Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mẹ, con trai và Vu lan
Thứ bảy: 01:01 ngày 16/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đem con về mẹ, xin cho con học ở ngôi trường gần đấy. Tôi đi làm, nôn nóng về và dành hết thời gian cho con. Bằng cách này hay cách khác, tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là cho con cảm giác an toàn để học hành, vui chơi, tôi muốn con được hưởng thụ trọn vẹn tuổi thơ, tôi muốn làm tất cả để bù đắp tuổi thơ con.

1. Sau ly hôn, tôi chọn sống trong ngôi nhà cũ, sát vách nhà chồng (vừa mới cũ), bỏ qua mọi cảnh báo, chấp nhận mọi sự bất tiện về tinh thần vì muốn giảm tối đa tổn thương “tan đàn xẻ nghé” cho con. Nhưng dù đã cố gắng hết sức cũng chỉ được mấy năm, dần dà, tôi nhận ra quyết định đó là nông cạn, không ổn một chút nào. Con trai là con chung, là cháu đích tôn của nội. Tôi nuôi con nhưng không được quyền giáo dục theo cách của mình.

Tôi thương con, nội thương cháu. Tình thương không có lỗi. Lỗi là giữa tôi và gia đình anh bất đồng trong cách giáo dục trẻ. Nên khi con trai bảo muốn sống với ông bà nội thì tôi giật mình. Đương nhiên, nếu phải lựa chọn giữa chiều chuộng, được chơi theo ý muốn với học hành, rèn luyện thì thiên đường của trẻ vẫn là chơi. Không được, tôi hối hận với cái quyết định sợ con tổn thương nên nghĩ đến phương án phải rời bỏ căn nhà mình đã đổ mồ hôi nước mắt gây dựng, dắt con về quê, tá túc nhà cha mẹ ruột.

Đem con về mẹ, xin cho con học ở ngôi trường gần đấy. Tôi đi làm, nôn nóng về và dành hết thời gian cho con. Bằng cách này hay cách khác, tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất là cho con cảm giác an toàn để học hành, vui chơi, tôi muốn con được hưởng thụ trọn vẹn tuổi thơ, tôi muốn làm tất cả để bù đắp tuổi thơ con.

Những ngày đầu, con đi học về là ôm ti vi, tôi ái ngại nhiều. Tôi khuyến khích đi chơi, con nói chẳng biết đi đâu. Con trai nói bằng giọng bình tĩnh mà nghe nẫu ruột. Hẳn con đang cô đơn đây. Nhà ngoại thường về nhưng chỉ để chơi giây lát, giờ về ở hẳn đã thành chỗ mới. Khi thực hiện chuyển nhà, tôi đã rất lạc quan. Được ở với bà ngoại thì yên tâm rồi, một con vật cũng được yêu thương. Nhưng giờ nghĩ lại thấy bất an.

Ông bà ngoại người đã cán mốc, người gần chín mươi. Già lắm rồi, làm sao quản được thằng cháu hiếu động tuổi mười ba. Thêm phần mẹ trẻ cũng bất túc, thân ốm yếu một mình nuôi con, đi làm xa nhà. Công việc bề bộn cộng thêm sự cách biệt về giới khi con trai đang vào kỳ “nổi loạn”.

Sợ con cô đơn, ấm ức sau đổ vỡ của người lớn rồi sa đà vào game online, ta tụ lêu lổng với bạn bè hay cái gì đó tương tự mà nhiều đứa trẻ cùng cảnh ngộ đã dính. Nhưng giám sát con hết ngày này sang ngày khác là một việc bất khả nên nỗi lo càng nhân đôi. Và nỗi lo không phải nhân đôi mà nhân lên tới n khi mẹ thấy con bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng.

