Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Câu chuyện cuối tuần
Mai này ai diễn cải lương?
Thứ sáu: 00:34 ngày 26/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dịch giã căng thẳng, Năm Thời sự đành “nhiều chuyện” với Tư Cà qua video call.

- Tư nè, qua nay có theo dõi Hội nghị Văn hoá toàn quốc không?

- Có chứ Năm, sự kiện trọng đại mà. Mặt khác, trước kia ông già làm trong ngành Văn hoá. Đến lượt tui, lúc mới vào nghề cũng làm phóng viên mảng văn hoá… Ít nhiều có dính líu nên quan tâm là lẽ thường.

- Nói ông Tư nghe hén, đọc đi, đọc lại bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tui tâm đắc nhất nội dung thứ ba trong chỉ đạo của Tổng Bí thư là “… quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia…”.

Nghe tới đó, tự dưng tui nhớ, xứ Tây Ninh mình cũng được xem là cái nôi của “Đờn ca tài tử Nam bộ” được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam.

- Ừ, xứ mình cũng là nơi sinh ra không biết bao nhiêu tài danh cải lương, xưa thì có Thanh Nga; gần gần thì có Linh Huệ, Châu Thanh, Kim Thoại, Cẩm Tiên; gần hơn thì có Anh Thư… Mới đây thì chỉ có Hoàng Hải, quê ở Hoà Thành, đoạt huy chương vàng Giải Trần Hữu Trang lần thứ 12, rồi hết!

- Ủa, kỳ vậy? Cải lương Tây Ninh từng vang danh khắp cả nước trong thập niên 80 của thế kỷ trước với thành tích 6 lần biểu diễn phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hội trường Ba Đình chỉ với một vở diễn “Rừng nhựa trắng”; đâu đâu cũng có tụ điểm, câu lạc bộ đờn ca tài tử… mà rồi hết, nghĩa là làm sao? 

- Người ca vọng cổ vẫn còn, nhưng đoàn cải lương thì đã giải tán, sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá tỉnh, nghệ sĩ tứ tán, chỉ còn lại mấy người thôi. Mà từ tài tử bước lên sân khấu, để học được một điệu bộ, một đường kiếm, cái phất tay, vành môi rung rung là cả một quá trình gian khổ… Không còn “đất” để diễn, truyền thống mấy chục năm của cải lương Tây Ninh rồi cũng rơi vào quên lãng, được mấy người nhớ mà không hết?

- Ờ ờ, nhưng trong thời đại công nghệ 4.0 và sự phát triển của các chương trình giải trí mới như bây giờ, rất khó giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của nghệ thuật cải lương.

- Biết đâu, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc này, ngành Văn hoá sẽ có giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Còn bây giờ, cẩn thận “củi lửa”, ra đường nhớ thực hiện 5K he!

Đ.H.T

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh