Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có ai đếm được mái đình lợp bao nhiêu viên ngói? Vậy nên cũng chẳng ai đếm đo được tình thương của trai gái yêu nhau.
“Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”.
Có lần, tôi đếm số ngói lợp trên đình Hiệp Ninh nhân vài lần đình được Nhà nước trùng tu, tôn tạo. Lần thứ nhất vào năm 2010, lần thứ hai là vào năm 2021. Vậy mà kết quả cũng chỉ là tương đối. Lần 1 nhà thầu đặt mua tới 100 ngàn viên ngói “âm dương” từ Đồng Nai. Lần 2 thêm hơn 60 ngàn viên. Nhưng vẫn còn một tỷ lệ ngói cũ còn sử dụng lại được. Qua 2 lần, ngói cũ hầu như đã được thay thế hết bằng ngói mới. Do vậy cũng chỉ suy đoán gần đúng được có khoảng 160 ngàn viên ngói âm dương lợp nên mái đình Hiệp Ninh.
Bạn đã bao giờ bị choáng (vì đẹp) của ngói mới chưa? Hỏi thế vì xưa nay người ta chỉ hay rung động trước những “thâm nâu ngói cũ” hoặc rêu phong bao phủ mái nhà xưa. Nhưng kỳ thực, trước ngói mới trên mái đình làng hôm nay, ai mà có thể cầm lòng.
Ngói ấy được sản xuất theo công nghệ mới, kiểu gạch ngói Viglacera nên viên nào viên nấy cứ đều tăm tắp, đỏ au và bóng láng. Từ bên trong đình, ngước nhìn lên đã đủ “choáng” rồi! Màu ngói đỏ hồng gần như sắc son tươi trên những liễn đối và đại tự.
Màu ấy càng nổi bật giữa những hàng rui mè và cột kèo đen bóng. Khi trèo lên nóc, ta lại càng thoả mãn mắt nhìn hơn trước mấy lớp mái ngói mới sáng long lanh dưới ánh mặt trời. Ở trên này, ngói xếp lớp như vảy rồng, đỏ au, ngời sáng như muốn thách thức với cả trời xanh mây trắng.
Mái ngói đình Hiệp Ninh.
Bây giờ, xin khái quát lại đôi nét về đình Hiệp Ninh. Năm 2021, Bảo tàng tỉnh có thực hiện một báo cáo về “Kết quả kiểm kê tư liệu văn tự Hán Nôm”, chính ở mục 1.1 - Vị trí địa lý, lịch sử hình thành đình Hiệp Ninh, đã được viết ngắn gọn mà đầy đủ và xác thực nhất.
Có vài ý nổi bật như: “Đình Hiệp Ninh là một công trình bề thế, nội thất đình được giới hạn bởi tường gạch bao quanh 15x50 (750m2), lối kiến trúc khép kín toàn công trình từ trước ra sau, gồm nhiều lớp nhà, có sân nắng, khoảng trống mang đặc trưng kiến trúc đình thần Nam bộ.
Với lối kiến trúc tạo được vẻ bề thế, thanh thoát, mái ngói phẳng, nền lót gạch tàu hoà quyện với màu vàng son của kiến trúc gỗ…”. Và: “Nội thất đình là kiến trúc gỗ với trên 50 cây cột tròn và vuông… cột cao nhất 6,5m liên kết các vì kèo, xiên, đòn tay tạo thành một giá đỡ (bộ khung cột thì đúng hơn- TV) hết sức chắc chắn… Điêu khắc gỗ với nghệ thuật chạm nổi, chạm bông (bong), sơn son, thếp vàng tinh xảo với trình độ tạo tác mỹ thuật cao, lưu dấu tài hoa của cha ông…”
Dù vậy, cũng như nhiều trang viết khác về di tích lịch sử văn hoá ở Tây Ninh, báo cáo trên cũng không hề nhắc đến bộ mái đình. Trong khi bộ mái, chỉ riêng nó thôi cũng là cả một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật bằng gốm sứ.
