Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mận sữa năm nào
Thứ hai: 10:20 ngày 15/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lúc nhỏ tí bằng ngón tay trái mận có màu xanh ngọc, khi nó lớn lên bằng ngón chân cái, cườm tay em bé thì màu ngọc ấy chuyển sang màu sữa. Cho tới khi da trái căng bóng và trắng mịn, mận đã chín và rất giòn, rất ngọt.

Hình như bây giờ không mấy đứa trẻ biết trái mận sữa có hình thù, màu sắc ra sao cả.

Còn tuổi thơ của tôi ngày xưa ấy, cái thời trăng tròn cõng em nghêu ngao hát và chơi tạt lon, mận sữa nhiều và ngon vô kể. Ngon của vị chua chua, ngòn ngọt rất thiên nhiên. Giòn độ giòn của trái phơi mình ròng rã ngoài nắng chứ không có bao bị gì bọc lại. Và thi thoảng vài trái còn có “hoàng tử lưng gù” trong ruột nữa. Nhưng chúng tôi vẫn nhai rau ráu, phun hạt vèo vèo vào nhau.

Ấy là cây mận sữa nhà nhỏ Vân hàng xóm. Vuông sân mênh mông và láng lừ vì ông ngoại của bạn ấy luôn nhổ sạch cỏ. Chẳng biết cây mận ăn gì mà luôn cho trái ngập từ gốc tới cành nhánh. Một góc sân lúc ấy luôn rắc đầy những nhị hoa mận trắng xám rụng rơi, trông như một tấm thảm mềm dịu êm. Thêm mớ cuống hoa màu xanh xanh nữa. Còn trên cành thì lúc nào cũng đung đưa những chùm trái. Lúc nhỏ tí bằng ngón tay trái mận có màu xanh ngọc, khi nó lớn lên bằng ngón chân cái, cườm tay em bé thì màu ngọc ấy chuyển sang màu sữa. Cho tới khi da trái căng bóng và trắng mịn, mận đã chín và rất giòn, rất ngọt.

Nhưng hình như bọn trẻ không mấy khi chờ được tới lúc mận chín tròn màu sữa. Chúng chỉ vừa bằng ngón chân cái, còn luông luốc màu xanh thì bao nhiêu cái cù móc đã giơ lên và bấy nhiêu cái bàn tay trẻ con đã chìa ra mà hứng. Những quả mận hứng được, không có chuyện rửa sạch hay ngâm muối gì đâu, bất quá chỉ quẹt quẹt vô vạt áo rồi cho vào miệng cắn liền. Chua và ngọt lắm. Vị chua thanh tao mà vị ngọt cũng đậm đà. Cắn sâu vào tí nữa là đụng mớ hột mận bám vào nhau lổn nhổn. Vậy là phun vèo xuống đất, nghịch ngợm hơn thì phun hẳn vào đứa đứng gần nhất. Thật nhanh nhé, để cắn miếng khác, để “xí” thêm trái khác và cũng để đứa bị “dính chưởng” đó không biết ai là thủ phạm. Và những tiếng cười trong trẻo, tiếng la chí choé vang lên.

Nhà ở nông thôn hồi đó hầu như không có hàng rào. Cứ thông thốc nhà này sang nhà khác, đôi khi cách nhau bằng hàng bông bụp, mấy bụi sả… nên con nít nhà này sang nhà kia cứ chạy ào ào. Cây trái ở nông thôn hồi đó chủ yếu để trẻ con ăn, để biếu hàng xóm mấy lúc được mùa chứ ít khi bán mua. Bởi ruộng bời bời, ao đầy cá, việc làm không hết mà cuộc sống cũng dễ dàng nên chỉ vài cây trái quanh vườn chẳng bao giờ có chuyện thu hoạch để bán đâu.

Nhà Vân, cây mận sữa có trái quanh năm làm niềm vui cho cả xóm. Còn nhà tôi có cây lý trái thơm lừng khi chín và lá lý có thể thắt thành đồ chơi được. Trái lý lạ hơn trái mận sữa là khi chưa chín nó sẽ chát, mà chát thì con nít không thèm ăn. Vì vậy lý cứ tha hồ lớn và chín đến khi có đàn chim nào đó về kêu rít rít trên vòm lá, cả bầy con nít sẽ mang cù móc và chiếc mền ra gốc để thọc và hứng trái thôi.

