Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mâu thuẫn trong việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự
Thứ bảy: 15:35 ngày 03/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực tế hiện nay cho thấy việc áp dụng Điều 49 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung 2014) về tạm đình chỉ thi hành án chưa thực sự có hiệu quả và theo đúng tinh thần của các quy định pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự năm 2014 có hiệu lực từ 1.7.2015 đã khắc phục được nhiều bất cập, vướng mắc sau 6 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008.

Tuy nhiên, để các quy định pháp luật về THADS nói chung, cũng như việc áp dụng các quy định tạm đình chỉ trong quá trình tổ chức thi hành án có hiệu quả, có căn cứ thì việc tháo gỡ những vướng mắc là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự.

Thực tế hiện nay cho thấy việc áp dụng Điều 49 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung 2014) về tạm đình chỉ thi hành án chưa thực sự có hiệu quả và theo đúng tinh thần của các quy định pháp luật. Theo đó, có hai trường hợp tạm đình chỉ thi hành án gồm: thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; và thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án (trường hợp ít xảy ra).

Đối với trường hợp thứ nhất, từ Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (Điều 286, 307) đến Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Điều 332, 354) đều quy định về việc người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó đến khi có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ thi hành án như nêu trên cho thấy, các nhà làm luật đã nhận thức rất rõ việc tạm dừng tổ chức thi hành án bản án hoặc quyết định của Toà án nhằm tránh phải giải quyết các hậu quả phát sinh nếu tiếp tục thi hành án, bảo đảm quyền lợi ban đầu của các bên trong vụ án.

Tuy nhiên, quy định này lại bị phủ định bởi một số các quy định khác. Cụ thể, trước khi sửa đổi, bổ sung Luật THADS 2008 thì tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 4.3.2010 về bán đấu giá tài sản có quy định trong trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần, hoặc huỷ bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ các quy định của pháp luật, thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá.

Cho đến nay, các quy định trên đã được đưa vào Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) tại Điều 103 về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án.

Theo quy định, trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị huỷ thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị huỷ theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thoả thuận khác.

Như vậy, trong những trường hợp Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định tạm đình chỉ việc thi hành án, thì cơ quan Thi hành án dân sự vẫn có thể tiếp tục thi hành, cụ thể là tiếp tục giao tài sản cho người trúng đấu giá (theo đúng quy định pháp luật).

Trên thực tế, khi xảy ra trường hợp trên thì thường có hai luồng ý kiến: luồng ý kiến thứ nhất ủng hộ tiếp tục việc giao tài sản cho người trúng đấu giá; và luồng ý kiến thứ hai là tạm đình chỉ thi hành toàn bộ quyết định thi hành án. Chính vì vậy, việc thi hành án sẽ bị các bên đương sự cũng như người trúng đấu giá khiếu kiện kéo dài vì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên- nhất là người trúng giá, khi không được giao tài sản dù  đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng.

Ông Thành Văn Trạc, Cục phó Cục THADS tỉnh cho biết, những quy định như đã nêu trên thực sự gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án mà các cơ quan chức năng chưa thống nhất được phương án giải quyết. Cần chặt chẽ hơn đối với các quy định về tạm đình chỉ THADS là cần thiết, nhằm giải quyết những vướng mắc cho các cơ quan áp dụng pháp luật.

Đức An

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục