Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mẹ, hoành hoạch và cây trứng cá...
Thứ bảy: 05:19 ngày 15/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện lên trong trí tưởng của Bi là một… tàn cây trứng cá to đùng sừng sững, mướt xanh! Thấp thoáng dưới vòm xanh kia là những bóng hoành hoạch áo xám nâu đi về tất tả không ngơi.

Lì lợm lắm, cái lũ hoành hoạch ấy. Chẳng biết sợ người là gì. Mà chúng đánh hơi tài thật, cứ buồng chuối nào có quả chín bói là tích tắc chỉ vài giờ sau - y như rằng chúng… có mặt! Và đục, và khoét, ngốn ngấu, ực từng miếng to. Cứ mỗi ực trôi xuống đến diều chúng lại ngửa cổ, chép chép miệng, mắt lim dim đầy vẻ mãn nguyện! Không riêng chuối, bất cứ giống cây ăn quả nào trong vườn cũng đều thành “đối tượng”.

Hết mãng cầu đến ổi, mít, sơ ri, mận và v.v. Mẹ thật đến khổ khi cứ phải tất bật trông chừng đám “trộm ngày” mẫn cán, không làm mà cứ nhăm nhăm chờ “thu hoạch” kia...

May, mẹ còn có cu Bi. Cu Bi không bận việc đồng áng, cơm nước, giặt giũ gì nên ngoài giờ học (ở trường) và làm bài (ở nhà), Bi ta khá rảnh rỗi. Vậy là Bi vinh dự được mẹ giao thêm chân trực ban chống trộm… hoành hoạch khi mẹ bận. Sẵn lòng thôi, cu Bi vốn “máu” hiệp sĩ, siêu nhân và những gì có mùi… hảo hán, nhiệm vụ này đương nhiên rất hợp. Kiếm nhựa, gậy “Tề Thiên” và vài “quân trang” linh tinh được dịp theo Bi đi làm nhiệm vụ. Bi còn muốn trang bị thêm cái ná cao su cho “khí thế”, nhưng mẹ cấm. Thôi, cũng đành…

Cây trứng cá to đùng ở góc vườn chiếm non vài chục mét vuông đất. Nó phải bằng tuổi cu Bi là ít. Bởi, từ lúc biết “nhìn ra thế giới”, Bi đã thấy nó sừng sững. Choán đất quá! Nhiều người bảo. Đúng choán đất thật. Chả có giống gì mau lớn lại còn tàn to cây rậm như trứng cá. Vạt đất ấy có thể dung thân cho hàng chục khóm chuối hoặc vài ba cây ổi đại.

Chuối, ổi thì ăn ngon, lại bán ra tiền. Còn trứng cá, ăn chơi thì được chứ bán ai mua? Mà ngay cả muốn ăn cũng cực: trái bé tẻo, tàn lại cao; ăn trái rụng thì mất vệ sinh; còn trèo hái ư, có mà no đòn với mẹ. Mẹ đánh là có lý bởi cành trứng cá giòn lắm. Vừa giòn vừa yếu. Khối vụ tai nạn do trẻ con trèo hái trứng cá còn rành rành kia! Vậy, muốn ăn, chỉ còn có đường khều.

Mà khều thì… biết bao giờ ăn cho đã? Công bình, hương vị trứng cá chín không tệ, nhưng bất tiện khi ăn, lại chẳng lợi lộc gì về kinh tế. Trồng cây khác thôi. Hàng xóm bảo. Trồng cây khác thôi. Con cái ở nhà cũng bảo. Mẹ cứ ừ, gật, cười cười, nhưng sau đó vẫn… chẳng có gì thay đổi. Cây trứng cá cứ hiên ngang, sừng sững, xanh rì tứ thời bát tiết. Chỉ đầu mỗi mùa mưa bão, mẹ mới bắc thang rong bớt nhánh cành. Cho khỏi đổ… mẹ bảo.

Cu Bi thì trông nó… đổ quách để mẹ đỡ mất công chặt. Để mẹ có thêm nơi mà trồng chuối, trồng ổi hoặc mía, mãng cầu. Có điều cái trông ấy của Bi cũng chẳng mấy “lập trường” bởi tính Bi hay quên. Khi bắc võng toòng teng dưới tàn cây trứng cá mát rượi những trưa hè - hay khi thưởng thức những trái trứng cá chín mọng, ngọt thơm - Bi ta chợt thấy… vô cùng yêu cây trứng cá. Thì còn phải hỏi, khắp vườn, có chỗ nào mát bằng gốc trứng cá? Có loại trái nào hấp dẫn, ăn mãi vẫn thòm thèm, lại ra trái quanh năm như trứng cá đâu…

*

Nhiệm vụ chống trộm mà cu Bi đảm đương kể ra cũng không phải dễ xơi. Cần phải có “nghiệp vụ” hẳn hoi. “Nghiệp vụ” đại khái gồm có: nấp kín (nơi những cây có quả chín), chờ lũ “trộm” xuất hiện; sau đó bất thần lao ra, huơ gậy (hoặc vung gươm) hò la khiến chúng phát hoảng.

