Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà mang về cho tôi những món quà quê, nào bánh tráng mè cái nào cái ấy bằng cái sàng gạo của mẹ. Nào là bánh ít lá gai, nào là chả bò, tré…
Hàng cau quê nhà. Ảnh minh hoạ: Đặng Hoàng Thái
Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng hàng không Phù Cát” nổi bật khiến lòng tôi nôn nao khó tả. Mà đâu phải khi được nhìn thấy dòng chữ này tôi mới có tâm trạng thế. Cả tháng trước, khi book vé, tôi đã rộn ràng lắm rồi. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời tôi đến với Quy Nhơn.
Thật xa lạ mà cũng thật thân quen. Từ khi còn nhỏ tôi thường được nghe ba tôi kể về quãng thời gian khi ông làm việc ở đây. Khi đó, ông là thanh niên, đi lính và được điều về sân bay Phù Cát. Những kỷ niệm của ông theo năm tháng cứ dày lên mãi. Những lúc rảnh rỗi, ba kể cho tôi và các anh em tôi nghe những ngày làm việc ngắn ngủi ở đây. Anh lính sửa chữa máy bay khi ấy, nay đã hơn 70 tuổi.
Hình như tôi có cái duyên nào đó đối với Quy Nhơn- cái tên trên bản đồ đất nước mà hồi đi học tôi cảm thấy xa xôi lắm. Nghe những mẩu chuyện ba kể, tôi thật mơ hồ. Thế mà giờ đây, sau non một giờ bay, tôi đã có mặt ở đây. Đúng là phương tiện hiện đại đã làm cho khoảng cách địa lý xa mấy cũng thấy gần. Vừa mới ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc nãy, vèo một cái tôi đã đến Phù Cát.
Hồi còn nhỏ tôi cũng đã từng nghe nhắc đến cái tên Bình Định. Nghe mãi rồi thành quen lúc nào không biết. Có lẽ cũng từ buổi trưa hè năm ấy, năm 1992, khi tôi ngồi đọc say sưa quyển sách thiếu nhi mà một bác bạn làm chung với ba tôi tặng, có một người phụ nữ tuổi nhỏ hơn nội tôi một chút đến nhà tìm mẹ tôi.
Khi đó, mẹ tôi đi về thăm ngoại không có ở nhà. Người này tôi gọi là bà Tư. Bà Tư là gọi theo thứ trong nhà của chồng bà - ông Tư. Ông Tư là con người vợ sau của ông cố tôi. Nghĩa là ông Tư với bà nội tôi là chị em cùng cha khác mẹ. Là bà con gần lại sống chung làng, chung xóm nên bà Tư hay qua nhà tôi chơi.
Khi thì những lúc bà rảnh rỗi đến ngồi tám chuyện với mẹ tôi. Khi thì bà đến mượn mẹ tôi ít gạo, xin vài quả ớt, tép tỏi rồi về… Vì thế, tôi rất quen bà Tư. Tuy nhiên, do chênh lệch tuổi tác, với lại bà là bạn của mẹ nên tôi ít khi trò chuyện cùng. Hôm nay bà đến, mẹ tôi lại đi vắng. Bất đắc dĩ tôi trở thành người lớn để ngồi tiếp khách.
Người đàn bà nhỏ nhắn với bộ đồ cũ kỹ, quần đen, áo túi huyền thoại ngả màu chùm đuông chín rục. Bà luôn miệng cười. Lúc cười bà thường hở cả hai hàm răng và díp mắt lại có vẻ rất khoái chí. Hàm răng bà chỉ còn mấy chiếc. Khi bà cười nó đã làm méo đi khuôn mặt héo úa, kham khổ của bà.
Bà cũng chẳng để ý gì, cứ cười rất thoải mái, tự nhiên. Ai chưa gặp bà nhiều sẽ nghĩ như là quen lắm. Bà luôn thân thiện và dễ gần với mọi người. Thế nhưng hôm nay, không hiểu sao trông bà có vẻ buồn lắm. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt của bà khiến tôi cũng buồn lây.
Tôi hỏi bà tìm mẹ tôi có việc gì. Bà ngỏ ý muốn mượn mẹ lon gạo về nấu cơm chiều. Tôi ngưng đọc sách. Tự nhiên tôi quan tâm đến giọng nói của bà. Lạ chưa! Nào giờ cũng giọng ấy, sao hôm nay tôi thấy lạ lắm. Không giống giọng của bất cứ ai trong làng mình.
Tôi hỏi: “Sao giọng bà lạ thế?”. Chắc ảnh hưởng câu hỏi trong truyện “Cô bé quàng khăn đỏ” mà tôi đọc từ nhỏ. Tôi thấy giọng bà lạ thiệt nên buột ra câu hỏi ám ảnh đó. Có vẻ tôi đã lỡ lời? Tuy vậy, bà cũng chẳng để ý gì. Bà ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu kể với giọng quê của mình.
Quê bà ở quài Trung. Nào tôi có biết quài Trung ở đâu? Tính hiếu kỳ con nít khiến tôi hỏi tới. Quài Trung là ở đâu hả bà? Bà lắc đầu: “Bà cũng không biết”. “Ủa! Sao bà lại không biết?”. Rồi khuôn mặt bà giãn ra. Hình như bà đang gom hết mọi trí nhớ để hồi tưởng về quê hương của bà. Bà chỉ nhớ là bà ở tỉnh Bình Định. Sau đó vì chiến tranh bà lưu lạc về đây. “Vậy sao bà không về quê? Bà không nhớ quê à?”.
“Bà nhớ chứ, nhưng bà không có điều kiện. Nhà nghèo, ăn còn không có no, mặc còn không có đủ, làm sao có tiền mà về quê? Vả lại quê ở đâu bà cũng có biết đâu mà về? Trong hồi ức của bà giờ đây không còn gì ngoài cái chữ Bình Định. Mà bà cũng không biết đọc chữ làm sao có thể đi tìm quê được?”.
Tôi nhìn bà cám cảnh. Bà trầm giọng kể tiếp. Người nhà của bà, ba mẹ bà, anh em bà có mấy người. Bà không biết. Bà nhớ má bà có mái tóc thật dài, dài chấm gót chân. Trong ký ức tuổi thơ bà, mái tóc ấy bị các tên ác ôn túm lấy quấn vào gốc cây. Cho tới bây giờ bà vẫn còn đau đớn khi nhớ lại. Rồi một tiếng súng đã vang lên. Má bà ra đi như vậy. Còn ba bà, hầu như bà không nhớ gì cả. Các anh em bà mấy người sao mà nhớ nổi?
Tôi đề nghị sẽ viết thư tìm người thân cho bà. Bà không hình dung được tìm qua thư là như thế nào. Hay bà biết chỉ là vô vọng nên bà chỉ ngồi im, không nói gì. Thấy bà vậy, tôi cũng thất vọng. Tôi hỏi về tên làng bà ở và những kỷ niệm đáng nhớ của bà. Bà lắc đầu quầy quậy. “Biết gì đâu mà nhớ?”.
Mọi nỗ lực của tôi đều không thành. Đúng là bà không nhớ gì hết. Bà lạc gia đình từ nhỏ. Mười bốn tuổi, bà thất lạc cho tới tận bây giờ. Thế nên có biết quê hương là gì đâu? Mấy chục năm nay bà không mảy may hy vọng gì để về tìm lại quê.
Bà không còn nhớ gì hết. Tên cha mẹ, tên anh em, thậm chí tên của bà nữa, bà còn không nhớ rõ nữa là. Bà bảo tên bà hình như tên là Vốn. Đấy, tên mình mà bà còn “hình như” thì tên quê, tên người thân bà còn biết nhớ cái gì?
Ừa! Đúng rồi! - chợt bà reo lên - bà đúng tên là Vốn thật cháu ạ. Em bà nó tên là Lời mà. Vốn Lời! Đúng rồi! Nó thân với bà nhất trong các anh em trong nhà đấy.
Chỉ vậy thôi. Dù cho tôi có hỏi thêm bao nhiêu câu hỏi nữa bà cũng không. Ngồi rầu rĩ, ngẫm ngợi một lúc lâu, rồi bà lại ồ lên lần nữa. “Phải rồi! Bà nhớ ra rồi. Hình như bà sống ở thôn Châu Trúc thuộc tỉnh Bình Định cháu ạ”.
Tôi vừa hý hoáy viết bức thư vừa lo lắng không biết thôn Châu Trúc hồi xưa của bà giờ còn không, hay đã đổi tên khác? Bởi lâu lắm rồi, mấy chục năm rồi chứ ít gì? Nếu thôn không còn, thôn đổi thành tên khác thì làm sao? Thôi thì cứ viết thư rồi tính.
Tôi trằn trọc suy nghĩ mãi. Trong tâm trí trẻ thơ non nớt của mình, tôi nghĩ mình lạc mất cha mẹ, lạc mất anh em như bà thì sao nhỉ? Đi không có ngày về. Rồi hoảng hốt buồn khóc. Rồi bơ vơ lang thang. Và nước mắt cứ tự rơi lã chã trên khuôn mặt ngây thơ của tôi quên cả mình đang viết thư tìm người thân cho bà. Mãi đêm sau, tĩnh tâm lại, tôi mới hoàn chỉnh bức thư đó.
Mang thư ra bưu điện, tôi cẩn thận gọi tổng đài 108. Nói thêm tổng đài 108 lúc bấy giờ ở chỗ tôi cũng còn rất xa lạ với nhiều người. Phải ra bưu cục mới có thể gọi 108. Cả làng chưa ai có điện thoại. Mấy năm sau trong làng mới có người sắm điện thoại. Nhà nào sắm điện thoại cũng là ân nhân của cả làng. Có việc cần liên lạc phải đến gọi nhờ. Ai có người thân ở xa gọi về, có việc quan trọng gọi lúc nửa đêm chủ nhà cũng phải đi báo tin. Lúc bấy giờ rất hạn chế thông tin liên lạc, chỉ chủ yếu là thư tay.
Tôi gọi 108 và được trả lời là thôn Châu Trúc vẫn còn tên như cũ, tôi hỏi thêm xã, huyện… Chứ như bây giờ có Google, search một phát thì có ngay.
Tôi lật phía sau lưng lá thư đã dán cẩn thận, ghi vào đó dòng chữ “Đây là thư tìm người thân sau mấy mươi năm lưu lạc, ai nhận được cố gắng chuyển giúp đến tay người nhận. Trân trọng cảm ơn”.
Gửi thư đi rồi, tôi thấp thỏm mong chờ. Hết ngày này sang ngày khác mong có hồi âm. Vậy mà cả tháng trời ròng rã không một tín hiệu gì. Chẳng có một tia hy vọng nào cả. Rồi tôi cũng quên lá thư này. Cuộc sống còn biết bao việc phải làm, nhất là trẻ con như tôi. Việc học hành, thi cử, vui bạn bè trường lớp, vui cha mẹ gia đình…
Tất cả đã cuốn hút tôi đi. Bà Tư vẫn lọ mọ hằng ngày sang nhà tôi chơi và vẫn cười hở hàm răng còn có mấy chiếc với những câu chuyện thường nhật. Bà cũng không hỏi gì về lá thư tôi đã viết. Có lẽ bà cũng chẳng hy vọng gì cái trò trẻ con đó của tôi.
Cho đến một ngày, có hai người đàn ông ăn mặc lịch sự dựng xe Honda trước nhà bà Tư. Ngôi nhà tranh vách đất lụp xụp của bà cũng khô khốc và khổ sở như bà.
Bà vội vàng, lúng túng vừa lo sợ vừa bối rối hỏi người đàn ông: “Chú tìm ông nhà tôi có chuyện gì không? Ông đi ruộng chưa về”. “Xin chú thong thả cho vợ chồng tôi ít lâu nữa, khi nào có tiền vợ chồng tôi sẽ trả. Chứ tiền vay nhà nước hôm trước, tôi chưa có trả được. Mong chú thông cảm”.
Không đành để chị mình lo lắng thêm nữa. Người đàn ông trong bộ sơ-vin bỏ áo trong quần chỉnh tề, nghiêm trang hỏi: “Chị không nhận ra em hả chị? Em là Lời nè, em của chị đây!”.
Bất ngờ vỡ oà, chị em ôm nhau nước mắt thi nhau chảy trong sự chứng kiến ngác ngơ của mấy đứa nhỏ nheo nhóc.
Ngày hôm đó, cả xóm như có hội. Ai nấy hay tin kéo đến mừng cho bà đoàn tụ gia đình.
Sau cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, bà luôn mong mỏi về thăm cha một lần. Cha bà còn sõi lắm nhưng tuổi cũng đã hơn 100, nên bà cố thu xếp về thăm.
Làng tôi quyên góp mỗi người chút đỉnh để bà có mà làm lộ phí về thăm cha, thăm quê. Bà xúc động rưng rưng.
Bà đi một tháng trời không thấy trở lại. Chồng con héo hon chờ đợi, không một tin tức. Không biết quê bà ra sao, bà ốm đau gì mà lại thế? Tôi cũng rối lòng lo âu và cảm thấy mình là tác nhân gây ra sự bất an này. Hạnh phúc gia đình bà đang đầm ấm vui vẻ như thế, chỉ vì bức thư của tôi mà bà ấy bỏ đi? Tôi cảm thấy mình có lỗi biết bao! Hằng ngày tôi thấp thỏm mong ngóng sự trở về của bà.
Tôi tự hỏi, có khi nào bà đem lòng so sánh cuộc sống ở quê và sự thiếu thốn vất vả ở đây, nên bà không thèm về lại, không thèm ngó ngàng đến cuộc sống khốn khó này nữa? Có khi nào như thế không? Lẽ nào bà hiền hậu, cởi mở, thân thiện với mọi người như thế mà nay lại ra nông nỗi? Bao câu hỏi cứ xoáy lên trong đầu tôi. Và tôi vẫn không tin bà là con người phụ bạc như thế.
Một buổi trưa đi học về, vừa tới ngõ tôi đã nghe giọng nói quen thuộc của bà. Rôm rả lắm, phấn khởi lắm. Tôi đã hình dung ngay ra nụ cười rạng rỡ trên đôi má hóp của bà. Vô tới nhà, nhìn thấy bà, tôi mừng rơi nước mắt. Vậy là bà đã về lại, không bỏ gia đình mà đi luôn như tôi nghĩ.
Bà mang về cho tôi những món quà quê, nào bánh tráng mè cái nào cái ấy bằng cái sàng gạo của mẹ. Nào là bánh ít lá gai, nào là chả bò, tré… Tôi cũng rất mừng quà bà cho nhưng tôi mừng bà về nhà với các con với chồng nhiều hơn.
Bà kể chuyến về quê thật ấn tượng.
Sau đó vài năm. Ba bà mất, hưởng thọ 105 tuổi.
Mấy lần bà muốn tôi về thăm quê cũng như thay lời cảm ơn tôi đã giúp bà tìm lại người thân sau mấy chục năm lưu lạc. Nhưng tôi đi học rồi đi làm, cuộc sống cứ cuốn trôi lời hứa ngày nào đó sẽ cùng bà về Bình Định.
Có người kể, ba của bà Tư lúc hay tin con ông còn sống, ông vừa dọn dẹp bàn thờ vừa rưng rưng, mong ngóng một ngày gặp lại gần đây. Mấy chục năm rồi, ngày nào ông cũng thắp nhang, van vái vừa mong mỏi con gái ông chưa chết. Hoặc nếu chết rồi thì cũng hy vọng tìm lại được hài cốt về ông mới yên tâm nhắm mắt. Nghe tin vài hôm nữa con về, ông vô cùng mừng rỡ, lo dọn bàn thờ của con đi, con còn sống, nó sắp về thăm sao mà không mừng cho được.
Hôm nay ngày giỗ của cha bà, cũng là dịp nghỉ tết, tôi mới thu xếp công việc, cùng bà về Châu Trúc. Người làng mừng lắm, họ vây quanh coi tôi là ân nhân. Họ thi nhau kể lại ngày bà Tư trở về, bao niềm vui sướng hạnh phúc đoàn tụ phơi bày trên những gương mặt các dì các mẹ quê.
Có người quay về tôi và nói: “Nhờ có cháu gái này mà bà Vốn có ngày hôm nay đấy. Cảm ơn cháu nhiều nhé. Cũng giống như cháu đem mùa xuân về vậy đó”. Tôi cười vui và cảm thấy thật hãnh diện trước mọi người. Bà Tư móm mém ôm tôi vào lòng, cười tít mắt.
T.N.M