 2. Mang con từ núi về thị xã, liệu có sai lầm khi việc học của con ngày càng sa sút. Tôi trọng học vấn, luôn cố tạo điều kiện để con phát triển con đường chữ nghĩa. Nhưng đâu phải cứ muốn là được. Cu Bảo hồi nhỏ học hành sáng sủa nhưng bây giờ giáo viên phản ánh giảng nhiều hiểu ít, điều đau khổ nhất là không thấy hứng thú với việc học. Buồn tan tác. Nhưng giờ làm sao, mình đâu thể học giùm con được, cũng đâu thể gí súng vào lưng bắt con học. Học mà o ép, áp lực thì tội tuổi thơ con quá. Con chắc cũng muốn đầu óc thông minh, học đâu hiểu đó, cũng muốn cuối năm được nhận giấy khen, phần thưởng, để mẹ hãnh diện chia sẻ kết quả học tập lên facebook chứ đâu muốn tối bụng, học dốt. Nghĩ vậy, có nghĩa đã làm xong công tác tư tưởng cho mình. Khởi niệm chuyện chữ nghĩa “tuỳ duyên”, từ nay sẽ nỗ lực muốn gìn giữ phần hồn cho con.

Rồi một hôm đi dạy về, tôi nhìn thấy trong hóc nhà có một cái tàn thuốc. Kinh ngạc, tôi hỏi thì ông ngoại bảo nhà không có khách. Vậy thuốc lá ở đâu ra? Bỗng nhớ lại tuần trước tôi phát hiện trong nhà vệ sinh cũng có mấy cái tàn thuốc.

Lúc đó không thắc mắc, tại nghĩ chắc nhà có cậu nào đó về chơi. Nhưng lần này, tôi có cảm giác bất an. Nghĩ ngợi một lát thì nhớ ra hôm trước đang dạy (lớp 6) thì một em học sinh đứng dậy thưa: Thưa cô, bạn Y Mài hút thuốc, ngồi bên hôi lắm! Tôi hỏi thì Y Mài nói ba mẹ đi làm xa, em đang sống với bác, em biết hút thuốc từ hồi lớp 3 và ngày nào cũng hút, cả nhà đều biết chuyện đó. Cô giáo nghe học trò trình bày mà hoảng hồn. Hút nhiều như vậy thành nghiện rồi còn gì.

Tôi giảng giải em nghe và có báo giáo viên chủ nhiệm. Nhớ chuyện hút thuốc của em Y Mài, tôi giật mình, bèn gọi con trai lên nhà trên, không có vẻ gì nghiêm trọng, tôi hiền lành hỏi: Con đang tập hút thuốc hả? Không có đâu mẹ! Vậy điếu thuốc trên bàn là của ai? Con không biết! Thôi, đừng quanh co nữa, nói thật thì mẹ sẽ không la, vì chỉ cần ngửi miệng con mẹ sẽ biết có hút thuốc hay không nên đừng nói dối. Con trai đứng một lát rồi thú nhận, con đang tập hút thuốc. Hỏi là để xác nhận điều nghi ngờ nhưng khi con thừa nhận đang tập hút thuốc, tôi sốc.

 Tôi là cô giáo, tôi rất quan tâm tới sở thích, trò chơi của con, đặc biệt nhà chỉ hai mẹ con nên tôi theo dõi con rất sát, vậy mà con trai vẫn lén mẹ hút thuốc. Tôi giận tới mức bốc hoả, không biết phải làm sao, tôi khóc và gọi điện tới một người bạn mà tôi tin tưởng để nhờ anh ấy tư vấn. Anh bảo hãy bình tĩnh nói chuyện với con, đừng nghiêm trọng hoá sự việc, con trai tò mò, muốn khám phá, đừng giận quá mà làm con hoảng sợ rồi phản tác dụng. Tôi nghe bạn, một người đàn ông từng trải nói mới thấy nguôi nguôi.

Rồi hôm sau nữa, sáng ra lấy tiền đi mua đồ ăn sáng, tôi sững người vì phát hiện đã mất tờ tiền một trăm ngàn. Không thể nhầm được, bởi chiều hôm qua đi làm về, ví chỉ có hai tờ tiền đó, giờ còn một. Tôi ngẩn ngơ. Nhà chỉ tôi, ba mẹ và con trai. Tôi gọi con lại:

- Mẹ biết, tính con xưa giờ không dám đụng vào ví của mẹ. Nhưng nói thật, chiều hôm qua mẹ mất một trăm ngàn, và mẹ nghĩ, chắc con đã hiểu lý do khi mẹ nói điều đó với con.