Mới đầu cũng khá hiệu quả, “hù” một lần là chúng hết bén mảng, hàng tiếng đồng hồ sau mới dám mon men. Nhưng lâu dần “lờn thuốc”, đám hoành hoạch bắt đầu “lầy đây”. Nhiều bữa huơ gậy mỏi tay, gào khan cổ mà chúng cứ chờn vờn, đuổi trước vòng sau. Đã bảo: cái giống hoành hoạch lì lợm lắm. Giá mà có cái ná! Cu Bi thở dài, nhớ đến lần lén xài ná bị mẹ đét đít...

Nhưng thôi, không cần. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đã bảo: cu Bi vốn sáng dạ. Bi hì hục động não (non buổi) và đẻ ra cái sáng kiến cải tiến nghiệp vụ… đuổi trộm khá trứ danh. Đó là dùng cây “súng lon”. “Súng” này làm bằng vỏ lon đồ hộp; mặt lon buộc đồng xu đục lỗ, giữa luồn giây thun. Xoay đồng xu nhiều vòng cho giây thun xoắn lại như bện thừng. Bình thường, đồng xu nằm sát mặt lon, bị kẹt nên không xoay trả lại được.

Khi bóp “cò”, đồng xu bị đưa ra xa bắt đầu xoay trả, trượt trên mặt lon phát tiếng reng reng thành tràng giống hệt… súng liên thanh! Kiểu “súng lon” này rõ hiệu nghiệm, âm thanh “đáng sợ” hơn nhiều so với tiếng la xuỳ xuỳ (nghe chán ngắt) của cu Bi. Nhưng “đắc” hơn cả là nó giảm nhẹ lao động cho người bảo vệ: chỉ mỏi tay thay vì phải mỏi cả mồm.

Thừa thắng xông lên, cu Bi lại (hì hục thêm non buổi) đẻ thêm cái sáng kiến còn “siêu đẳng” hơn. Bi rảo một vòng quanh xóm thu gom vỏ lon đồ hộp, bia, cam, xá xị, coca về chất đống. May, giá phế liệu rẻ bèo không ai buồn bán nên cu Bi gom được khá. Xin tiền mẹ mua vài khoanh dây thép chỉ, Bi ta dùi thủng các vỏ lon, xỏ xâu và buộc nối từ cành này đến cành kia suốt lượt đám cây ăn trái trong vườn…

Coi giỡn vậy mà hay! Hễ trời nổi gió, lá cành xào xạc là đám vỏ lon lập tức khua động, va đập leng reng. Trò ấy khiến lũ hoành hoạch thất đảm, đố có “em” nào dám bén mảng khi có gió. Đương nhiên lúc không gió vẫn phải xài “súng lon” hỗ trợ. Nhưng mùa này gió hơi nhiều - có khi suốt sáng, thâu đêm - nên mẹ con cu Bi tha hồ rảnh rỗi! Nói đáng tội, lần cải tiến này của cu Bi đáng được cấp bằng sáng chế nếu không dính cái vụ - những đêm gió to - cả nhà đâm mất ngủ vì tiếng leng reng, xủng xoảng của đám vỏ lon giăng ngang mắc dọc ngoài vườn.

…Có điều treo đâu thì treo, mẹ cấm treo nơi cây trứng cá. Mẹ cũng không cho Bi múa may hù doạ hay nã “súng lon” nơi cây trứng cá. Lạ, nhưng thôi, tuỳ mẹ vậy. Cây trứng cá vẫn sừng sững, vẫn rậm rì tán xanh nơi góc vườn. Loáng thoáng những cánh chim hoành hoạch bay đi chao về. Loáng thoáng vài chiếc tổ tròn be bé, xinh xinh…

*

Bão.

Chỉ là bão rớt, không lớn lắm, nhưng tai hại là nó đến bất ngờ. Chẳng ai tin rằng tháng tư lại có bão. Vậy mà bão thật, lại đổ bộ vào ban đêm mới đau.

