Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cái hòn Đá Bạc rộng hơn 6 ha nằm chơ vơ ngoài vịnh Thái Lan vài năm trước kia như một hoang đảo, vậy mà giờ đây đang trở thành điểm mưu sinh cho hàng trăm hộ trong vùng.
Thiếu tá Đỗ Văn Lanh- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc, trên đường dẫn tôi ra Trạm biên phòng Sông Đốc tranh thủ cho biết, địa bàn đơn vị quản lý gồm 4 xã, 1 thị trấn của huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) gồm các xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hải, Phong Điền và thị trấn Sông Đốc trải dài 32,7km bờ biển với 9 cửa sông; hơn hai ngàn tàu ghe, trong đó có gần một ngàn phương tiện hoạt động xa bờ trên 15km, nhưng chỉ có 2 trạm kiểm soát: sông Đốc (thị trấn Sông Đốc) và Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây).
Khi thấy tôi có vẻ quan tâm đặc biệt đến hòn Đá Bạc- một di tích lịch sử - văn hoá - du lịch cấp quốc gia, lúc chia tay, Thiếu tá Lanh đọc luôn số liên lạc của “thổ địa” nơi này, phòng khi tôi cần hỗ trợ. Và nhóm Biên phòng trong danh bạ điện thoại của tôi lại có thêm tên Thượng uý Võ Tiệp Khắc- Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đá Bạc. Tuy nhiên, khi đến hòn Đá Bạc, tôi đã không phải nhờ đến sự trợ giúp nào từ phía lực lượng Biên phòng, vì người dân nơi đây dường như ai cũng thân thiện, thật thà và hiếu khách.
DỊCH VỤ KIẾM THÊM
Chị Trần Thị Tới, 24 tuổi, ngụ ấp Đá Bạc B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời kéo xô đựng cá treo bên hông chiếc ghe câu của mình rồi bảo chồng lội vô đưa cho khách. Anh chồng cởi áo quăng xuống lòng ghe, cột xô cá vào lưng quần rồi nhảy tùm xuống nước, bơi vào bờ đảo…
Mấy năm nay, từ khi hòn Đá Bạc được đầu tư thành khu du lịch, vợ chồng chị Tới cũng thay đổi tư duy làm ăn: tranh thủ những ngày rảnh biển đi câu cá quanh hòn Đá Bạc bán cho du khách kiếm thêm chút tiền…
Sau “3 nốt nhạc” như lời cam kết, anh Thọ- chồng chị Tới, cũng cập bờ, mang theo xô nhựa đựng gần 20 con cá nâu to bằng bàn tay và chừng chục con cá mú. Anh bẻ cây khô và nhóm lửa ngay dưới kẹt đá. Trong khi chờ củi biến thành than, anh Thọ lấy mảnh vỏ hàu cắt ngang vỏ chai nước suối làm ly đựng rượu, rồi tán nhuyễn mớ muối hột trộn với ít bột ngọt để làm thức chấm và tranh thủ “tám” về cái tên hòn ở quê mình.
Theo anh Thọ, hòn Đá Bạc, rộng hơn 6 ha, là tên chung cho ba hòn đảo nằm cạnh nhau là hòn Ông Ngộ, hòn Trọi và hòn Đá Bạc. Nếu xem trên bản đồ, hòn Đá Bạc là hòn đảo du lịch cuối cùng của Việt Nam nằm trong khu vực vịnh Thái Lan. “Đó là viên ngọc cuối cùng mà thượng đế đánh rơi trên vùng biển phía Tây”- anh nói đầy vẻ tự hào và phấn khích- “Vài ba năm nay, từ khi hòn Đá Bạc được Nhà nước đầu tư thành khu du lịch, vợ chồng em cũng thay đổi tư duy làm ăn. Những ngày rảnh biển, vợ chồng tranh thủ chạy ghe ra khu hòn Đá Bạc vừa câu cá, vừa câu… khách. Khách thấy mình câu được cá, khách vui rồi gạ mua lại bằng với giá mình đem ra chợ bán. Cá bán tại chỗ, không phải cân nên mình cứ nhắm đại rồi cho giá, khách thấy mình ngồi câu nắng nôi cực khổ nên cũng chẳng ai nỡ trả treo gì. So với chuyện bán cá ngoài chợ xem như mình lời ba bốn phía. Tiếng lành đồn xa, tết năm nay du khách đến đây tăng vọt, dưới biển nhìn lên không thấy lá cây mà chỉ thấy chật nghẹt áo quần màu cam đỏ tím vàng. Nhu cầu ăn hải sản tại chỗ của du khách cũng tăng lên rõ rệt, vợ em rủ thêm vợ chồng cô em gái, em dâu ra câu rồi dần dần cả cái xóm Kinh Hòn cứ thấy du khách đông là chạy ghe ra câu… Phụ nữ câu chính, còn đàn ông vừa câu vừa được vợ “uỷ quyền” cho mang cá lên đảo giao lưu với khách khi cần”.
