Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau những rung cảm về thiên nhiên, con người, hôm nay bỗng nhiên lòng tôi lại tràn đầy cảm xúc về máy móc.
Ôi chà! Cả một đề tài lớn đây, mà một cá nhân, một góc nhìn thì nói sao cho hết. Thôi thì biết gì viết nấy, âu cũng có vài chuyện vui vui về máy móc ngày nay.
Thời con người phát minh ra đầu máy hơi nước đã quá lâu rồi. Cùng với nó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Và đến nay đã là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà mọi người quen gọi là 4.0. Những chiếc máy bay có lịch sử hơn 100 năm vẫn còn bay ngang dọc bầu trời. Báo đưa tin:- sẽ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để đón 50 triệu lượt khách mỗi năm trong vài năm tới. Diễn biến công nghệ nhanh đến nỗi, đường Trường Sơn qua Tây Ninh mới làm xong cây cầu vượt, đã phải tạm dừng để nghiên cứu lại phương án làm đường cao tốc v.v…
Xa chẳng dám bàn nhiều, thôi cứ nhìn vào đô thị và nông thôn Tây Ninh là đủ thấy. Đồng quê nào cũng máy gặt đập liên hợp chạy băng băng. Rồi máy cày, máy xới và máy cấy. Tôi còn mãi ấn tượng về cậu bé Kha ở Bến Đình. Năm 13 tuổi, cậu đã lái xe chở lúa tự chế, xuống phà (cũng tự chế) qua bên cánh đồng Long Vĩnh.
Ở đấy, cái xe giống hệt chiếc xe tăng của cha con cậu hùng dũng chở hai tấn thóc chạy băng băng. Gặp lại năm cậu 17 tuổi. Hỏi xe ấy đâu. Trả lời:- Lạc hậu, bỏ xó rồi! Hiện cậu đã sử dụng các đời máy cao cấp hơn, có thể vừa cày, xới; khi cần lại gặt đập liên hoàn và chở lúa.
Nói về máy móc ở Tây Ninh, không thể không nhớ tới các anh Nguyễn Công Danh và Trần Quốc Hải ở Tân Châu. Sau giấc mơ bay lên bầu trời bằng trực thăng tự chế… không thành, anh Hải đã chuyên tâm cải tiến và sáng chế nhiều loại máy móc dùng cho nông nghiệp. Năm nào anh cũng được trao vài ba giải thưởng trong Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh nhà.
Năm ngoái là máy thổi lá cao su, hay máy chế biến củ mì? Tôi không còn nhớ rõ. Nhưng, xem HTV7, mới biết giấc mơ bay của các anh đã có người khác kế thừa. Cũng ở một tỉnh miền Đông và máy bay của họ đã bay lên khỏi mặt đất. Nghĩa là đã rất gần rồi, cái ngày mà máy bay tự chế bay đi rải phân bón, thuốc trừ sâu, như là mơ ước của các anh từ những ngày xưa…
Thời đại máy móc nên nông dân Tây Ninh có một nghề mới chưa thấy ghi tên trong danh mục các ngành nghề. Đấy là nghề chở máy đi làm thuê. Đồ nghề là chiếc phà tự chế chở theo một máy công cụ. Nơi nào có yêu cầu? Điện thoại. Là chiếc phà chở cỗ máy thích hợp sẽ cập bờ gần nhất. Máy sẽ làm đủ chuyện, từ đào ao, vượt đất nền; cải tạo đất chuyển đổi cây trồng… hay đơn giản nhất là khai thác đất (như Báo Tây Ninh ngày 8.10 đã có bài phản ánh).
Còn ở Thành phố và các khu công nghiệp? Chắc là sẽ cơ man máy móc mà người bình thường khó có thể hình dung. Bởi trong những nhà xưởng mênh mông bằng cả sân bóng đá kia, có biết bao chiếc máy công cụ đang rì rầm hoạt động. Có lần tôi được vào xem, thấy những cỗ máy cắt vải cứ uốn lượn nhẹ những đường cong trên những chồng vải dày cả tấc. Rồi những dây chuyền máy dài ra vô tận; những băng chuyền trôi lơ lửng giữa trần cao…Thật là chẳng biết thế nào! Chỉ còn lại cảm giác ngạc nhiên và choáng ngợp.
Ở Thành phố, ngay cả cái nghề tưởng sẽ bền bỉ thủ công nhất là xây dựng nay đã có nhiều đổi khác. Nổi bật nhất chắc là hai cụm cần cẩu tháp ở công trường nhà ở xã hội Hoàng Quân và khu khách sạn 5 sao, shophouse của Vingroup.
Cụm bên Hoàng Quân thì tháp cẩu đứng chết lặng đã lâu, bên 5 sao thì lừng lững 25 tầng cao đang hoàn thiện đã che khuất cần cẩu tháp. Còn vô số các loại máy thi công cầm tay cùng công nhân ở khắp các tầng cao. Tại các công trình nhà ở của dân, ở đâu cũng thấy cái vòi dài ngất nghểu của máy trộn, đổ bê tông màu đỏ chót.
Bạn tôi, một cư dân mạng, lại đang lo cho mấy cô em là giáo viên có nguy cơ bị cắt giảm biên chế giữa chừng. Bởi dạo này lại rộ lên phong trào học trực tuyến qua mạng, hoặc học từ rô-bốt. VTV1 vừa qua đã có nhiều tin bài về máy đào tiền. Thấy bảo, cứ đầu tư đi, 5.000 USD một máy. Lãi suất cao tới 300%, chẳng mấy chốc vốn được thu hồi. Còn sau đó thì cứ đào tiền (ảo) mà ăn đến cuối đời. Tiền chưa thấy đâu, mà mấy ông chủ (bán) máy đã lặn mất tăm tích.
Cái máy gây kinh hoàng nhất mấy ngày qua là cái máy huỷ giấy của một ông hoạ sĩ tài ba. Bức tranh của ông được nhà bán đấu giá quốc tế bán 1 triệu USD (tiền thật). Vậy mà khi tiếng cồng báo đấu giá thành công, bất ngờ cái máy huỷ giấy gài sau tranh của ông họa sĩ hoạt động, xé tranh thành ngàn vạn mảnh. Ông này đã coi 1 triệu USD là cỏ rác, chứ quyết không để tranh của ông làm của riêng cho một người nào.
NGUYỄN