Tôi thích nhất mỗi chiều đi học về qua nhà Vân để hai đứa ngồi trên chiếc ghế mây không chân, chỉ có vòng mây chạy dài quanh thân ghế để khi ngồi cứ như trò chơi bập bênh rất thú vị. Lúc đó Vân sẽ lấy từ cặp ra cho tôi khoảng năm trái mận to sầm với phần da đã bị trầy giập đôi chút, vì phải cố giành giật lắm và cất vô cặp mới tránh khỏi bao cặp mắt dòm ngó của các bạn hàng xóm.

- Mận đổi lý nha! Mai mốt lý nhà mày chín phải để cho tao mấy trái ngon nhất đó! Nó ngọt và thơm lắm, để trên bàn học mấy ngày cũng thơm.

- Ừ, nhưng chiều nay mày qua nhà tao ăn cơm nha! Nhà mày toàn ăn phổi heo kho, ớn muốn chết hà!

Cái ghế bập bênh nên hễ đứa này nghiêng qua là đứa kia suýt té. Ðứa suýt té ấy thường là tôi, vì tôi bận cạp mận nên không để ý Vân nghiêng qua một bên. Vậy là để “trả đũa”, tôi lại phun vèo hạt mận vào người Vân, cả hai cùng cười vui vẻ.

Nhưng tiếng cười chẳng kéo dài được bao lâu bởi Vân có hoàn cảnh khá đặc biệt. Ba mẹ chia tay, Vân ở với ông bà ngoại, ngoại già rụng hết răng nên không ăn được cá thịt, món phổi heo kho vừa mềm vừa rẻ nên bà rất ưa, Vân phải ăn cùng. Tôi cũng mấy phen ăn cơm nhà Vân nên biết và thương nó lắm.

- Ừ, tao cũng ớn. Nhưng kệ đi, ngoại ăn được, tao ăn được. Chứ đi ăn cơm ké nhà mày hoài, ngoại la.

Nhà Vân có ba công ruộng nhưng ông bà già rồi, không làm được, phải cho người ta mướn. Hằng ngày, ông ngoại Vân đi gom lá ở trường học, ở vườn cao su về đốt lấy tro bán. Công việc đó tôi thấy rất cực, nhưng ông bảo là làm để “khỏi mục xương”. Gom lá xong ông nhặt nhạnh bẹ dừa, nan trúc, nhánh tầm vông gì đó kéo về để chặt thành củi và bó lại phơi khắp sân để chụm dần.

Bà ngoại Vân có một sạp trầu cau ngoài chợ xã. Trầu cau dạo đó đông khách mua lắm, nên bà ngồi chợ đến tối hù mới về. Vân buổi sáng đi học, buổi chiều nấu cơm, còn chuyện đi chợ đã có bà ngoại lo nên món phổi heo kho là thực đơn thường trực. Nhà tôi đủ ba mẹ nên cơm ăn “sướng” hơn vì cá đồng, cá con, tép rong được ba xoay vòng qua tay lưới mãi. Mấy loại rau đồng- kèo nèo, bông súng, rau dừa, rau chốc, lục bình, muống ruộng… không thiếu trong bữa cơm nghèo. Bên này gia đình đông vui những sáu thành viên, bên kia Vân chỉ một mình bởi bà ngoại chưa về, ông thì đi gom lá muộn. Vậy nên tôi hay kéo nhỏ qua nhà ăn cơm cho vui.

Ông ngoại Vân sau cơn bệnh nặng đã mất. Gia cảnh không khá giả lại phải tốn khá nhiều tiền nên bà ngoại Vân quyết định bán chỗ đất đang ở để trả nợ, còn dư chút ít mua miếng đất khác rẻ hơn. Chủ mới của miếng đất đốn cây mận sữa cho vuông sân rộng thoáng và làm chỗ cho chiếc xe du lịch đậu mỗi ngày.

Hai mươi năm trôi qua…

Ðất vẫn còn đó. Người vẫn còn đó. Trời xanh còn đó. Nắng còn đây… Chỉ có cây mận sữa tuổi thơ tôi là đi biền biệt phương nào.

Tạp bút: THUỲ TRANG

Tin cùng chuyên mục