giáo dục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cameron đã dẫn dắt các mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Anh và Trung Quốc, chủ trì “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Trung - Anh khi ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc nhưng lập trường này bị nhiều người chỉ trích, trong đó có cả Thủ tướng đương nhiệm Sunak.
Đáng nói là, cựu Thủ tướng David Cameron thậm chí không phải là một nhà lập pháp. Việc ông trở lại vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ với tư cách là thành viên không được bầu chọn từ Hạ viện Anh là điều hiếm gặp.
Nhân vật có năng lực và sức thu hút
Sự trở lại bất ngờ của cựu Thủ tướng Cameron trong bối cảnh chiến sự Gaza leo thang và các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Palestine ở Anh đã làm dấy lên những đồn đoán về chính sách của Anh đối với Trung Đông. “Ông ấy được cho là có mối quan hệ tốt với các đối tác kinh tế chiến lược ở Trung Đông. Trung Đông là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Anh. Khu vực này có vai trò ngày càng quan trọng với Anh thời kỳ hậu Brexit (rời Liên minh châu Âu)” - Giáo sư Ben Whitham, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi nhận định.
Giáo sư Ben Whitham cũng cho rằng, việc Thủ tướng Sunak bất ngờ đưa ông Cameron trở lại chính trường cũng có thể nhằm “hàn gắn những rạn nứt nội bộ của đảng Bảo thủ”.
Trong thông báo, phố Downing cũng nói rõ tân Ngoại trưởng Cameron sẽ chịu trách nhiệm duy trì ổn định tập thể. Kể từ khi tiếp nhận vai trò lãnh đạo cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Sunak liên tục gặp khó trong thuyết phục cử tri và người trong đảng về cá tính chính trị cũng như đường lối bảo thủ. Nhưng giờ đây, với việc bổ nhiệm ông Cameron cùng lúc sa thải Bộ trưởng Nội vụ Braverman, các nhà phê bình cho rằng động thái này cho thấy đây là ý tưởng hay giúp xoa dịu phe ôn hòa.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát coi động thái Thủ tướng Sunak đưa ông Cameron trở lại sẽ dẫn đến kết quả mơ hồ. “Thủ tướng Sunak đang cố gắng tìm kiếm những người khác có thể đại diện cho một mô hình chính phủ êm đềm hơn những gì ông ấy có thể thực hiện. Nhưng có vẻ như ông ấy không tìm được đủ người hợp lý hơn trong đảng của mình.
Ông Cameron sẽ được coi là một Ngoại trưởng có năng lực và thu hút đối với một số người. Nhưng tôi nghĩ ấn tượng mà quyết định bổ nhiệm mang lại cho thấy một sự bất lực” - Toby Helm, biên tập viên chính trị của tờ The Observer, nhận định.
Nguồn anninhthudo