Mẹ con cu Bi trong nhà, nghe tiếng gió quăng quật đùng đùng bên ngoài mà ruột gan thon thót. Gió, thi thoảng lại kèm thêm tiếng thân cây vặn mình răng rắc, đổ ào theo một cú giật bất ngờ như muốn bứt tung, giở hổng cả căn nhà lên trên mặt đất. Mỗi bận thế, cu Bi lại ôm đầu, bịt tai, cố trốn thứ âm thanh khiếp đảm lần đầu tiên trong đời cu Bi nghe thấy.

Mẹ thì khác. Nghe răng rắc, mẹ lập tức dỏng tai, cố lắng nghe âm thanh cây đổ vọng từ hướng nào… Không, không nhận ra. Gió luồn lách, rền rĩ, xoáy tròn khiến mọi thứ cứ tung hê, đảo địa đảo đồng, chẳng biết đâu phương hướng…

Lo cũng vô ích. Đã vậy thì… thôi, ngủ! Mẹ thở dài, đưa cu Bi vào giường ngủ. Kéo chăn lên kín đầu, trong cơn lơ mơ thiếp ngủ, Bi vẫn còn nghe tiếng mưa, tiếng gió ầm ào văng vẳng, lúc gần lúc xa…

*

Xong đời cây trứng cá!

Vườn tược ngổn ngang, nháo nhào như bãi rác. Cây cối ngửa nghiêng, nhánh cành te tua giập nát. Có cây bị vặt trụi lá, nom co ro, thảm hại chẳng khác gì người bị lột xống áo, phơi trần giữa chợ trong tiết trời đông! Riêng cây trứng cá còn “bi kịch” hơn. Nó bật gốc nằm xoài, chỏng chơ như muốn khẳng định rằng: đã-hết-phương-cứu-vãn! Lỗi tại cái tàn cây quá lớn. Rễ trứng cá lại ăn nông, bám yếu. Đã bảo tại trời, không phải tại mẹ. Đang đầu hạ, ai đâu ngờ trời bão…

Cu Bi không giấu sự khoái chí. Bi tung tăng, lục lọi nhánh cành tìm các quả chín sót. Lác đác mươi tổ chim hoành hoạch tròn xoay như cái rổ bé lẫn trong đống lá cành giập nát. May, không tìm thấy chim non hoặc trứng vỡ. Chắc lũ hoành hoạch mẹ chưa kịp đẻ, hay chim non đã lớn, bay rồi…

Mẹ quan sát kỹ mấy cái tổ. Chưa đẻ! Con xem, tổ còn mới… Trán mẹ nhăn riết. Và nó càng nhăn hơn khi chiều đến, loáng thoáng những bóng chim hoành hoạch vừa hoàn hồn sau bão nhao nhác bay về…

*

Chẳng còn gì mà giữ. Sau bão, cây cối sẽ còn phải rất lâu mới có thể phục hồi, đơm hoa kết quả. Giờ thì, ngoài giờ học, cu Bi “hơi bị rảnh”. Kiếm, gậy “Tề Thiên” đều bị xếp xó. Cu Bi tha hồ muốn chơi gì tuỳ thích. Tự do kể cũng sướng, nhưng lâu lại đâm buồn…

Càng buồn hơn khi vườn giờ vắng ngắt vắng hoe, không bóng chim lai vãng. Sẻ, dộc, chào mào vắng đã đành, cả đến đám hoành hoạch, “cư dân thường trú” của vườn cũng biến mất. Chúng biến mất cho dù không ai xua đuổi; cho dù đám vỏ lon giăng ngang mắc dọc của cu Bi đã được tháo xuống từ lâu. Giá mà còn cây trứng cá… Mẹ thở dài. Lần đầu tiên, cu Bi cũng thở dài. Cu Bi ngước mắt nhìn ra góc vườn giờ trống hoác trống huơ.

Và, khác với mọi bận, Bi ta không mơ về những khóm chuối, khóm mía hay đám ổi da căng bóng trĩu cành như thường lệ. Hiện lên trong trí tưởng của Bi là một… tàn cây trứng cá to đùng sừng sững, mướt xanh! Thấp thoáng dưới vòm xanh kia là những bóng hoành hoạch áo xám nâu đi về tất tả không ngơi. Và những chiếc tổ be bé, tròn xoay. Và chiêm chiếp. Và ríu rít ríu ra…

Mà không! Không phải Bi đang mơ đâu. Bởi sáng nay ra vườn, Bi nhận ra, nơi gốc cây vừa đổ, ai đã trồng thay vào đó một cây trứng cá non…

Truyện ngắn của Y Nguyên

Tin liên quan