Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không còn những mảng xanh lúa, không còn những giống loài chim hoang dại hiền lành kia sẽ không còn tương lai cho một thành phố sinh thái nữa! Đừng để mất đi quá nhiều trước khi phải phục hồi, làm lại từ đầu.
Năm trước, tôi đã từng đứng lặng ngắm nhìn một cái ao hoa súng tím ở Bàu Năng. Giờ, người ta đã lấp gần xong cái ao rồi, chỉ còn một khoảng nước bằng vài ba tấm chiếu. Vậy mà những chùm bông súng còn lại vẫn hớn hở xoè lá, chúm chím nụ cười hoa trên làn nước rung rinh. Chúng vô tư vì chẳng biết phận mình sẽ sống thêm vài giờ, hay một hai ngày nữa. Nghĩ lại mà thương cho những phận “hoa hèn”.
Năm nay, gần cuối tháng ba, tôi lại thêm một lần lặng đứng trước một mảnh ruộng xanh lúa Đông Xuân đang “thì con gái”. Đứng lặng! Vì ngạc nhiên quá đi. Lúa đang mởn mơ xanh mà hai chị chủ ruộng đã mang liềm ra cắt. Hỏi thì họ bảo:- Ruộng đã không còn nước, để thì lúa cũng sẽ chết khô. Thôi thì cắt đem cho bò ăn, khỏi phí. Chừng đã mỏi tay, hai chị gác liềm tạm nghỉ. Tiện thể, một chị ngao ngán nói thêm:- Nhưng bò cũng chẳng thèm ăn, vì lá lúa đã khô nên ráp và sắc lắm. Đành để khô thành rơm.
Vậy mọi khi nước lấy ở đâu? Tôi hỏi. Chị chủ ruộng bảo:- có con mương dẫn nước từ kênh vào, nhưng mấy khoảnh ruộng chung quanh người ta đã san lấp đầy lên, nước không chảy vào được nữa. Vậy cũng đành bắt chước họ mà bỏ lúa, đợi có người hỏi mua để san lấp, bán nền, phân lô… Vài bữa sau quay lại, quả nhiên thửa ruộng còn đang xanh ấy đã chăng dây chia lô và được lấp đất một phần kề ngay con đường hẻm.
Thấy mà thương! Những cây lúa non đang chuẩn bị trổ đòng, bỗng nghẹn lại vì thiếu nước. Rồi chưa kịp khắc khoải để sống tiếp, chúng đã bị chôn vùi dưới những tầng đất chở về từ nơi khác. Vậy là từ nay, không chỉ “cỏ nội hoa hèn” bị chà đạp trong cơn sốt đô thị hoá, mà ngay cả những mảng ruộng xanh ngời sắc lúa cũng sẽ bị xoá sổ. Thay vào đó là những nền đất tôn cao nham nhở, bạc màu.
Mà chuyện này chẳng phải ở xa đâu! Đấy là ở một hẻm đường Tua Hai, thuộc khu phố 3, phường 1. Trong câu chuyện của vài người chủ ruộng, không hề thấy bóng dáng của cơ quan quản lý đất đai. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên thôi. Đất chung quanh ai cũng đã lấp đầy. Vậy thì mình cũng lấp. Ai hỏi mua thì bán. Nghe đâu lấp xong, giá đất cao gấp 4- 5 lần. Thế thì ai mà không ham. Nhà nông cũng chuyển sang làm quy hoạch.
Báo Tây Ninh suốt một tuần qua có nhiều bài viết về cơn sốt giá đất đai đang rập rình đe doạ sự bình yên của đất và người. Tôi chợt nhớ, mới cuối năm ngoái đây thôi, khi theo chân các đại biểu dự khánh thành khu khách sạn và shophouse của Tập đoàn Vingroup trên đại lộ 30.4, lên tới tầng 21 khách sạn 5 sao nhìn xuống là cả một thành phố Tây Ninh xanh mơ mộng như trải dưới tầm nhìn.
Mà cũng chẳng cần lên cao tới đấy, chỉ lên đến tầng 10 của các toà nhà như khách sạn Victory hay sân thượng Cục Thuế tỉnh… là đã thấy các mảng xanh, mảng vàng của lúa. Rồi những vườn dừa, vườn cao su, vườn tràm đậm đà xanh giữa lòng Thành phố. Liệu có lúc nào đó, những mảng xanh ấy mỗi ngày mỗi co lại như tấm da lừa trong truyện của Honoré de Balzac? Ôi thành phố trong vườn, thành phố sinh thái, thành phố đáng sống… mà người ta từng thuyết trình trong các bản quy hoạch đẹp đẽ kia rồi sẽ ra sao?
Mà không chỉ trong nội ô Thành phố thôi đâu! Nạn san lấp, phân lô bán nền đã lan ra cả các vùng ngoại ô Thành phố. Như ở Hiệp Tân hay Thanh Điền đoạn ven quốc lộ 22B đã thấy dày đặc những trụ bê tông cắm mốc phân lô trên các mảnh đất ngập nước đang là ruộng nhút, ao sen. Nơi ấy vẫn còn các bầy cò trắng bay về, nhưng chúng đã phải ngập ngừng khi sà xuống tìm chỗ đậu.
Còn những loài chim bìm bịp, gà nước, ốc cao… sẽ trôi dạt về đâu? Không còn những mảng xanh lúa, không còn những giống loài chim hoang dại hiền lành kia sẽ không còn tương lai cho một thành phố sinh thái nữa! Đừng để mất đi quá nhiều trước khi phải phục hồi, làm lại từ đầu.
NGUYỄN