Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Thứ sáu: 00:07 ngày 07/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi tham gia sử dụng mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm trong chia sẻ, lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ.

Trang tán phát thông tin xấu độc trên Facebook của tổ chức phản động Việt Tân

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, với sự ra đời của internet phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin, giao tiếp, học tập, giải trí của con người trong xã hội đã dẫn đến sự ra đời của các ứng dụng mạng xã hội.

Tại Khoản 22 Ðiều 3 Nghị định 72/2013/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nêu rõ: “Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam hơn 70 triệu người (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hơn 76 triệu người (hơn 73% dân số).

Việt Nam có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Ðối với tỉnh Tây Ninh, dân số có khoảng 1,2 triệu người, số thuê bao di động có đăng ký kết nối internet khoảng 975.000 thuê bao, chiếm khoảng 81% dân số, số thuê bao cố định kết nối internet hơn 263.000.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đều có kết nối internet, mỗi cán bộ, đảng viên đều có 1 điện thoại thông minh có thể kết nối internet, mạng xã hội, trong xử lý công việc và hoạt động trong ngày đều có các liên quan nhất định đến internet, mạng xã hội.

Hiện nay, với nhiều tính năng vượt trội, tiện dụng, internet, mạng xã hội ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dùng nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, như tra cứu, tiếp nhận thông tin phục vụ học tập, công việc; giải trí, kết bạn, tương tác với người thân…

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, internet, mạng xã hội đã và đang bị các thế lực phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước triệt để lợi dụng, sử dụng như một công cụ sắc bén, hiệu quả để tán phát thông tin xấu, độc, chống phá chế độ thông qua việc thành lập hàng ngàn trang, nhóm, web, blog như: Vietlive.tv, Việt Tân, Dân Luận, Việt Nam Cộng hoà, Người Việt Online, Nhật ký yêu nước, Dân làm báo, Lật đổ chế độ Cộng sản, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Hội anh em dân chủ, Thanh niên công giáo… để tán phát thông tin xấu, độc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình một tháng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tán phát hơn 130.000 bài viết, video clip xuyên tạc lên internet, mạng xã hội, trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67%.

Các nội dung được họ lựa chọn để xuyên tạc, chống phá xoay quanh các vấn đề về tự do, dân chủ, nhân quyền, tình hình Biển Ðông, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng; một số hạn chế trong phát triển kinh kế, an sinh xã hội, một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm...

Riêng trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, chưa phát hiện phần tử chủ lực, cực đoan, bất mãn chính trị ra mặt chống đối, tán phát thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá chế độ, mà chủ yếu là các trường hơp đăng tải, chia sẻ thông tin không đúng sự thật trong đời sống, hoặc vì bức xúc nhất thời, thiếu thông tin nên chia sẻ một số nội dung xấu...

Riêng trong năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, làm việc, xử lý 102 trường hợp có thông tin ngụ tại Tây Ninh đăng tải, chia sẻ bài viết có nội dung xấu trên Facebook cá nhân.

Trước thực tiễn trên đã và đang đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh trên internet, mạng xã hội cho người Việt Nam, đồng thời đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, trong đó, cần vai trò, trách nhiệm quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 Cán bộ, đảng viên, trước hết dưới góc độ một công dân Việt Nam, người dùng internet, mạng xã hội đều có quyền được thụ hưởng môi trường thông tin lành mạnh; đồng thời phải có trách nhiệm tham gia, góp sức xây dựng môi trường thông tin an toàn, văn minh trên không gian mạng.

Ðể thực hiện được điều này, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, nắm rõ các quy định của Nhà nước về sử dụng internet, mạng xã hội để ứng xử phù hợp, đúng quy định, nhất là nắm chắc những hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng (tại Ðiều 8 Luật An ninh mạng năm 2018) và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Chỉ khi nắm rõ quy định của pháp luật, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ mạnh dạn, tự tin, phát huy tốt vai trò nêu gương, chủ động sử dụng internet, mạng xã hội như một công cụ hữu ích để phục vụ công việc, nhu cầu bản thân và tuyên truyền cho bạn bè, người thân, nhân dân biết, tuân thủ pháp luật, sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả, cùng tham gia lan toả thông tin chính thống, chia sẻ thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực.

Thứ hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của đảng viên được quy định tại Ðiều lệ Ðảng, nhất là “Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Ðảng”, gắn với thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là “công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ… của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”, đồng thời gắn với thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 4.4.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch.

Mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải nắm chắc, thực hiện nghiêm: Quy định số 37-QÐ/TW, ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, trong đó đặc biệt chú ý đến Ðiều 3, Ðiều 4, Ðiều 5 quy định các hành vi nghiêm cấm đối với cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội; Quy định số 85-QÐ/TW, ngày 7.10.2022 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, xã hội.

Như vậy, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội, cần chú ý thực hiện trách nhiệm công dân, tuân thủ các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời cần tích cực, chủ động chia sẻ, lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá chế độ phù hợp với năng lực, sở trường, lĩnh vực công tác, xem nhiệm vụ “tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là công việc tự giác, thường xuyên”.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và thông tin đối ngoại tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 3.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thường xuyên tham gia chia sẻ, lan toả, đăng tải thông tin chính thống, phủ xanh thông tin tích cực trên internet, mạng xã hội. Nếu so với lực lượng 39.172 đảng viên toàn tỉnh, thì con số khoảng 3.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thường xuyên tham gia chia sẻ, lan toả, đăng tải thông tin tích cực còn khá khiêm tốn so với lực lượng hiện có.

Do đó, trong thời gian tới, khi tham gia sử dụng mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm trong chia sẻ, lan toả, phủ xanh thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ như lời đồng chí Võ Văn Thưởng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từng nhắn nhủ: “Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên dùng smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một video clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn”.

Hoàng Trần

Tin cùng chuyên mục