Con trai còn ú ớ, tôi nói luôn:

- Con không được phép nói dối. Sai thì nhận và sửa sai, mới mong được tha thứ!

Con trai xin lỗi mẹ. Tôi hỏi tiền đâu, vẫn ú ớ không chịu nói, tới chừng mẹ đòi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm mới khai đã mua một số thứ cho mình và cho cả bạn bè. Chuyện dừng ở đó.

 Mấy ngày hôm sau, giữa hai mẹ con vẫn không có cuộc chuyện trò vui vẻ nào. Tôi ghê gớm giận. Giận con dại khờ, giận mẹ kém phước, hết lòng yêu thương lo lắng nhưng con lại sớm sinh hư. Càng buồn hơn khi lần phạm tội đầu đời của con lại đúng vào tháng bảy có ngày Vu lan. Nếu xem truyền hình, đọc báo hay nghe ai đó nói gì về chuyện hoa hồng cài ngực, về mùa báo hiếu thì mắt tôi lại ngấn nước. Con trai chắc thấy mẹ buồn nên thường lén nhìn, nhưng vẫn không dám nói gì.

 3. Nhà bà ngoại trước cổng chùa, chệch một chút về phía phải. Chùa nhỏ, có từ hồi tôi mới đẻ nhưng nay được sửa sang nên thay đổi nhiều. Một hai chủ nhật trước, con xin lên chùa chơi với mấy anh chị, tôi nghĩ chùa chiền là nơi an toàn nên yên tâm. Nhưng phải thực sự yên tâm khi đã thu xếp lên chùa quan sát, muốn “mục sở thị” xem lũ nhỏ bày trò gì trên chùa. Hôm ấy tôi chứng kiến trò chơi “Đường tới Vườn Lam” do các anh chị trong Gia đình phật tử tổ chức cho các em nhỏ.

Trước mắt các em là màn hình và những câu hỏi và những phần quà bọc giấy hoa. Câu hỏi mở, đầy đủ các kiến thức thuộc tất cả các môn học của các em trong nhà trường. Tôi rất ấn tượng với trò chơi bổ ích này. Những thanh niên nhiệt tình mang tâm Phật, vào cuối tuần, tổ chức đều đặn cho các em nhỏ nhiều chương trình bổ ích, chú trọng rèn kỹ năng sống. Tôi chủ động liên hệ với anh phụ trách, gửi con trai theo sinh hoạt, hy vọng những trò chơi bổ ích ở sân chùa sẽ làm hiền lại những cơn loạn tuổi mới lớn.

*  *  *

Sáng hôm đó, đúng rằm tháng bảy, khi tôi dắt xe đi làm, con trai chạy ra cầm đuôi xe, nói nhỏ nhẻ:

- Mẹ, đây là giấy mời, huynh trưởng Hân mời mẹ tối nay lên chùa, tham dự chương trình Món quà Vu lan của Gia đình phật tử chùa Cảnh Long. Tôi vẫn chưa muốn cười với con (muốn phạt thêm cho nhớ) nhưng nể huynh trưởng Hân đã tận tình với các em nhỏ nên gật đầu. Bụng nghĩ, mười ba tuổi, lần đầu con biết đến Vu lan.

Đêm đó tôi lên chùa, cũng vừa lúc đêm Tri ân mẹ được bắt đầu. Bài hát “Hoa hồng cài áo” do một bé gái hát, rất xúc động. Rồi tới chương trình cài hoa lên ngực áo và đến một bé khác, nói cảm tưởng về ngày Vu lan, về sự bao la của tình mẹ, về chữ hiếu về đạo làm con.

Sau bài phát biểu, những cô bé cậu bé quay ra sau, tìm mẹ của mình để dâng những món quà. Và tôi, được con trai tặng cho một ngôi nhà nhỏ nhắn và xinh đẹp, được kết bằng rất nhiều những cái ống hút. Cầm món quà trên tay, nghĩ đến ao ước tằn tiện để có một ngôi nhà nhỏ cho hai mẹ con, nghĩ tới tờ tiền bị mất, tôi kéo con vào lòng, rớm nước mắt...

Nguyễn Thị Bích Nhàn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục