Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mãi sáng ngời chân lý “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”
Thứ hai: 11:51 ngày 03/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kể từ Tết Ðộc lập đầu tiên của dân tộc đến nay, suốt 73 năm qua, Tuyên ngôn Ðộc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc tại quảng trường Ba Ðình lịch sử ngày 2.9.1945 vẫn mãi âm vang, lan toả trong tim các thế hệ người Việt Nam.

Niềm vui chiến sĩ Sư đoàn 5 trong dịp lễ mừng Quốc khánh 2.9

Cũng 73 năm qua, dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh hùng hồn với thế giới rằng: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy…”.

Quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập dân tộc, trải qua 73 năm lịch sử, máu xương của bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, khẳng định được vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Ðó cũng là thắng lợi từ sự kiên định chân lý: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Ðảng, nhân dân ta đã lựa chọn.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh hùng hồn cho sự lựa chọn duy nhất, đúng đắn của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân về con đường phát triển cách mạng Việt Nam. Những dấu mốc trên dòng chảy thời gian như các năm 1945, 1954, 1975 và 1986 là những bước ngoặt lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, dưới ngọn cờ CNXH, đất nước ta đang từng ngày đổi thay, thế và lực ngày càng mạnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế ngày càng ấn tượng hơn.

Tuy nhiên, những năm qua, nhiều phần tử phản động, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam vẫn không chịu thừa nhận thực tiễn về những thắng lợi to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đã giành được. Với thái độ thù hận, chúng tìm mọi cách phủ nhận, bôi đen những thành tựu của cách mạng nước ta; thổi phồng, xuyên tạc những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của ta nhằm tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân ta mất niềm tin vào Ðảng, vào chế độ, nhằm kích động nhân dân đòi thay đổi chế độ theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Một trong những quan điểm hết sức phản động mà chúng đưa ra là: Ðảng và nhân dân ta nên từ bỏ triết lý độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Theo chúng, đây là “lựa chọn sai lầm mang tính lịch sử”, là “kéo lùi sự phát triển của dân tộc”.

Bằng luận điệu xuyên tạc, kích động, các thế lực thù địch liên tục phủ nhận giá trị của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Chúng viện dẫn ra những dẫn chứng cho rằng nhiều nước trên thế giới “được” các nước tư bản “khai hoá văn minh”.

Qua đó, được tiếp nhận vốn đầu tư, được tiếp nhận tri thức, văn minh công nghiệp, được học hỏi kinh nghiệm của các nước tư bản nên đã thoát khỏi tình trạng mê muội, lạc hậu, trở lên phát triển, giàu mạnh. Khi đã giàu mạnh rồi thì “tự nhiên” sẽ có được độc lập dân tộc, không cần phải đổ xương máu giành độc lập như Việt Nam. Chúng còn lấy “tấm gương” Hongkong, Macau, Hàn Quốc để minh chứng cho lựa chọn đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta là “sai lầm”, là “thảm hoạ” và “kết tội” Ðảng ta đã gieo rắc tư tưởng “bạo lực” vào nước ta, dẫn dắt dân tộc ta đi vào con đường “lầm lạc”.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cũng thường lợi dụng sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Ðông Âu cách nay hơn 20 năm để rêu rao lại những điệp khúc cũ rằng: “CNXH là con đường mù mờ, không có tương lai”, “đi vào ngõ cụt”, “đã bị lịch sử phủ định”; “lựa chọn con đường CNXH là do ý chí chủ quan của Ðảng”; “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”… Từ đó, các thế lực thù địch lấy sự giàu, nghèo, sự chênh lệch về kinh tế hiện tại giữa các nước TBCN và xã hội chủ nghĩa (XHCN) ra so sánh để thổi phồng những thành tựu mà các nước TBCN đang có, đối lập với những hiện thực yếu kém, hạn chế đang tồn tại ở các nước XHCN- được chúng bôi đen, bịa đặt thêm.

Những luận điệu trên của các thế lực thù địch hoàn toàn phản động, sai trái cả về lý luận và thực tiễn. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt từ khi có Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dân tộc Việt Nam không bao giờ cho phép mình chấp nhận sự nô dịch, lệ thuộc ngoại bang. Hàng chục triệu người dân Việt Nam đã thấm thía bằng xương, máu về cái mà CNTB gọi là “khai hoá văn minh” cho dân tộc ta thời thực dân Pháp xâm lược chính là nỗi nhục mất nước, là sự bóc lột người dân đến tận xương tuỷ.

Vì thế, toàn Ðảng, toàn dân ta đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược giành độc lập là lựa chọn không thể nào khác. Sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Ðông Âu là xuất phát từ sai lầm của những cá nhân, tổ chức đã vận dụng sai lệch, phiến diện, thiển cận chủ nghĩa Mác- Lênin. Những nước XHCN hiện nay như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Lào nhờ kịp thời thức tỉnh, tìm lại đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin mà đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự phát triển của mình, vượt ra khỏi những sai lầm, thiếu sót nên đã tiếp tục đứng vững và có sự phát triển vượt bậc, khiến cả thế giới phải thừa nhận.

Hiện nay, đúng là các nước TBCN đang có ưu thế rất lớn về tiềm lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Ðiều này là hiển nhiên, bởi chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã có lịch sử phát triển qua nhiều thế kỷ, có thời gian lâu dài để tích luỹ tiềm lực. Hơn nữa, CNTB còn chưa khi nào từ bỏ âm mưu chống phá, quấy nhiễu, phá rối các nước XHCN thông qua con đường kinh tế, văn hoá, xã hội, thậm chí bằng cả chiến tranh xâm lược.

Trong khi ca tụng sự giàu có của các nước TBCN, các thế lực thù địch lại cố tình quên đi, hoặc không bao giờ nói tới bản chất của CNTB. Ðó chính là bản chất bóc lột, vì CNTB không bao giờ tự xoá bỏ được chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Các nước TBCN giàu có, nhưng sự giàu có ấy lại đa phần thuộc về thiểu số những kẻ bóc lột. Ví dụ tại Mỹ, số hộ gia đình giàu có nhất chiếm 0,1% dân số lại có số tài sản tương đương tài sản của 90% số hộ gia đình còn lại.

Người công nhân và lao động ở các nước TBCN, sự “giàu có” của họ chỉ là tương đối khi đem so sánh với thu nhập của người lao động ở các nước chậm phát triển, còn trong mặt bằng chung của xã hội tư bản, họ không có tư liệu sản xuất trong tay, luôn thuộc đối tượng nghèo khổ và bất cứ lúc nào cũng có thể trở nên thất nghiệp, bần cùng. Trong các bài viết xuyên tạc của mình, các phần tử phản động cũng cố tình không nói đến tính ưu việt của CNXH đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; người dân được sống cuộc đời làm chủ vận mệnh của mình, được bảo đảm công bằng, bình đẳng, xoá bỏ áp bức, bất công; mọi tiềm năng phát triển của con người được giải phóng. Dù tiềm lực của các nước XHCN chưa bằng các nước TBCN, song nhân dân các nước XHCN đã và sẽ từng bước nhanh chóng đưa đất nước mình phát triển vượt bậc.

Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH mãi mãi là một giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Ðộc lập dân tộc là độc lập trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Trong đó, quan trọng nhất là độc lập về chính trị. Ðộc lập dân tộc giải phóng nhân dân về chính trị, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước.

Còn giải phóng về kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế hiện đại, giải phóng xã hội và triệt để giải phóng con người là bước tiếp theo khi giành được độc lập dân tộc. Ðó chính là việc xây dựng một chế độ mới- chế độ XHCN. Vì thế, nền độc lập thực sự đồng thời phải gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ðộc lập dân tộc là điều kiện đầu tiên, là cơ sở vững chắc, là tiền đề bắt buộc để xây dựng CNXH. Ðồng thời, thành quả của CNXH sẽ bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Mọi quan điểm phủ nhận, xuyên tạc về con đường “Ðộc lập dân tộc gắn liền với CNXH” của cách mạng Việt Nam cần được kiên quyết bác bỏ.

Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, mỗi người dân Việt Nam lại thấm thía giá trị thiêng liêng của hoà bình, tự do, độc lập và sự bình yên, phát triển của cuộc sống hôm nay; càng thêm tin vào Ðảng Cộng sản Việt Nam và kiên định chân lý: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục