Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Mây nước Thanh Điền
Thứ sáu: 11:29 ngày 31/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Có lẽ chẳng có xã, phường nào của tỉnh ta sánh được với Thanh Điền về tài nguyên nước. Từ quốc lộ 22B phía Mít Một đi qua, khỏi cầu Hiệp Hoà sang đất Thanh Điền đã thấy hai bên miên man ruộng nước xen lẫn những đầm sen.

Chẳng biết tháng ba là cái tháng gì đây, mà nhiều người thương nhớ thế! Hầu như nhà thơ nào cũng có bài thơ tỏ bày về cảm xúc tháng ba. Ngoài Bắc thì thơ ấy thế nào cũng có hình ảnh bông hoa gạo đỏ. Còn trong Nam, tháng ba đủ các loài hoa nên rút cuộc, có lẽ các nhà thơ còn… lúng túng chưa chọn được thứ hoa nào làm biểu tượng cho tháng ba thương nhớ.

Liên Hợp Quốc cũng có đến mấy ngày tháng ba kỷ niệm. Nào 20.3- Ngày Hạnh phúc, nào 22.3- Ngày Nước thế giới, 23.3- Ngày Khí tượng. Cái băng-rôn treo ở góc công viên 30.4, thành phố Tây Ninh cho ta biết thêm chủ đề năm nay là: “Hiểu biết về mây”. Với tôi, đấy toàn là những ngày kỷ niệm mới tinh khôi. Bởi xưa nay, chỉ nhớ được 8.3 là Ngày Quốc tế phụ nữ, cần phải mua hoa tặng những người phụ nữ ta quen; đàn ông có gia đình thì nên cơm nước, rửa bát, quét nhà… thay cho vợ. Nhớ thêm ngày 26.3 kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Bạn nào còn đang sinh hoạt Đoàn thì nhớ mặc cho chiếc áo màu xanh tình nguyện, và hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện.

Nói thêm về ý nghĩa những ngày tôi mới biết. Như Ngày Hạnh phúc- nhằm vào ngày xuân phân, nên 24 giờ được chia đều ra hai nửa bằng nhau cho đêm và ngày. Đêm thuộc về âm, ngày thuộc về dương nên người ta bảo đây là ngày cân bằng tuyệt đối. Nhờ thế mà ngày ấy được tôn xưng là Ngày Hạnh phúc. Thế mới thấy lo cho xứ mình đây, thưa bạn! Thấy bảo nhiều nơi ở nước ta “mất cân bằng giới tính”, các bé gái ít hơn bé trai tới 12%. Vậy tới đây chẳng biết làm sao cho âm dương của xã hội được cân bằng. Chẳng lẽ lại chịu cho 12% đàn ông thành ra “ế vợ”?

Thôi, chuyện ấy đã có các uỷ ban, các hội đồng lo toan tính toán cả. Xin trở lại với chuyện về ngày nước, ngày mây trên một miền quê nho nhỏ- Thanh Điền.

Về nước. Có lẽ chẳng có xã, phường nào của tỉnh ta sánh được với Thanh Điền về tài nguyên nước. Từ quốc lộ 22B phía Mít Một đi qua, khỏi cầu Hiệp Hoà sang đất Thanh Điền đã thấy hai bên miên man ruộng nước xen lẫn những đầm sen. Mùa này thêm nhiều khoảnh ruộng có bông rau nhút vàng tươi lấm tấm. Theo tỉnh lộ 786 đi từ Bến Cầu về, qua khỏi cầu Gò Chai là đã thấy đất Thanh Điền luênh loang nước bạc hai bên đường, dưới những cầu kênh 2, kênh 1. Đôi chỗ là hoa súng tím rập rờn. Cũng theo quốc lộ 22B, từ Tân Biên trở về, qua Thanh Điền sẽ gặp Bàu Phi, một vùng có tới 5- 6 hec-ta mênh mông nước.

Nhưng đấy mới chỉ là ở phía “mặt tiền”. Còn mặt hậu của Thanh Điền kia mới thật sự là “vương quốc của thuỷ tề”. Một bên phía Tây là mênh mông mặt nước Vàm Cỏ Đông. Còn bên Đông xã là thong dong một dòng chảy rạch Tây Ninh ra tới sông Vàm Cỏ. Hỏi có nơi đâu có thế đất, hình sông mượt mà như thế chứ! Thanh Điền lại kề bên thành phố Tây Ninh. Hay là tại gần nhau quá nên đã quá quen để không nhận thức đúng những giá trị về nhau? Chứ lẽ ra Thành phố và Thanh Điền phải có mối liên kết gắn bó đặc biệt với nhau, nhất là về các mặt bảo vệ cảnh quan, môi trường, xã hội nhân văn và du lịch.

Đã nói về nước cũng nên bàn đến chuyện mây một chút. Các nhà khoa học phân loại mây thành nhiều dạng, cũng phân tích ra hơn chục hình thế của mây. Bài học phổ thông năm xưa tôi còn nhớ được mấy cái tên: mây tầng, mây ti, mây tích… Phổ biến nhất ở Thanh Điền như tôi thấy là trời xanh mây trắng. Có lúc mây giạt xô như từng con sóng, có khi mây xếp hình như vẩy tê tê. Nhưng thường thấy nhất vẫn là mây bồng bềnh, trắng muốt như bông từng đám. Và ở một xứ nhiều sông nước, mây cũng nhiều- ít ra là gấp hai lần nơi khác- một nửa trên trời và nửa trôi lờ lững trên sông.

Đất Thanh Điền có thế mạnh về sông, nước. Người Thanh Điền lại cần cù sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Nên thỉnh thoảng trở lại rạch Tây Ninh phía Thanh Điền lại thấy cảnh quan có phần biến đổi. Như bữa ra bờ rạch phía sau gò Cổ Lâm, bỗng thấy ai đó đã đào cả một cái hồ vuông giáp liền bờ rạch trên đó có trồng cây cọ dừa ngay ngắn bao quanh. Khoảng giữa tháng ba này, ra gò Mít Mọi bỗng nhiên choáng ngợp trước mặt một cái hồ bao la, sững sờ mây trắng.

Hỏi thì người dân địa phương bảo đấy là hố khai thác đất của một ông chủ ở Long Hoa. Nay đất đã lấy xong, để lại cái hồ sâu tới gần 10 mét. Tôi còn gặp một con phà chở máy đào đi đào thuê cho chủ đất ở gò Lớn thuộc ấp Thanh Phước. Những nơi này, như đã kể- chỉ là mặt hậu của xã nên chỉ có trời mây, sông nước, cánh đồng, ít người biết được.

Biết rồi, về nhà lại vắt tay lên trán. Tự hỏi rằng những chuyện này liệu có ảnh hưởng gì đến con rạch Tây Ninh đầy thương mến hay không? Có lẽ các cơ quan bảo vệ môi trường cũng nên để mắt tới xem một chút. Âu cũng là chuyện giữ gìn đến muôn năm, cho cảnh quan, mây và nước Thanh Điền. 

NGUYỄN 

Tin cùng chuyên mục