Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ
Thứ hai: 14:27 ngày 24/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ trọng là nét đẹp văn hoá đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đã trở thành tập tục, nét đẹp văn hoá đặc trưng vùng Đất Tổ, nhiều năm nay, vào ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch), thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh cũng là lúc các gia đình người Việt sửa soạn bàn thờ, mâm cơm tri ân các Vua Hùng -Tổ tiên của dân tộc…

Ở Việt Nam, hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ, được đặt ở nơi trang trọng trong nhà, rồi đến thờ tổ chung của một chi họ, một họ đến thờ tổ tiên của một làng được thờ ở các đình, đền, miếu... và cao hơn cả là thờ tổ tiên chung của cộng đồng dân tộc - đó là các Vua Hùng.

Được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc trở thành bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của các thế hệ người dân Việt Nam.

Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, đời nối đời, thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến tháng Ba âm lịch, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương, về với lễ hội Đền Hùng. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trên khắp mọi miền của đất nước và lan tỏa ở nhiều nước trên thế giới nơi có kiều bào Việt Nam sinh sống.

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ trọng là nét đẹp văn hoá đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với ý nghĩa đó, từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng đã khuyến khích các gia đình làm mâm cơm cúng tổ tiên, Vua Hùng, góp phần khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Nhiều năm nay, với người dân ở các xã gần Khu Di tích lịch sử Đền Hùng việc sửa soạn mâm cỗ tri ân các Vua Hùng đã trở thành nét đẹp truyền thống được duy trì qua nhiều năm. Cứ đến chiều mùng 9.3, các gia đình lại sửa soạn và lau dọn bàn thờ.

Mỗi địa phương sẽ có những cách thức chuẩn bị, lựa chọn các món và bày biện khác nhau, nhưng có điểm chung là món bánh chưng, bánh giầy không thể thiếu trong mâm cơm cúng để dâng lên tổ tiên, bởi đây là hai sản vật gắn liền với sự tích về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6, thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở; xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, gia đình dòng tộc anh em cùng đoàn kết, phấn đấu học tập, lao động tiến bộ, yêu thương nhau.

Nhiều năm nay, cứ vào ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3, gia đình ông Triệu Khánh Nghị và bà Trần Thị Hồng ở khu 2, xã Hy Cương lại chuẩn bị lễ vật để thắp hương tại đình Cổ Tích, ngôi đình thờ Thành Hoàng làng – xin phép để mời các Vua Hùng về gia đình. Lễ vật tại đình là thủ lợn, ván xôi, hoa quả; còn tại gia đình là mâm cơm được chuẩn bị chu đáo với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên và các Vua Hùng. Theo truyền thống gia đình để lại, việc thờ cúng xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình vì vậy bản thân ông Nghị luôn ý thức rằng thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán của cha ông.

Cách Khu di tích lịch sử Đền Hùng khoảng ba cây số, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì là nơi còn ba trong bốn phường Xoan gốc, nơi lưu giữ di sản Hát Xoan độc đáo và là nét sinh hoạt văn hoá mang đặc trưng riêng của người dân Đất Tổ. Mỗi dịp đến ngày Giỗ Tổ, gia đình ông Nguyễn Quang Tạo ở khu 7 lại cùng con cháu sum họp cùng chuẩn bị mâm cơm tri ân các Vua Hùng. Các công đoạn chuẩn bị mâm cơm được các thành viên trong gia đình làm hết sức cẩn thận, tỉ mẩn. Mâm cơm cúng Vua Hùng luôn có bánh chưng, bánh giầy, cơm tẻ. Tuỳ vào điều kiện từng năm thì có thêm những món ăn như: Xôi, gà, giò, chả, nem... mâm cơm cúng giản dị nhưng trang nghiêm, đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.

Gia đình ông Nguyễn Quang Tạo sắp lễ dâng cúng tổ tiên dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ông Phạm Văn Mến - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Việt Trì cho biết: “Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” vào mùng 10.3 âm lịch là một trong những giải pháp mà tỉnh Phú Thọ đang tích cực thực hiện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng.

Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt. Để bản thân mỗi người tự nhắc nhở cho mình, cho con cháu đời sau, lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Mâm cơm cúng đầy đủ các món ăn truyền thống kính dâng lên tổ tiên cầu mong gia đình yên ấm, đất nước bình an, thịnh vượng.

Thực tế tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng ngàn năm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện trong đời sống văn hoá tâm linh và còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc.

Việc khuyến khích, động viên các gia đình làm mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ đã phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tất cả những giá trị văn hoá tâm linh, những tư tưởng hướng về cội nguồn tổ tiên và văn hoá thờ cúng tổ tiên đã tạo nên giá trị cốt lõi, phẩm hạnh của người Việt là ý nghĩa quan trọng trong ngày đoàn viên của mỗi người dân Việt Nam mãi trường tồn với thời gian.

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục