Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (10.9.1955 - 10.9.2018):
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- trung tâm tập hợp khối đại đoàn kết
Thứ hai: 06:20 ngày 10/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành tên chung cho nhiều hình thức tổ chức được thành lập trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử 88 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đã không ngừng phát triển cùng với những chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Từ khi có Ðảng là có Mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cách đây 63 năm, ngày 10.9.1955, tại Thủ đô Hà Nội, Ðại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt trước đây. Ðại hội bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự, cụ Tôn Ðức Thắng làm Chủ tịch Ðoàn Uỷ ban Trung ương và 98 Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận, đại diện cho tất cả các đoàn thể thuộc nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo, thành phần giai cấp khác nhau. Từ đó, ảnh hưởng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng sâu rộng trong nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

 

Lúc này, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, hất cẳng thực dân Pháp và phá hoại Hiệp định Genève, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam giai đoàn này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Phát biểu trong buổi lễ bế mạc thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước… Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Ngày 20.12.1960, trong cao trào Ðồng khởi, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Mặt trận Dân tộc Giải phóng không ngừng củng cố, mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.

Ðến ngày 20.4.1968, trong cuộc tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân, liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam ra đời, kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam. Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam bằng những công tác trong nước và ngoài nước đã góp sức động viên xúc tiến các phong trào ấy, tăng thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân, chống Mỹ cứu nước.

Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31.1 đến 4.2.1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ðại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức ở 2 miền lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội phản đế đồng minh- hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, được Ban Thường vụ Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra chỉ thị thành lập ngày 18.11.1930, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Ðảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành tên chung cho nhiều hình thức tổ chức được thành lập trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử 88 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đã không ngừng phát triển cùng với những chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Từ khi có Ðảng là có Mặt trận.

Về tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Xuân Thuỷ- nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, tại Ðại hội hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận - Ðại hội 1 (tháng 2.1977) đã lý giải như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập năm 1955, cái tên đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đề xướng được mọi người tán đồng. Lúc ấy, Ðảng Lao động Việt Nam tức là Ðảng Cộng sản Việt Nam bây giờ và Hồ Chủ tịch đã thấy rõ đế quốc Mỹ đang âm mưu phá hoại Hiệp định Genève về Việt Nam, nhằm hất cẳng Pháp, chiếm lấy miền Nam ta, chia rẽ lâu dài nước ta. Vì vậy, phải có một mặt trận đoàn kết được toàn dân đấu tranh cho quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc, hai tiếng “Tổ quốc” nhắc nhở mọi người đoàn kết phấn đấu cho một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Ðó là Mặt trận của cả nước từ Bắc đến Nam. Song đế quốc Mỹ và tay sai cố tình phá hoại Hiệp định Geneve về Việt Nam, gây ra chiến tranh đặc biệt, rồi chiến tranh cục bộ và sau cùng chúng đưa chiến tranh lan rộng ra toàn quốc làm trở ngại cho sự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, trong cao trào Ðồng khởi ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam mới ra đời và trong dịp tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 có thêm liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam. Ðó là những tổ chức Mặt trận phù hợp với điều kiện lịch sử từng lúc và làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất càng được mở rộng dưới nhiều hình thức. Nói như thế để chúng ta thấy rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trong quá khứ cũng đã là của Tổ quốc Việt Nam chung của chúng ta”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng chi viện cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam.

Trải qua 8 kỳ Ðại hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.

Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức, giai tầng trong xã hội, cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ của toàn dân tộc: “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, thực hiện đại đoàn kết từ cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư đến toàn dân, toàn quân trên phạm vi toàn quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm tốt công tác động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần quan trọng đưa nước ta ngày càng phát triển. Mặt trận Tổ quốc tổ chức và hướng dẫn nhân dân phát huy quyền làm chủ, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh- nhất là ở cơ sở; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần cùng các tổ chức Ðảng tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tại Tây Ninh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trải qua 9 kỳ đại hội đã thể hiện vai trò vừa là trung tâm đoàn kết toàn dân tộc, là nơi để nhân dân bày tỏ nguyện vọng và vinh danh những những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, vừa là cầu nối giữa dân với Ðảng, vừa là chỗ dựa vững chắc của chính quyền. Bước vào thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tiếp tục mở rộng, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ những chức năng, nhiệm vụ đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các cuộc vận động, các phong trào: công tác chăm lo cho người nghèo, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”- nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát hiện, tuyên dương người tốt, việc tốt; vận động, cứu trợ đồng bào bị thiên tai; chủ trì phát động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tôn vinh hàng hoá Việt; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cấp uỷ Ðảng, chính quyền với nhân dân; mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Tây Ninh phát triển toàn diện, ổn định và bền vững.

MTTQ

 

Tin cùng chuyên mục