Theo anh Thọ, ở mặt bờ Đông của hòn hiện có cả thảy năm ghe câu, phía bờ Tây có thêm ba ghe. Thường mỗi ghe có 2 cặp vợ chồng, còn ghe của vợ chồng Thọ luôn luôn có ba cặp: ngoài vợ chồng Thọ, có thêm vợ chồng cô Bến, cô Quây, em vợ Thọ. Những ngày cuối tuần, khách đông, số lượng ghe câu của bà con xóm Kinh Hòn còn tăng lên nhiều. Có người ra xa câu mực, cá to… câu cả ngày. “Đi chung ghe, sở hụi tính như thế nào?”- tôi hỏi. “Cá của ai nấy bán. Nhưng người bán được nhiều cá hơn thì chịu thêm tiền xăng”- Thọ cười tươi và nhanh tay quăng những chú cá nâu lên ngọn than hồng.
Mùi khói, mùi cá nướng quyện với gió biển xông lên thơm lừng…
Đến hòn Đá Bạc, bạn có thể chọn mua các loại hải sản tươi roi rói, rồi nhóm lửa làm món nướng chấm muối ớt xanh đâm nhanh tại chỗ.
RỒI ĐÂY, “BẠC” SẼ THÀNH “VÀNG”
Nếu ở Trạm kiểm soát biên phòng Sông Đốc có một bia tưởng niệm hình mỏ neo ghi nhận một sự kiện lịch sử tang thương cho ngư dân nơi đây do siêu bão số 5 (Linda) gây ra hồi tháng 11.1997; thì ở Trạm kiểm soát biên phòng Đá Bạc lại có tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc mang hình dáng một con tàu, ghi nhận chiến công đặc biệt trong kế hoạch phản gián mang bí số CM12 (9.9.1981 - 9.9.1984).
“Trước kia nhắc đến hòn Đá Bạc, người ta thường rùng mình. Thứ nhất, là vì đường sá xa xôi, khó khăn. Từ trung tâm thành phố Cà Mau, đi theo hướng quốc lộ 1, từ phía cầu Gành Hào, vượt qua địa phận các huyện Cái Nước, Trần Hợi, U Minh, Trần Văn Thời, đoạn đường này dài khoảng 80km. Còn nếu đi theo cầu Cà Mau, hướng về Tắc Thủ, vượt qua rừng quốc gia U Minh Hạ, rồi đến Nông trường Minh Hà và qua Cơi Năm để về quê hương của bác Ba Phi (huyện Trần Văn Thời), thì khoảng cách ngắn hơn một nửa. Tới đây, còn phải thuê ghe chở ra hòn. Nói chung, để ra đến hòn theo con đường ngắn nhất cũng phải mất khoảng thời gian gần 2 giờ đồng hồ cho chặng đường gần 50 cây số. Thứ hai, hòn Đá Bạc đã từng là nơi nhập biên phá hoại của các nhóm lưu vong nước ngoài câu kết với thế lực thù địch phản động trong nước nên ai nghe cũng ngại, chẳng muốn ra làm gì. Thứ ba, hồi đó ở đây cũng chỉ là hòn đảo hoang sơ, ra chi cho… tốn tiền”- chị Cao Thị Đậm, 42 tuổi, ngụ xóm Kinh Hòn nói. “Còn bây giờ?”- tôi hỏi. Chị nhanh miệng: “Khoẻ rồi. Ngồi xe hơi đi tới Đá Bạc vừa có sân tiên, cầu tiên, dấu chân tiên, bàn tay tiên… lại vừa có món hàu nướng, hàu nấu cháo chất lượng không đâu sánh bằng”.
Chị Đậm trước kia làm nghề dệt chiếu ở Tân Thành, Cà Mau- nơi đưa giọng ca Út Trà Ôn đi vào huyền thoại. Năm 16 tuổi, chị nghe lời “nói dóc y như thiệt của thằng cha cuốc đất” ở xứ bác Ba Phi, gật đầu lấy hắn làm chồng. Gần đến ngày cưới, hắn cười hề hề rồi xoè bàn tay đen đúa chai sần của mình ra, thú thiệt: “Bố mẹ tui vốn ở làng rừng tràm Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Sau giải phóng, họ đưa nhau ra cửa biển Kinh Hòn sinh sống. Thương tui thiệt tình thì biển Đông cũng tát cạn nói chi cửa biển cỏn con như cái hòn này”. “Vậy thì lấy, nếu không mình là người không thiệt tình sao”. Chị Đậm cũng như nhiều chị em phụ nữ sống vùng biển, suốt ngày ở nhà vá lưới nuôi con và ngó ra cửa biển chờ chồng quay về sau mỗi lần ra biển. Hỏi chuyện con cái, chị buông chiếc đục sang bên, quệt mồ hôi và cười ngỏn ngoẻn: “Nghèo, nhưng… ham vui, nên hai vợ chồng cũng có được năm con. Mấy đứa lớn học nửa đường gãy gánh, quay ra đi phụ ghe cào. Hai đứa nhỏ hơn thì còn đến trường, đứa út còn ẵm”.