Có dịp theo sát các cán bộ và công nhân đơn vị trúng thầu thi công trùng tu tôn tạo đình Hiệp Ninh, mới biết bộ mái đình còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hoá cổ xưa. Gắn trên mái đình còn là những bộ rồng chầu, phượng múa. Rồng thường cấu trúc kiểu rồng tranh châu.
Phượng mang theo thẻ bài trên cổ (giống như Long mã phụ hà đồ của Toà thánh Tây Ninh). Ngoài ra còn có cá hoá long, các vị “bát tiên” trong những truyền thuyết về đạo Lão… Tất cả đều là sản phẩm của các lò gốm xưa, từng hưng thịnh của hàng trăm năm trước. Như các lò gốm ở Cây Mai (Gia Định) hay Biên Hoà.
Cho đến nay, dẫu đã dãi nắng mưa cả trăm năm, nhưng nhiều pho tượng vẫn giữ được gần như vẹn nguyên và óng ánh sắc men màu. Trải trăm năm, tượng “ông Tơ” mắt xếch râu dài vẫn mạnh mẽ khuỳnh chân bước, tay giương lên tấm biển tròn viết một chữ Tơ bằng Hán tự.
Còn “bà Nguyệt” gương mặt thuỳ mị đoan trang, váy áo vô cùng diêm dúa giương lên một chữ “Nguyệt” cùng kiểu chữ. Truyền thuyết cho rằng ông Tơ, bà Nguyệt chính là người se duyên cho các lứa đôi nên vợ nên chồng. Các vị đã đứng suốt bao năm trên nóc lầu trống lầu chuông, âm thầm phù hộ cho biết bao gia đình trẻ trên đất Hiệp Ninh xưa?
Con nghê (có người còn gọi là con sấu) cũng là một linh vật đẹp trên mái đình làng. Trán dô, mắt lồi, tai lớn, râu cong quặp hai bên mép, thân mình trang điểm những bông mai và vân hình sóng lượn như mây. Đến gần mới biết, nghê cũng có 2 loại, một là nghê đang vờn trái cầu kiểu xưa, chắc là nghê đực. Còn loại thứ hai có lẽ là nghê cái, chân trước nhẹ nhàng giơ lên vờn một chú nghê con.
Tiếc thay, nhiều tượng nhỏ của nghê, của rồng đã bị vỡ hoặc sứt gãy không còn nguyên vẹn. Khi ấy, các nhà xây dựng phải đem nguyên những tượng vỡ, gãy hoặc sứt mẻ ấy về các xưởng chuyên phục chế, làm lại ở TP.Hồ Chí Minh hay Đồng Nai. Những con nghê mới này, về chi tiết cũng giống với nguyên bản, tuy màu men có “chua” và “gắt” hơn, không thể đẹp nền nã như những chú nghê xưa. Nhưng đứng từ sân đình nhìn lên, không thể nhận biết đấy là mới hay là vật cũ.
Tới đình ngày nay, ngước lên ta vẫn thấy rực hồng 3 lớp mái nhà chạy suốt từ trước ra sau. Vẫn thấy ngôi đình bề thế mà không kém phần duyên dáng và tinh tế. Ấy là do sự liên kết hợp lý giữa các mái nhà. Hai mái trước trên ngôi tiền đình và chính điện nối tiếp nhau, đều cùng kiểu mái hình bánh ít, hai dốc mái trên phần “tứ trụ” cột đình, được xoè rộng ra trên phần chái, lại kết nối liên tục với phần mái phụ hai bên sân trống để tiếp nối với mái của hậu đình. 3 lớp mái nhấp nhô nhưng được kết nối liên tục trên suốt chiều dài 50 mét tạo nên hình ảnh bề thế của đình Hiệp Ninh.
Đến gần hơn, ta sẽ thấy từng viên ngói chồng xếp liên tục như từng dãy vảy rồng, toàn tấm mái chảy xuôi những vệt dài như ngói ống ở các chùa Hoa. Đó đây là những tượng gốm sứ điểm trang trên từng phân khúc mái, làm cho toàn bộ trở nên rất ưa nhìn và cuốn hút. Bình dị mà sang trọng. Bề thế mà tinh tế. Điều này có lẽ chỉ thấy ở đình Hiệp Ninh- di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trần Vũ
(còn tiếp)