Từ hồi con đường từ thành phố Cà Mau dẫn về hòn Đá Bạc được Nhà nước bỏ ra 70 tỷ đồng đầu tư nâng cấp thành con đường nhựa phẳng lì, du khách đổ về tấp nập. Những lúc chờ chồng đi biển, chị tranh thủ dẫn con gái út (4 tuổi) ra hòn cạy hàu bán cho khách sạn chế biến món cháo hàu phục vụ du khách. “Nói chung, mình không phụ hòn thì hòn không phụ mình”- chị bảo- “Cái hòn nho nhỏ này coi vậy mà nuôi sống bà con cả xóm. Chỉ riêng chuyện cạy hàu bám quanh vách đá thôi mà mỗi ngày cũng đã có vài chục hộ kiếm thêm cho mình vài trăm ngàn đồng. Chị em tụi tui lớn tuổi, ngồi trên cạn, đục hàu nhỏ, chứ mấy đứa nhỏ còn sức nó lặn xuống biển đục toàn hàu lớn nằm trong các hốc đá. Một buổi trưa thôi, đứa giỏi có thể đục 4, 5 chục con to, kiếm vài trăm ngàn như chơi”. Chị chỉ thằng bé tóc đỏ hoe đứng trên chiếc ghe câu neo đậu nơi hòn đá có hình bàn tay tiên. “Thằng bé” ấy tên Lê Thanh Phương, 19 tuổi, cao thước mốt. Hôm qua, Phương lặn biển đục hàu thấy con cá mặt quỷ to bằng bắp chân bơi ngang trước mặt bèn thò tay chộp bị nó cắn ngay ngón tay cái, răng lún tới móng. Nóng lạnh tới giờ chưa dám xuống nước. “Sao nghe giống chuyện bác Ba Phi quá vậy?”. Chị Đậm lại cầm nguyên chiếc đục đưa lên gãi trán, rồi lại ngỏn ngoẻn: “Thiệt mà, hổng tin hỏi… con cá đó đi!”.
Những chú cá nâu vừa câu được là món nướng mọi tươi ngon, đơn giản mà du khách đều rất thích.
Cái hòn Đá Bạc rộng hơn 6 ha nằm chơ vơ ngoài vịnh Thái Lan vài năm trước kia như một hoang đảo, vậy mà giờ đây đang trở thành điểm mưu sinh cho hàng trăm hộ trong vùng. Cuối buổi tiệc biển chế biến trên rừng, anh Thọ... thỏ thẻ: “Hôm qua vợ chồng câu đến chiều được gần chục ký cá. Kiếm được gần triệu bạc. Hôm nay, chắc là ít hơn, nhưng tui vui. Ngồi câu kế bên vợ bị chửi hoài nên tui đâu có cao nổi”.
Tổng kết suất ăn cá nâu, cá mú nướng mọi của nhóm thực khách do anh Thọ phục vụ, tốn chưa hết triệu bạc bao gồm vừa tiền cá, tiền rượu, tiền nước suối đóng chai, tiền công nướng và tiền “bo” nhờ kể chuyện hòn cho khách nghe. Với du khách, là quá rẻ với chi tiêu cho một ngày du lịch. Nhưng anh Thọ vẫn tươi roi rói. “Nếu câu cá, cạy hàu đều đặn kiểu này mỗi tháng vợ chồng em cũng sắm thêm được vài chỉ vàng làm của hồi môn cho con gái sau này. Chừng vài ba năm sau cả xóm sẽ không gọi đây là hòn Đá Bạc nữa mà phải là hòn Đá Vàng thôi!”.
Chia tay khách, anh Thọ khum tay che miệng làm loa phóng thanh hướng về chiếc ghe câu của gia đình vợ, báo cáo: “Em ơi, anh xong rồi!”.
Gió ngoài khơi thổi vào mang mùi biển mặn, tôi loáng thoáng nghe ai đó cất giọng quyến luyến hát mấy câu huê tình trong bài hát của vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang: Bóng mây sánh đôi bóng núi. Con chim nhạn hát điệu tình quê… Tôi phóng tầm nhìn về hướng vịnh Thái Lan, nơi đang chấp chới vài cánh chim biển thanh thản ngoài khơi.
Mặt trời nơi đó như dần chìm xuống ở vạch thẳng - nơi tiếp giáp giữa biển và trời chờ đợi ngày mai…
PN. Nguyễn Thiện